Đàn áp Pháp Luân Công tại Đại Liên: Hàng trăm ngàn người bị bức hại

Theo trang Minh Huệ (minghui.org) của Pháp Luân Công, trong 21 năm qua, hàng trăm ngàn người theo tập môn này tại Đại Liên đã bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bức hại. Trong số đó, hàng chục ngàn người đã bị thẩm vấn, bị phạt tiền, bị giam giữ, tẩy não và bỏ tù; hàng ngàn người bị đưa đến các trung tâm cai nghiện ma túy, trại giam và trung tâm tẩy não; 147 người bị tra tấn đến chết, 827 người bị ép cải tạo lao động, 371 người bị kết án bất hợp pháp và thậm chí bị mổ lấy nội tạng sống. Cuộc bức hại vẫn tiếp tục cho đến ngày nay.

(Từ trái sang phải) Các học viên Pháp Luân Công tại Đại Liên: Vương Thu Hà và Phùng Cương bị tra tấn đến chết; luật sư Vương Vĩnh Hàng bị kết án 7 năm tù bất hợp pháp. (Minh Huệ Net)

Trong cuộc đàn áp Pháp Luân Công của tập đoàn Giang Trạch Dân, thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh đã trở thành một trong những khu vực bị bức hại nghiêm trọng nhất. Khi Bạc Hy Lai là thị trưởng của thành phố này, ông ta là người đầu tiên nhúng tay vào tội ác mổ cướp nội tạng sống từ các học viên Pháp Luân Công. Hai “nhà máy xử lý tử thi” đã được Bạc Hy Lai thành lập tại thành phố này, sau đó đã trở thành cơ sở xử lý tử thi lớn nhất thế giới.

Một cuộc điều tra của Tổ chức Thế giới Điều tra Cuộc Đàn áp Pháp Luân Công (WOIPFG) cho thấy, sau khi Giang Trạch Dân ra lệnh mổ cướp nội tạng của các học viên Pháp Luân Công, La Cán, Chu Vĩnh Khang và những người khác đã toàn lực thúc đẩy, khiến nạn mổ cướp nội tạng sống nhanh chóng lan rộng trên toàn quốc. Quân đội, cảnh sát vũ trang, hệ thống chính trị và luật pháp, hệ thống y tế của ĐCSTQ (bao gồm lực lượng ở địa phương) và các đường dây môi giới đen đã cấu kết tạo nên một ngành công nghiệp giết người “dây chuyền” trên toàn quốc, chuyên thu hoạch, buôn bán quy mô lớn nội tạng và thi thể của các học viên Pháp Luân Công.

Sau đây là những trường hợp điển hình về cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công ở Đại Liên.

Những năm tháng đẹp đẽ của cô Lưu Vinh Hoa đã bị ĐCSTQ chôn vùi trong bức hại

Cô Lưu Vinh Hoa (Minh Huệ Net)

Cô Lưu Vinh Hoa lấy bằng thạc sĩ về “Lý luận dạy học bộ môn” tại Khoa Toán của Đại học Sư phạm Liêu Ninh vào năm 1992, đây là bằng cấp chuyên ngành cao nhất ở Trung Quốc thời đó. Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ, cô trở thành giảng viên của Trường Thủy sản Đại Liên, luận án của cô đã giành được nhiều giải thưởng, một số được đưa vào cuốn “Tuyển tập giáo dục hiện đại”, một ấn phẩm giáo dục quốc gia quan trọng.

Vào ngày 25/4/2001, lúc cô Lưu Vinh Hoa đang giảng bài cho các sinh viên thì Lâm Hải và các cảnh sát khác từ đồn cảnh sát Hắc Thạch Tiều, thành phố Đại Liên đã yêu cầu cô dừng bài giảng và ra ngoài để chất vấn về “vụ tự thiêu ở Thiên An Môn.” Cô Lưu nói với họ một cách thiện chí: “Những người thực sự tu luyện theo yêu cầu của Pháp Luân Đại Pháp sẽ không bao giờ tự thiêu.”

Vì một câu nói thật, cô Lưu đã bị giam giữ 2 năm trong trại lao động cưỡng bức Mã Tam Gia, sau đó bị kết án 10 năm tù và và chịu tra tấn tàn khốc.

Luật sư đạt giải thưởng “10 luật sư nhân quyền hàng đầu” Vương Vĩnh Hàng bị chịu án oan suốt 7 năm

Luật sư Vương Vĩnh Hàng (Minh Huệ Net)

Luật sư Vương Vĩnh Hàng của Công ty Luật Đại Liên Kiền Quân là một trong các luật sư đã giành được giải thưởng “Mười luật sư nhân quyền hàng đầu” tại Hoa Kỳ.

