Các nhà quan sát cho rằng “vừa đánh vừa đàm” sẽ là thực trạng mới của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
Sau 2 ngày đàm phán tại Washington, các nhà đàm phán Mỹ và Trung Quốc loan báo hai bên đã đạt được thỏa thuận “giai đoạn một”, bao gồm các vấn đề về nông nghiệp, tiền tệ và một số khía cạnh ít tranh cãi của bảo vệ sở hữu trí tuệ, đổi lấy việc Mỹ không tăng thuế lên Trung Quốc vào tháng ngày 15/10 tới. Quan chức hai bên sẽ có một vài tuần để soạn thảo chi tiết nội dung thỏa thuận, và Bắc Kinh đã cảnh báo về những khó khăn trước mắt.
Thỏa thuận chi tiết sẽ mất 3 đến 5 tuần để xây dựng, theo ông Trump. Trung Quốc đã đồng ý mua tới 50 tỷ USD nông sản Mỹ và giới chức 2 nước nói họ đã đạt được tiến triển về chuyển giao công nghệ, mở rộng thị trường tài chính Trung Quốc. Mỹ sẽ ngừng tăng thuế 5% lên 250 tỷ USD hàng Trung Quốc vào ngày 15/10, các khoản thuế còn lại vẫn giữ nguyên và cũng chưa có tuyên bố gì về khoản thuế sẽ áp vào tháng 12.
“Thỏa thuận mà tôi vừa thực hiện với Trung Quốc, là thỏa thuận lớn nhất và vĩ đại nhất từng được thực hiện cho những Nông dân Yêu nước tuyệt vời trong lịch sử của đất nước chúng ta. Trên thực tế, có câu hỏi đang đặt ra là liệu có thể sản xuất được chừng ấy sản phẩm hay không? Nông dân của chúng ta sẽ trả lời. Cảm ơn Trung Quốc!” ông Trump viết trên Twitter.
Phó Thủ tướng Lưu Hạc, người đứng đầu đoàn đàm phán Trung Quốc đã mang một bức thư tay của ông Tập Cận Bình gửi cho ông Trump. Ông Hạc nói: “Chúng tôi rất đồng ý rằng việc làm cho đúng đắn quan hệ Mỹ-Trung là một điều tốt cho cả Trung Quốc, cho cả Mỹ và toàn thế giới, và chúng tôi đang tiến được rất nhiều bước về hướng đi tích cực đó”.
Tuy nhiên truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin khá dè dặt về kết quả của vòng đàm phán thứ 13 này. Tân Hoa Xã nói “Hai bên đã có một cuộc thảo luận trung thực, hiệu quả cao và mang tính xây dựng, đạt được tiến triển đáng kể”, còn Nhân Dân Nhật Báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc thì cảnh báo Trung Quốc sẽ không bao giờ “đánh đổi những nguyên tắc của mình”.
“Kết quả cuối cùng sẽ phụ thuộc vào việc liệu Mỹ có thể cùng tiến bước với Trung Quốc và tạo ra những điều kiện cần thiết, đầy đủ để tiến về phía trước”, tờ báo viết.
Sáng thứ Bảy, một bài bình luận trên Tân Hoa Xã cảnh báo rằng quan hệ Trung Quốc-Mỹ đã trở nên phức tạp hơn và rằng “một số người muốn chính trị hóa các vấn đề kinh tế và thương mại. Tìm kiếm một giải pháp cho các vấn đề thương mại và kinh tế được cả hai nước chấp nhận có thể là một quá trình lâu dài.”
Các nhà quan sát nhận thấy rằng kết quả của cuộc đàm phán này giống như những gì đã diễn ra hồi tháng 4/2019, sau khi ông Trump gặp ông Lưu Hạc. Khi đó, ông Trump tỏ ra rất tích cực rằng Mỹ và Trung Quốc có thể đạt được một thỏa thuận cụ thể vào tháng 5. Tuy nhiên sau khi ông Lưu trở về Trung Quốc để báo cáo với ông Tập Cận Bình, thỏa thuận đã nhanh chóng sụp đổ. Mỹ cáo buộc Trung Quốc đòi rút lại nhiều vấn đề quan trọng trong cuộc đàm phán mà họ đã đồng ý với Mỹ, còn Bắc Kinh thì cáo buộc Mỹ đòi hỏi quá nhiều.
James Zimmerman, một partner trong văn phòng Bắc Kinh của hãng luật Perkins Coie nhận định rằng ông Trump đang “nổ tràng pháo chiến thắng” và cố đưa rất nhiều mong muốn của mình vào thỏa thuận còn chưa được soạn thảo, trong khi Trung Quốc đang rất cẩn trọng không “há miệng mắc câu” với các tuyên bố của ông Trump.
“Người Trung Quốc đang tránh đưa ra bất kỳ một tuyên bố công khai nào, vừa cố gắng không phản bác lại cũng như đồng ý với những tuyên bố đơn phương của ông Trump về thỏa thuận đang soạn thảo, vì biết rằng ông Trump có thể thay đổi rất nhanh từ tuyên bố chúc mừng sang buộc tội”, ông Zimmerman nói với tờ SCMP.
Ông Trump mặc dù tỏ ra tin tưởng về thỏa thuận với Trung Quốc, cũng thừa nhận rằng thỏa thuận này có thể đổ vỡ bất cứ lúc nào.
Bộ trưởng Thương mại Steven Mnuchin nói rằng hai bên có “hiểu biết quan trọng về các vấn đề trọng yếu”.
“Chúng tôi đã cùng nghiên cứu số lượng giấy tờ khổng lồ, nhưng vẫn còn việc phải làm. Và chúng tôi sẽ không ký thỏa thuận chừng nào chúng tôi báo cáo với Tổng thống những gì có trên tờ giấy”, Mnuchin nói.
Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho hay chưa có quyết định về khoản thuế 15% đánh lên 160 tỷ USD hàng Trung Quốc vào tháng 12; vấn đề Huawei cũng không được đưa ra đàm phán phán vào lần này.
Trên diễn đàn kinh tế Economic Daily, có nhận định rằng xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cơ bản là không được cải thiện bởi vì Mỹ chưa gỡ bỏ bất kỳ khoản thuế nào cả và các biện pháp trả đũa của Trung Quốc vẫn giữ nguyên.
“Vừa đánh vừa đàm có thể trở thành một thực trạng mới, và chúng ta nên thích nghi với thực tế này càng sớm càng tốt”, nhận xét này ghi.
Trọng Đức
Xem thêm:
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…
Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…