Ngày 23/2, Thượng viện Hoa Kỳ đã xác nhận nhà ngoại giao kỳ cựu Linda Thomas-Greenfield giữ chức Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc theo đề cử của ông Joe Biden, gần 1 tháng sau phiên điều trần xác nhận của bà.
Cụ thể, Thượng viện đã bỏ phiếu xác nhận bà Thomas-Greenfield với tỷ lệ 78/20. Toàn bộ 20 phiếu chống đều là của các đảng viên Cộng hòa.
Bà Thomas-Greenfield năm nay 68 tuổi, từng có 35 năm công tác tại Bộ Ngoại giao, đảm nhiệm vị trí Đại sứ Mỹ tại nhiều nước, đặc biệt là ở châu Phi.
Một số thành viên Đảng Cộng hòa, tiêu biểu là Thượng nghị sĩ Ted Cruz (tiểu bang Texas) đã phản đối việc đề cử bà Thomas-Greenfield cho vị trí này vì cho rằng bài phát biểu năm 2019 tại lễ kỷ niệm 5 năm thành lập Viện Khổng Tử tại Đại học bang Savannah của bà mang hơi hướng có lợi cho Bắc Kinh.
Trong bài phát biểu với chủ đề “Mối quan hệ Trung Quốc-Mỹ-châu Phi”, bà Linda Thomas-Greenfield gọi sự can thiệp của Trung Quốc vào châu Phi là một “tình huống đôi bên cùng có lợi”, trong đó Trung Quốc và Mỹ có thể thúc đẩy quản trị tốt, bình đẳng giới và pháp quyền.
Tuy nhiên, bà Thomas-Greenfield và những người ủng hộ bà đã phản bác lập luận này, khẳng định rằng suốt nhiều thập kỷ giữ vai trò một nhà ngoại giao, bà vẫn luôn tìm cách gia tăng ảnh hưởng của Hoa Kỳ và sẵn sàng đối phó với Trung Quốc.
Tại phiên điều trần xác nhận vào cuối tháng Một, bà Thomas-Greenfield nhấn mạnh tầm quan trọng của Mỹ trong việc tái can dự vào Liên Hợp Quốc nhằm thách thức những nỗ lực của Trung Quốc trong việc “thúc đẩy chương trình nghị sự độc tài”.
Hiện Trung Quốc đã và đang nỗ lực gia tăng ảnh hưởng toàn cầu thông qua việc cung cấp các khoản vay cho các quốc gia đang phát triển ở châu Phi và những nơi khác có mối liên hệ chặt chẽ hơn với chính quyền Bắc Kinh.
“Đại sứ Thomas-Greenfield có lịch sử lâu dài trong việc phản đối Trung Quốc sử dụng các chiến thuật bẫy nợ và sự hiện diện ngày càng nguy hiểm của nước này trong các cơ quan quản lý thế giới,” Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Bob Menendez, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện cho biết khi lên tiếng ủng hộ bà Thomas-Greenfield.
Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc đã lên đến đỉnh điểm vào năm ngoái vì đại dịch COVID-19. Thời điểm đó, cựu Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ khỏi các tổ chức quốc tế, coi đây như một phần của chương trình nghị sự chính sách đối ngoại “nước Mỹ trên hết” của ông.
Trong khi đó, ông Biden sau khi lên nắm quyền đã nhấn mạnh sự ủng hộ của ông đối với chủ nghĩa đa phương trong chính sách đối ngoại. Việc chọn bà Thomas-Greenfield – một nhà ngoại giao kỳ cựu cho vị trí Đại sứ của Mỹ tại Liên Hợp Quốc, được cho là một trong những nỗ lực để đưa Mỹ gần hơn với các đồng minh và đối tác trên thế giới.
Cùng ngày, Thượng viện Mỹ cũng chuẩn thuận ông Tom Vilsack làm Bộ trưởng Nông nghiệp thứ 32 của Mỹ với 92 phiếu thuận và 7 phiếu chống.
Ông Vilsack từng giữ chức vụ này trong suốt 8 năm chính quyền Barack Obama. Và như vậy, ông Vilsack đã trở thành thành viên duy nhất trong nội các chính quyền Tổng thống Obama giữ vai trò Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ trong 2 nhiệm kỳ tổng thống.
Trước bà Thomas-Greenfield và ông Vilsack, các đề cử nhân sự khác của Tổng thống Biden đã được Thượng viện xác nhận bao gồm Bộ trưởng Cựu chiến binh, Bộ trưởng Giao thông vận tải, Bộ trưởng An ninh nội địa, Giám đốc tình báo quốc gia, Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Tài chính và Bộ trưởng Ngoại giao.
Minh Ngọc (T/h)
Xem thêm:
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…