Thế Giới

Tám điều cần biết về tòa án ICC và trát lệnh bắt giữ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu

Tòa án hình sự quốc tế ICC – Ảnh: Flickr United Nations

1. Vào hôm thứ Năm (21/11), Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) đã đưa ra phán quyết ban hành lệnh bắt giữ đối với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant, và Lãnh đạo nhóm chiến binh Hồi giáo Hamas Mohammed Deif (còn được ngoại giới gọi là Ibrahim Al-Masri) với cáo buộc vi phạm tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người trong cuộc chiến tranh Israel-Hamas tại Gaza.

Ông Karim Khan, Công tố viên Tòa án Hình sự Quốc tế, lúc đầu đã yêu cầu tòa án ban hành các lệnh bắt giữ vào tháng Năm, cáo buộc các bị cáo đã vi phạm rất nhiều tội ác trong các chiến dịch phản công của Israel nhắm vào Hamas. Tòa án cho biết Phòng Dự Thẩm đã xác định “có cơ sở hợp lý” để tin rằng các bị cáo chịu trách nhiệm về các tội ác chống nhân loại, bao gồm các hành vi bức hại và phi nhân đạo. Ông Khan tha thiết kêu gọi các quốc gia thành viên ký kết hiệp ước sáng lập ICC “thực hiện đúng cam kết với Quy chế Rome [hiệp ước thành lập ICC] bằng cách tôn trọng và tuân thủ các mệnh lệnh tư pháp này. Chúng tôi trông cậy vào sự hợp tác của họ [các quốc gia thành viên] trong [trường hợp] này, cũng như trong tất cả các [trường hợp] khác… Chúng tôi cũng hoan nghênh sự hợp tác với các quốc gia không phải là thành viên [cùng chung tay] hướng tới công lý và gìn giữ luật pháp quốc tế“.

2. Trong phán quyết, Tòa án Hình sự Quốc tế cáo buộc rằng ông Netanyahu và ông Gallant đã sử dụng nạn đói như một vũ khí chiến tranh bằng cách tước đoạt lương thực, nước uống, thuốc men và nguồn điện khỏi dân thường Palestine tại Gaza. Những chiến dịch quân sự phản công của Israel được thực hiện như một phần của “cuộc tấn công rộng lớn và có hệ thống nhắm vào dân thường tại Dải Gaza“.

Những chiến dịch quân sự của Israel đã khiến nhiều dân thường suy dinh dưỡng, mất nước và tử vong, trong đó cũng bao gồm trẻ em. Chiến dịch này “đã tạo ra những điều kiện sống tồi tệ, có chủ đích khiến một phần dân số dân thường tại Gaza bị hủy diệt, [trong đó] nhiều người đã tử vong, bao gồm cả trẻ em, do suy dinh dưỡng và mất nước”, tòa án cho biết.

3. Trong phán quyết, Tòa án Hình sự Quốc tế cáo buộc rằng ông Mohammed Deif đã phạm tội giết người, cưỡng hiếp, và bắt cóc con tin trong vụ tấn công vào Israel vào ngày 7 tháng 10 năm 2023. Trong một thông báo trước truyền thông quốc tế, Israel tuyên bố đã tiêu diệt ông Deif trong một cuộc không kích vào tháng Bảy, tuy nhiên nhóm chiến binh Hồi giáo Palestine Hamas chưa chính thức xác nhận thông tin này.

4. Ngay sau đó, Israel đã lên tiếng phủ nhận thẩm quyền tài phán của tòa án ICC đồng thời bác bỏ hoàn toàn mọi cáo buộc tội ác chiến tranh. Ngoại trưởng Israel, ông Gideon Saar, mạnh mẽ tuyên bố rằng Tòa án Hình sự Quốc tế đã “hoàn toàn đánh mất tính chính danh” khi ban hành lệnh bắt giữ đối với Thủ tướng Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Gallant.

