Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo sáng thứ Tư (10/6) nói rằng Tokyo muốn đi đầu trong nhóm G7 để xúc tiến ban hành một tuyên bố chung về tình hình Hồng Kông.
Theo Japan Times, Thủ tướng Abe sáng 10/6 đã phát biểu với một tờ báo địa phương rằng: “Rõ ràng, chúng tôi thừa nhận nhóm G7 có sứ mệnh lãnh đạo dư luận toàn cầu và Nhật Bản muốn đi đầu trong việc ban hành một tuyên bố về ‘một quốc gia, hai chế độ’ tại Hồng Kông”.
Trước đó, Nhật Bản cũng đã ban hành một tuyên bố riêng rẽ bày tỏ quan ngại nghiêm trọng về động thái của Trung Quốc vào ngày 28/5, thời điểm Bắc Kinh phê duyệt chủ trương sẽ áp đặt luật an ninh quốc gia lên Hồng Kông. Khi đó, Nhật Bản cũng đã triệu tập Đại sứ Trung Quốc tại Tokyo để chính thức bày tỏ quan điểm về tình hình Hồng Kông.
Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga hôm thứ Hai (8/6) đã bác bỏ một báo cáo của truyền thông cho rằng Nhật Bản đã gây thất vọng khi từ chối tham gia cùng các nước khác, trong đó có Mỹ và Anh Quốc, ban hành tuyên bố chung phản đối luật an ninh quốc gia mà Trung Quốc có kế hoạch áp đặt tại Hồng Kông.
Ông Suga nói tại buổi họp báo hôm 8/6: “Mỹ, Anh và các quốc gia liên quan đánh giá cao phản ứng của đất nước chúng ta [về tình hình Hồng Kông], do đó, thông tin cho rằng có những tiếng nói bày tỏ thất vọng được chuyển tới chúng ta là không đúng chút nào”.
Ông Suga cũng nói thêm rằng các quan chức nhật bản, trong đó có Ngoại trưởng Toshimitsu Motegi hôm 28/5 đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về luật an ninh Hồng Kông.
Trong ngày 28/5, Quốc hội Trung Quốc đã nhất trí thông qua Dự Luật an ninh quốc gia cho Hồng Kông. Cơ quan lập pháp Trung Quốc sẽ xem xét các chi tiết trong vòng một vài tuần, trước khi luật này dự kiến sẽ có hiệu lực tại Hồng Kông vào tháng Chín. Đây là thời điểm gần như cùng lúc với cuộc bầu cử quốc hội tại Hồng Kông.
Thời điểm Quốc hội Trung Quốc phê chuẩn kế hoạch ban hành luật an ninh cho Hồng Kông, thì Mỹ, Anh, Úc và Canada đã phát hành tuyên bố chung lập luận rằng động thái của Trung Quốc “sẽ tước đi các quyền tự do của Hồng Kông và rõ ràng sẽ làm xói mòn quyền tự trị của Hồng Kông”.
“Hồng Kông phát triển mạnh mẽ như một pháo đài của tự do. Sự thịnh vượng và ổn định của Hồng Kông có lợi ích to lớn và lâu dài đối với cộng đồng quốc tế“, tuyên bố chung khẳng định.
Tuyên bố chung cảnh báo: “Từ khi thế giới tập trung ứng phó với đại dịch toàn cầu, đòi hỏi người dân cần phải tin tưởng sâu sắc hơn vào chính phủ và tăng cường hợp tác quốc tế [để vượt qua khủng hoảng]. Động thái chưa từng có của Bắc Kinh có thể dẫn đến kết quả ngược lại”.
Sau phát biểu của Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo sáng 10/6, chế độ Trung Quốc đã lập tức lên tiếng bày tỏ “quan ngại sâu sắc”.
Theo Reuters, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh trong cuộc họp báo thường nhật hôm 10/6 đã khẳng định rằng Hồng Kông là vấn đề nội bộ của Trung Quốc và các quốc gia khác không có quyền can thiệp.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến có chuyến thăm chính thức Nhật Bản từ hồi tháng Tư, nhưng sự kiện ngoại giao quan trọng này đã phải hoãn lại do đại dịch COVID-19 hoành hành khắp Châu Á và toàn cầu. Hiện Tokyo và Bắc Kinh vẫn chưa thông báo về thời gian ông Tập thăm Nhật Bản.
Xuân Thành
Xem thêm:
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…
Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…