Thế Giới

Tàu Trung Quốc bắn vòi rồng vào tàu Philippines: 4 thủy thủ bị thương, căng thẳng leo thang

Hôm thứ Ba (5/3), Lực lượng Đặc nhiệm Biển Đông của Manila cho biết, một tàu tuần duyên Trung Quốc đã bắn vòi rồng vào một tàu tiếp tế Philippines, khiến ít nhất 4 thành viên thủy thủ đoàn bị thương nhẹ. Cùng ngày, Philippines đã triệu tập phó đại sứ Trung Quốc tại Manila, thủ đô của Philippine, để bày tỏ sự phản đối.

Ngày 5/3/2024, khi đang thực hiện nhiệm vụ tiếp tế gần Bãi cạn Second Thomas đang tranh chấp ở Biển Đông, tàu Cảnh sát biển Trung Quốc (bên trái và bên phải) đã bắn vòi rồng vào tàu dân sự Unaizah do quân đội Philippines thuê (ở giữa), khiến 4 thuyền viên người Philippines bị thương. (Ảnh: Chụp màn hình video Cảnh sát biển Philippines)

Nhóm công tác cho biết, tàu Philippines đang hướng tới Bãi cạn Second Thomas để thực hiện nhiệm vụ thường lệ thì bị các tàu dân quân hàng hải và lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc “quấy rối (và) chặn đứng”.

Những bức ảnh do Philippines công bố cho thấy, hai tàu hải cảnh Trung Quốc đã áp sát một tàu thuê dân sự Philippines đang thực hiện nhiệm vụ tiếp tế từ cả hai phía, và bắn vòi rồng áp suất cao vào tàu này.

Người phát ngôn của Lực lượng bảo vệ bờ biển Manila cũng tuyên bố, một tàu hải cảnh Trung Quốc cũng hành động “liều lĩnh” và “trái luật” khi va chạm với một tàu Philippines, khiến tàu này bị hư hại nhẹ về cấu trúc.

Hôm thứ Ba (5/3), Bộ Ngoại giao Philippines cho biết đã triệu tập các nhà ngoại giao Trung Quốc để bày tỏ sự phản đối, và yêu cầu các tàu Trung Quốc ngay lập tức rời khỏi khu vực Bãi cạn Second Thomas (được gọi là Bãi cạn Ayungin ở Manila).

Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Philippines cho biết, không thể chấp nhận được việc Trung Quốc (Đảng Cộng sản Trung Quốc – ĐCSTQ) can thiệp vào các hoạt động hợp pháp hàng ngày của Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này. Hành động của Trung Quốc (ĐCSTQ) tại bãi cạn Ayungin vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Philippines.

ĐCSTQ đổ lỗi cho Manila, nói rằng các tàu Philippines đã xâm nhập trái phép vùng biển gần bãi cạn Second Thomas, do đó họ phải thực hiện các biện pháp kiểm soát.

Hành động của ĐCSTQ cũng bị Mỹ, đồng minh hiệp ước quốc phòng của Philippines, lên án.

Trên nền tảng truyền thông xã hội X, Đại sứ Hoa Kỳ tại Manila, bà MaryKay Carlson, nói Hoa Kỳ sẽ sát cánh cùng Philippines và những người ủng hộ luật pháp quốc tế trong việc hỗ trợ một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở.

Tranh chấp ở Biển Đông

Bãi cạn Second Thomas là nơi đóng quân của một đơn vị Philippines. Manila đã cho mắc cạn tàu USS Sierra Madre, một tàu đổ bộ rỉ sét từ Thế chiến II, ở đây vào năm 1999 để củng cố tuyên bố chủ quyền của mình.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên hầu hết Biển Đông, bao gồm cả bãi cạn Second Thomas trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, và đã triển khai tàu để tuần tra các vùng biển tranh chấp.

