Vui mừng trước ‘chiến thắng’ sau khi Mỹ rút khỏi Afghanistan, Taliban nhắc lại cam kết của họ vào ngày 31/8 là mang lại hòa bình và an ninh cho đất nước sau nhiều thập kỷ chiến tranh. Trong khi đó, các công dân Afghanistan lại đang rất lo lắng và chờ xem trật tự mới sẽ như thế nào.
Taliban giờ đây phải đối mặt với thách thức trong việc điều hành một quốc gia có 38 triệu dân vốn sống chủ yếu dựa vào viện trợ quốc tế. Tổ chức này vẫn áp đặt các hình thức cai trị mang tính Hồi giáo cực đoan, tuy nhiên, một phần dân số Afghanistan hiện nay đã có trình độ học vấn và xu hướng quốc tế cao hơn nhiều so với thời Taliban cai trị vào cuối những năm 1990.
Hôm thứ Ba (1/9), thủ lĩnh Taliban Hekmatullah Wasiq cùng các tay súng từ đơn vị Badri của nhóm này đã tham quan sân bay ở Kabul và chụp ảnh. Trả lời hãng tin AP, ông này kêu gọi mọi người quay trở lại làm việc và nhắc lại lời đề nghị ân xá của Taliban cho tất cả những người Afghanistan ở phe đối lập. “Mọi người phải kiên nhẫn… Từ từ chúng tôi sẽ đưa mọi thứ trở lại bình thường. Cần có thời gian.”
Kể từ khi Taliban tiếp quản Afghanistan vào giữa tháng 8, một cuộc khủng hoảng kinh tế đã kéo dài và đang trở nên tồi tệ hơn. Người dân tập trung đông đúc tại các ngân hàng, yêu cầu tối đa hóa giới hạn rút tiền mặt hằng ngày của họ là 200 đô la. Các công chức đã không được trả lương trong nhiều tháng và đồng nội tệ đang mất giá. Phần lớn dự trữ ngoại hối của Afghanistan đang được giữ ở nước ngoài và hiện đã bị đóng băng.
Một trận hạn hán lớn cũng đang đe dọa nguồn cung cấp lương thực ở Afghanistan. Hàng nghìn người chạy trốn trong cuộc tiến công chớp nhoáng của Taliban hiện vẫn ở trong các khu trại tồi tàn.
Ông Ramiz Alakbarov, điều phối viên của Liên Hợp Quốc tại địa phương cho biết: “Afghanistan đang trên bờ vực của một thảm họa nhân đạo. Ông nói rằng các nỗ lực viện trợ cần đến 1,3 tỷ đô la, tuy nhiên chỉ mới nhận được 39%.”
Những thách thức mà Taliban phải đối mặt trong việc phục hồi nền kinh tế có thể tạo đòn bẩy cho các quốc gia phương Tây thúc đẩy này nhóm thực hiện cam kết cho phép đi lại tự do, thành lập một chính phủ hòa nhập và đảm bảo quyền lợi của phụ nữ. Taliban tuyên bố tổ chức này muốn có quan hệ tốt với các nước khác, bao gồm cả Hoa Kỳ.
Lần trước, khi Taliban cai trị Afghanistan từ năm 1996 đến năm 2001, họ cấm truyền hình, âm nhạc và thậm chí cả nhiếp ảnh, nhưng hiện tại chưa thấy có dấu hiệu về những lệnh cấm này. Các đài truyền hình vẫn đang hoạt động.
Anh Shadab Azimi, một người quản lý 26 tuổi, nói với hãng tin AP rằng có ít nhất 7 tiệc cưới đã được tổ chức kể từ khi Taliban tiếp quản, tuy nhiên các buổi tiệc đã được chuyển sang ban ngày vì lo ngại vấn đề an ninh. Anh cho biết Taliban vẫn chưa đưa ra lệnh cấm đối với âm nhạc, nhưng các ca sĩ được mời trong đám cưới vì lo sợ nên đã tự hủy lịch, khiến anh phải sử dụng băng đĩa thay thế.
Anh Abdul Waseeq, 25 tuổi, quản lý một cửa hàng quần áo dành cho phụ nữ ở trung tâm thành phố Kabul, cho biết mặc dù Taliban vẫn chưa ‘động’ đến anh nhưng các khách hàng của anh đã ‘biến mất’ và anh đang lo ngại về một cuộc khủng hoảng nhà băng sắp tới.
Anh nói: “Hầu hết khách hàng mua những loại quần áo này của chúng tôi đã biến mất, đã di tản khỏi Kabul.”
Hiện tại, Taliban đang tập trung vào sân bay Kabul, nơi đã diễn ra những cảnh tượng tuyệt vọng và kinh hoàng trong nhiều tuần khi hàng chục nghìn người bỏ trốn trong cuộc không vận lớn của Hoa Kỳ.
Đầu ngày 31/8, sân bay quốc tế Kabul ngập tràn các hiện vật của cuộc rút quân. Bên trong sân bay là những đống quần áo, hành lý và tài liệu nằm rải rác. Một số trực thăng CH-46 mà lực lượng Mỹ sử dụng vẫn đậu trong một xưởng chứa máy bay. Quân đội Mỹ cho biết họ đã vô hiệu hóa 27 chiếc Humvee và 73 phi cơ trước khi rời đi.
Người phát ngôn Zabihullah Mujahid của Taliban cho biết các đội kỹ thuật đang “sửa chữa và dọn dẹp” sân bay, khuyến cáo mọi người nên tránh khu vực này trong thời điểm hiện tại.
Taliban nói rằng họ sẽ cho phép những người có giấy tờ hợp pháp được di chuyển tự do, nhưng vẫn còn phải xem liệu có hãng hàng không thương mại nào sẵn sàng cung cấp dịch vụ hay không. Taliban dự kiến sẽ hội đàm với Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ về việc nối lại các hoạt động của sân bay.
“Tôi hy vọng các bạn sẽ rất thận trọng trong việc tiếp quản đất nước”. Người phát ngôn Mujahid nói trong một bài phát biểu tại sân bay, trước các chiến binh Taliban đang tập trung ở đó: “Đất nước chúng ta đã phải hứng chịu chiến tranh và xâm lược, và người dân không thể kìm nén thêm.”
Bất chấp viện trợ hàng tỷ đô la của phương Tây trong 2 thập kỷ qua, hơn một nửa người dân Afghanistan vẫn sống với số tiền ít hơn 1 đô la mỗi ngày. Đối với những người nghèo nhất, sự thay đổi từ hệ thống cai trị này sang hệ thống cai trị khác hầu như không quan trọng trong cuộc đấu tranh sinh tồn hàng ngày của họ.
Vy An (theo AP)
Xem thêm:
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…