Hôm 15/10, Bắc Triều Tiên đã ném bom một phần tuyến đường sắt nối hai miền liên Triều. Chủ tịch Hội đồng Tham mưu Liên quân Kim Myung-soo của Hàn Quốc đã hủy chuyến thăm dự kiến tới Mỹ, để sẵn sàng đáp trả những hành động khiêu khích có thể xảy ra tiếp theo từ phía Bắc Hàn. Trong bối cảnh căng thẳng đó, Bắc Triều Tiên tuyên bố chỉ trong 2 ngày gần đây đã cho nhập ngũ hơn một triệu thanh niên.
Hãng thông tấn Yonhap dẫn nhiều nguồn tin cho biết, ban đầu ông Kim Myung-soo dự kiến tới Mỹ để tham dự cuộc họp cấp cao vào ngày 15/10, nhưng xét thấy Bắc Hàn có thể có những hành động khiêu khích nghiêm trọng hơn nữa sau việc đã cho nổ tung tuyến đường sắt giữa hai miền, nên đã ở lại để tham dự cuộc họp thông qua truyền hình.
Quân đội Bắc Triều Tiên gần đây tuyên bố sẽ cắt đứt mọi phương tiện giao thông đường bộ với Hàn Quốc. Trưa ngày 15/10, họ đã cho nổ tung các phần của Tuyến Gyeongui và Tuyến Donghae ở phía bắc Đường Phân giới Quân sự (MDL) nối hai bên, khiến quân đội Hàn Quốc nổ súng cảnh cáo. Hàn Quốc ngay lập tức lên án Bắc Hàn vi phạm thỏa thuận đình chiến giữa hai miền.
Trước đó Bắc Triều Tiên cáo buộc máy bay không người lái của Hàn Quốc xâm phạm bầu trời Bình Nhưỡng, cảnh báo rằng họ sẽ tấn công nếu tái diễn điều đó, nhưng Chính phủ Hàn Quốc luôn phủ nhận điều này. Bắc Triều Tiên lấy đây làm cớ để thường xuyên hành động, căng thẳng ở khu vực biên giới một lần nữa nóng lên.
Đáng chú ý là các hành trình tham quan như Đài thiên văn Dorasan và Làng Thống nhất ở tỉnh Gyeonggi gần biên giới Hàn – Triều tạm thời bị đình chỉ, nhưng đã được thông báo mở cửa trở lại vào sáng sớm 16/10.
Động thái từ Bắc Triều Tiên lần này rất khác với vụ đánh bom năm 2020 tại văn phòng liên lạc liên Triều – Khu công nghiệp Kaesong, khi đó truyền thông chính thức của họ đã nhanh chóng đưa tin, nhưng lần này chưa thấy lên tiếng gì về việc phá hủy hai tuyến đường sắt – những động thái làm dấy lên nhiều đồn đoán từ thế giới bên ngoài.
Ông Hong Min, thành viên nghiên cứu tại Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc, phân tích rằng có thể nhà cầm quyền Bắc Hàn nhận thấy, việc không cho công chúng biết đã thực hiện các biện pháp cứng rắn như cho nổ tung đường sắt là có lợi hơn cho nhà cầm quyền. Một số phân tích cho rằng chính quyền Bình Nhưỡng có thể nhận thấy hiệu quả truyền thông đã đạt được, vì truyền thông từ nhiều nước đã đưa tin rộng rãi về cảnh vụ nổ được ghi lại bởi camera giám sát của quân đội Hàn Quốc.
Cơ quan truyền thông Bắc Triều Tiên KCNA (Thông tấn xã Trung ương Triều Tiên) đưa tin vào ngày 16/10 rằng trong tuần này có khoảng 1,4 triệu thanh niên đã gia nhập hoặc trở lại Quân đội Nhân dân Triều Tiên, trong số đó bao gồm cả sinh viên và công chức Đoàn Thanh niên. KCNA tuyên bố “thanh niên Triều Tiên quyết tâm tham gia thánh chiến tiêu diệt giặc bằng vũ khí cách mạng”.
Reuters đưa tin, vào năm ngoái truyền thông Bắc Triều Tiên cũng đưa ra tuyên bố tương tự, cho hay công dân đã tự nguyện gia nhập quân đội để chiến đấu chống lại Mỹ.
Xung đột giữa hai miền Triều Tiên đã căng thẳng hơn kể từ tháng 5 năm nay do phía Bắc Hàn thả bóng bay rác; Bắc Triều Tiên cho biết đó là để trả đũa việc các nhà hoạt động Hàn Quốc thả bóng bay tuyên truyền chống chế độ Bình Nhưỡng.
KCNA nhấn mạnh: “Nếu chiến tranh nổ ra, Hàn Quốc sẽ biến mất khỏi bản đồ. Vì họ (Hàn Quốc) muốn chiến tranh, chúng tôi sẽ vui vẻ chấm dứt sự tồn tại của họ”.