Mặc dù năm 2016, Tòa án Trọng tài Thường trực ở The Hague (Hà Lan) ra phán quyết, rằng các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông không mang tính ràng buộc về mặt pháp lý, nhưng Bắc Kinh vẫn từ chối chấp nhận phán quyết này.

Lực lượng đặc nhiệm Philippines cho biết “hành vi cưỡng bức không chính đáng và các hành động nguy hiểm” của Bắc Kinh đã đặt ra câu hỏi về sự chân thành của họ trong việc kêu gọi đối thoại hòa bình và giảm căng thẳng.

Tại một cuộc họp báo thường kỳ, bà Mao Ninh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đã bảo vệ hành động của ĐCSTQ.

Thứ Hai (4/3) tại Diễn đàn cấp cao đặc biệt ASEAN-Úc, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. phát biểu, Philippines sẵn sàng đàm phán và hợp tác với ĐCSTQ, nhưng sẽ đáp trả nếu chủ quyền và quyền tài phán của nước này ở Biển Đông bị phớt lờ.

Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos duyệt đội danh dự trong buổi lễ chào mừng bên ngoài Bộ Quốc phòng ở Washington, DC vào ngày 3 tháng 5 năm 2023. (Ảnh:MANDEL NGAN/AFP, Getty Images)

Sau khi nhậm chức, trái ngược với lập trường thân Trung Quốc của cựu Tổng thống Rodrigo Duterte, ông Marcos Jr. cáo buộc Bắc Kinh xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Philippines và sử dụng vòi rồng, tia laser “cấp quân sự”, cùng chiến thuật va chạm để xua đuổi tàu Philippines.

Dưới thời ông Marcos Jr., Philippines đã xây dựng mối quan hệ quốc phòng chặt chẽ hơn với đồng minh quân sự lâu năm của mình là Hoa Kỳ, tăng gần gấp đôi số căn cứ mà nước này mở cho lực lượng Hoa Kỳ, gồm 3 căn cứ mới ở phía bắc hướng tới đảo Đài Loan.

Lực lượng đặc nhiệm Philippines cho biết, không thể đạt được hòa bình và ổn định nếu không tôn trọng đúng mức các quyền được thiết lập hợp pháp của nước khác.

Hoa Kỳ và Philippines đã tổ chức các cuộc tập trận quân sự thường xuyên trong nhiều thập kỷ, nhưng phạm vi của cuộc tập trận gần đây đã được mở rộng để bao gồm các cuộc tuần tra chung trên không và hải quân ở Biển Đông và gần Đài Loan.

Bình Minh (t/h)

Bình Minh

Published by
Bình Minh

Recent Posts

Tỷ phú Elon Musk bí mật gặp phái viên của Iran?

Theo hai quan chức Iran giấu tên, tỷ phú công nghệ Elon Musk đã gặp…

3 giờ ago

Ông Donald Trump gặp nguyên thủ nước ngoài đầu tiên kể từ sau khi đắc cử

Tổng thống đắc cử Donald Trump đã có cuộc gặp với tổng thống Argentina Javier…

3 giờ ago

‘Ông trùm’ đất đá thải mỏ tại Quảng Ninh bị bắt

Ông Vũ Đình Kiên bị điều tra về tội Vi phạm các quy định về…

6 giờ ago

Kỷ luật cảnh cáo hai cựu Bí thư Bùi Văn Cường, Nguyễn Xuân Ký

Bộ Chính trị cảnh cáo nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký…

7 giờ ago

10 tháng, Việt Nam chi gần 1,4 tỷ USD nhập nhiều loại thịt và phụ phẩm giá rẻ

Theo ước tính sơ bộ, trong 10 tháng năm 2024, các doanh nghiệp Việt Nam…

10 giờ ago

Vụ nữ bệnh nhân ung thư tử vong ở TP.HCM: Trên người có 3 vết mổ

Nữ bệnh nhân tử vong tại khu nhà trọ gần Bệnh viện Ung bướu cơ…

10 giờ ago