Tòa án Hình sự Quốc tế được toàn bộ các quốc gia trong Liên minh Châu Âu (EU), Úc, Canada, Anh Quốc, Brazil, Nhật Bản, cùng với hàng chục quốc gia khác thuộc châu Phi và châu Mỹ Latin hậu thuẫn mạnh mẽ. Trong khí đó, Hoa Kỳ, Israel và một số cường quốc khác (như Nga, Trung Quốc, và Ấn Độ) không phải là thành viên của ICC và không công nhận quyền tài phán của tòa án này. Các lệnh bắt giữ có thể được thực thi nếu các bị cáo công du đến bất kỳ 124 quốc gia thành viên nào của ICC.

5. Tại Dải Gaza, nhiều dân chúng Palestine xem phán quyết của tòa án ICC như một bước tiến công lý quan trọng, giúp dân thường Palestine đòi lại công bằng sau những mất mát to lớn.

Netanyahu và Gallant giờ đây là tội phạm chiến tranh, và sớm hay muộn, một quốc gia nào đó sẽ đưa họ ra trước công lý, dù phải mất bao nhiêu thời gian“, ông Shaban Abed, 47 tuổi, một kỹ sư kỹ thuật và cư dân của Thành phố Gaza, hiện đang tạm cư tại khu vực Khan Younis, tuyên bố. Ông Abed cũng cho biết thêm rằng động thái của tòa án “dù hơi muộn màng nhưng vẫn không bao giờ là quá trễ“.

Trong khi đó, nhóm chiến binh Hồi giáo Hamas nhiệt liệt hoan nghênh lệnh bắt giữ đối với ông Netanyahu và ông Gallant. 

Tại Israel, chính phủ Israel đã lên tiếng bác bỏ hoàn toàn và chỉ trích mạnh mẽ phán quyết của tòa án ICC, gọi phán quyết này là “phi lý”, “bài Do Thái”, bất hợp pháp và mang đầy động cơ chính trị. 

Văn phòng của ông Netanyahu tuyên bố rằng phán quyết của ICC là “bài Do Thái“, đồng thời không ngần ngại khẳng định rằng ông Netanyahu “sẽ không nhượng bộ trước áp lực, sẽ không chùn bước” cho đến khi Israel đạt được tất cả các mục tiêu chiến tranh đã được đề ra. 

Cựu Thủ tướng Israel, ông Naftali Bennett, nhận xét rằng trát lệnh bắt giữ của ICC là một “vết nhơ đáng hổ thẹn“, trong khi lãnh đạo phe đối lập Yair Lapid chỉ trích phán quyết này là “một món quà cho chủ nghĩa khủng bố“.

Hoa Kỳ, một đồng minh thân cận của Israel tại Trung Đông, đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ phán quyết của tòa án ICC đồng thời đe dọa áp đặt các biện pháp trừng phạt lên tòa án.

Chúng tôi quan ngại vô cùng trước [yêu cầu] vội vã của công tố viên [nỗ lực] tìm kiếm các lệnh bắt giữ [từ thẩm phán] và những sai sót đáng lo ngại trong quy trình [điều tra] đã dẫn đến phán quyết này“, một phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng tuyên bố, đồng thời cho biết Hoa Kỳ đang thảo luận với các đồng minh thân cận về các bước tiếp theo. 

Tại Washington, ông John Thune, lãnh đạo kế nhiệm phe đa số tại Thượng viện do Đảng Cộng hòa kiểm soát, đã thẳng thừng đe dọa áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với tòa án ICC. Ông Thune cũng đồng tình với một dự luật trước đó đã được Hạ viện phê chuẩn. “Nếu ICC không đảo ngược phán quyết sai lầm này, Thượng viện phải có hành động trừng phạt tòa án“, ông Thune tuyên bố.

Bất chấp những tuyên bố phản đối của đồng minh Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu lại kêu gọi ngoại giới tôn trọng phán quyết của tòa án ICC. Lãnh đạo đối ngoại của EU, ông Josep Borrell, khẳng định rằng phán quyết của tòa án ICC không mang động cơ chính trị mà chỉ là một phán quyết được một tòa án ban hành và do đó cần được tôn trọng và thi hành. “Thảm kịch tại Gaza cần phải chấm dứt“, ông Borrell tuyên bố.

Quốc gia láng giềng Jordan cùng một số quốc gia khác đã yêu cầu các quốc gia thành viên ICC thực thi nghiêm túc các lệnh bắt giữ này.