Những ngày gần đây, Bình Nhưỡng cũng đưa ra nhiều phát ngôn khiêu khích. Ngoài việc cáo buộc trong tháng này máy bay không người lái của Hàn Quốc 3 lần thả truyền đơn xuống Bình Nhưỡng, còn cảnh báo sẽ đáp trả bằng vũ lực nếu tái diễn.
Em gái của ông Kim Jong-un là bà Kim Yo-jong gần đây cũng tuyên bố đã có bằng chứng Hàn Quốc đứng đằng sau vụ việc máy bay không người lái, và Seoul sẽ “phải trả giá đắt”.
Truyền thông nhà nước Bắc Triều Tiên cũng đưa tin, tại Hội nghị An ninh Quốc gia ngày 14/10, ông Kim Jong-un đã chỉ đạo kế hoạch “hành động quân sự ngay lập tức”. Quân đội Bắc Triều Tiên trước đó cũng tuyên bố tiền tuyến sẵn sàng nổ súng biến Hàn Quốc thành “tro bụi”.
Quan hệ giữa Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc từng dịu đi vào những năm 2000, khi đó hai bên đã kết nối lại hai tuyến đường sắt và đường cao tốc ở biên giới, sau đó các hoạt động liên quan đã bị ngăn chặn do chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng. Bắc Triều Tiên tuần trước tuyên bố sẽ phong tỏa vĩnh viễn biên giới với Hàn Quốc, dọc đường kết nối đã cho dựng rào chắn chống tăng, rải mìn, tháo dỡ đèn đường…. Bắc Hàn trong những năm gần đây cũng đã tiến hành một loạt vụ thử tên lửa.
AFP chỉ ra con đường liên lạc liên Triều đã bị đóng cửa từ lâu, nhưng hoạt động phá hủy lần này đã gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng ông Kim Jong-un không có ý định đàm phán với Hàn Quốc.
Về vụ Bắc Triều Tiên vào ngày 15/10 ném bom tuyến đường sắt Kyungui và Donghae nối liền hai miền Triều Tiên, hãng tin AP có phân tích rằng nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un khó có thể tiến hành một cuộc tấn công phủ đầu quy mô lớn vào Hàn Quốc, bởi vì Mỹ và Hàn Quốc có lực lượng vượt trội, nếu Bắc Hàn làm thế sẽ gây nguy cơ đối với tồn tại của chính quyền Bình Nhưỡng, do đó vụ ném bom đường bộ thành một cử chỉ mang tính biểu tượng để bày tỏ sự tức giận ngày càng tăng đối với Hàn Quốc.
Bắc Triều Tiên có tiền lệ lịch sử phá hủy các cơ sở trên đất của họ để gửi thông điệp chính trị. Năm 2020, để trả đũa việc thả truyền đơn từ Hàn Quốc, họ đã cho nổ tung một tòa nhà văn phòng không sử dụng do Hàn Quốc xây dựng ở phía bắc biên giới; năm 2018, trong những ngày đầu của chính sách ngoại giao hạt nhân mà Bình Nhưỡng dùng để làm quân bài với Washington, Bắc Triều Tiên đã cho nổ tung đường hầm tại bãi thử hạt nhân Punggye-ri và dỡ bỏ một phần cơ sở này; năm 2008, khi Bắc Hàn đang đàm phán giải trừ vũ khí để đổi lấy viện trợ từ Mỹ và các nước khác, họ cũng cho nổ các tháp làm mát của các thiết bị hạt nhân lớn.
Việc cho nổ tuyến đường sắt được xây dựng bằng vốn của Hàn Quốc là nhấn mạnh mệnh lệnh của ông Kim Jong-un hồi tháng 1 rằng Bắc Triều Tiên từ bỏ mục tiêu thống nhất hòa bình, và kêu gọi sửa đổi hiến pháp để liệt Hàn Quốc là “kẻ thù chính không thay đổi”. Điều này khiến giới quan sát phương Tây ngạc nhiên, vì động thái xét cho cùng không khác gì phá bỏ khát vọng xưa nay của thế hệ cha ông Kim Jong-un là thống nhất bán đảo Triều Tiên một cách hòa bình. Giới chuyên gia có quan điểm cho rằng động thái của ông Kim Jong-un mục đích làm suy yếu tiếng nói của Hàn Quốc trong cuộc xung đột vũ khí hạt nhân trong khu vực, tìm kiếm các thỏa thuận trực tiếp với Washington và hy vọng làm giảm ảnh hưởng văn hóa của Hàn Quốc.
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…
Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…
Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…
UBND TP.HCM vừa đề xuất dùng ngân sách địa phương để xử lý nợ quá…