6. Vào ngày 7 tháng 10 năm 2023, nhóm chiến binh Hồi giáo Hamas đã quyết định tấn công vào Israel, khiến khoảng 1.200 dân thường Israel thiệt mạng đồng thời bắt giữ hơn 250 người làm con tin. Ngay sau đó, quân đội Israel đã khởi động một chiến dịch quân sự phản công, cho đến nay đã khiến khoảng 44.000 người Palestine thiệt mạng, nhiều dân thường phải di dời chỗ cư ngụ nhiều lần để tránh né các vùng chiến sự, đồng thời những chiến dịch quân sự này cũng gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo tại dải Gaza.

7. Vào năm ngoái, Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) cũng đã ban hành trát lệnh tương tự yêu cầu các quốc gia thành viên bắt giữ Tổng thống Nga Putin cùng Ủy viên Quyền Trẻ em của nước này, bà Maria Alekseyevna Lvova-Belova với cáo buộc ông Putin đã trục xuất trái phép hàng trăm trẻ em khỏi Ukraine. Phán quyết này cũng vấp phải những tuyên bố phản đối mạnh mẽ từ phía Moskva. Thậm chí, Mông Cổ, một quốc gia thành viên của Tòa án Hình sự Quốc tế từ năm 2002, đã đón tiếp long trọng ông Putin tại thủ đô Ulaanbaatar vào ngày 3 tháng 9 năm 2024, bất chấp trát lệnh bắt giữ từ ICC. Mặc dù Hoa Kỳ không phải là thành viên của ICC, nhưng nước này đã công khai ủng hộ quyết định của tòa án phát hành lệnh bắt giữ đối với ông Putin.

8. Mặc dù sở hữu số lượng thành viên đông đảo gồm rất nhiều quốc gia nằm rải rác trên khắp thế giới, tòa án ICC không có cơ chế cưỡng chế mà phụ thuộc vào các quốc gia thành viên tự nguyện hợp tác thực thi lệnh bắt giữ. Israel kiên quyết từ chối hợp tác với ICC và cáo buộc tòa án này làm phức tạp và gia tăng căng thẳng tình hình địa chính trị, pháp lý và ngoại giao trên toàn cầu.

Thiên Vân (T/h)

Thiên Vân

Tôi yêu thích và quan tâm tình hình chính sự và thông tin thời cuộc thế giới, bình luận và phân tích về chính trị Mỹ, Trung và thế giới nói chung. Hiện tại tôi đang đóng góp cho chuyên mục Thế giới của báo trithucvn.org.

Published by
Thiên Vân

Recent Posts

Nghị sĩ Mỹ: Vụ ĐCSTQ hack các công ty viễn thông Mỹ là nghiêm trọng nhất lịch sử

Đầu tháng này, Chính phủ Mỹ tiết lộ rằng các tin tặc có liên hệ…

3 phút ago

Mỹ cung cấp cho Philippines tàu không người lái để đối phó Trung Quốc

Hôm thứ Ba (19/11), Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã có chuyến thăm…

9 phút ago

Thống đốc Texas chỉ đạo nguồn quỹ công ngừng đầu tư vào Trung Quốc

Ngày 21/11, Thống đốc Greg Abbott tại Texas đã ban lệnh chỉ thị các quỹ…

16 phút ago

[VIDEO] Temu có thể là phần mềm gián điệp được ngụy trang thành thương mại – Tổ chức Mỹ cảnh báo

Temu quảng cáo những ưu đãi lớn cho người tiêu dùng, nhưng thực tế không…

33 phút ago

Nhà Trắng cho biết nhóm của ông Trump vẫn chưa ký thỏa thuận chuyển giao quyền lực

Nhà Trắng cho biết nhóm chuyển giao quyền lực Trump-Vance vẫn chưa ký các văn…

3 giờ ago

Nguyên GĐ và nguyên Kế toán trưởng Trung tâm CNTT – TN&MT Huế  bị phạt tù

Nguyên Giám đốc và nguyên Kế toán trưởng Trung tâm Công nghệ thông tin tài…

3 giờ ago