Ông đã liên tiếp công bố trên trang báo Epoch Times các bức thư gửi đến cơ quan tư pháp tối cao ĐCSTQ, cũng như các bức thư ngỏ gửi cho Tổng Bí thư ĐCSTQ lúc bấy giờ là Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo, yêu cầu cơ quan tư pháp tối cao sửa chữa sai lầm và ngay lập tức thả tất cả các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ bất hợp pháp.

Vào ngày 16/6/2009, ông biện hộ vô tội cho học viên Pháp Luân Công Tùng Nhật Húc, do đó đã bị cựu Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật Chu Vĩnh Khang bức hại. Vào ngày 27/11, ông bị kết án bất hợp pháp 7 năm tù bởi Tòa án quận Sa Hà Khẩu và bị giam tại nhà tù số 1 Thẩm Dương.

Trong tù, bị bắt ngồi trên ghế cọp và bị tra tấn bằng nhiều đòn tra tấn như “cấm ngủ”, ông trở nên mất phương hướng, phát triển các triệu chứng lao, viêm màng phổi và cổ trướng, tê từ thắt lưng trở xuống và có triệu chứng liệt.

Ông Phùng Cương bị tra tấn đến chết trong trại giam Diêu Gia Đại Liên

Ông Phùng Cương, 48 tuổi, là giáo viên mỹ thuật tại Đại học Đại Dương Đại Liên (trước đây là trường cao đẳng thủy sản), là người am hiểu về hội họa và điêu khắc.

Ông Phùng Cương và vợ. (Ảnh: Minh Huệ Net)

Cuối năm 1999, ông Phùng Cương bị giam giữ bất hợp pháp tại Trại lao động cưỡng bức Mã Tam Gia vì đã đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công. Sau đó, khi tính mạng ông bị đe dọa, trung tâm cải huấn sợ phải chịu trách nhiệm nên đã cho ông được “thả để chạy chữa”.

Ngay sau khi được thả, cảnh sát lại bắt cóc ông một lần nữa. Trong khi chống cự, ông bị ép ngã từ trên gác xuống, bị thương nặng ở đầu và nhiều chỗ khác. Sau đó, ông bị buộc phải sống lang thang, khi đến Thẩm Dương, ông được thuê để dạy tại Trường Hành chính Thẩm Dương. 

Vào trưa ngày 4/7/2009, ông Phùng Cương và vợ, bà Vương Quyên lại lần nữa bị bắt cóc và giam giữ tại Trung tâm giam giữ Diêu Gia ở Đại Liên. ông Phùng Cương một lần nữa bị tra tấn đến mức tính mạng bị đe dọa, do đó ông được đưa về nhà, nhưng lại tiếp tục bị bắt cóc ngay sau đó và qua đời vào ngày 14/8/2009. Vài ngày sau, vợ ông cũng bị ép buộc đến Trại lao động nữ Mã Tam Gia lao động cải tạo trong 1 năm 6 tháng.

Bà Vương Thu Hà bị đánh chết

Học viên Pháp Luân Công thành phố Đại Liên Vương Thu Hà, lúc đó 48 tuổi, bị ép lao động cải tạo bất hợp pháp tại Trại lao động Chu Thủy Tử ở Đại Liên vì đã đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công. Vào ngày 19/3/2001, một người họ Cao là đội trưởng trại lao động đã buộc các học viên ký tên vào bản vu khống Pháp Luân Công.

Sau khi từ chối ký tên, bà Vương đã bị lôi ra khỏi trại lao động và bị tra tấn bằng dùi cui điện. Bà bị ép phải cởi áo ngoài, chỉ để lại nội y và sau đó bị sốc điện vào mặt, ngực và bộ phận sinh dục. Khoảng ngày 10/6/2001, bà Vương qua đời vì bị đánh đập tàn bạo.

Bà Vương Thu Hà (Minh Huệ Net)

Bị bức hại đến mức bại liệt, anh Khúc Huy qua đời sau 13 năm oan ức

Một bức ảnh của anh Khúc Huy với vợ và con gái trước cuộc đàn áp. (Ảnh: Minh Huệ Net)

Vào tháng 1/2000 anh Khúc Huy, 31 tuổi, một cựu nhân viên kiểm đếm cảng biển Đại Liên, đã đến Bắc Kinh cùng vợ để thỉnh nguyện ôn hòa cho Pháp Luân Công. Anh bị cảnh sát đánh đập ở Quảng trường Thiên An Môn và sau đó bị giam tại Trung tâm giam giữ Cảng Đại Liên và Bệnh viện Tâm thần Phổ Lan Điếm.

Vào ngày 13/4/2000, anh Khúc Huy bị giam tại Trại lao động Đại Liên, trong thời gian đó, anh bị ép lao động khổ sai, bị tra tấn và bị đánh đập liên tục gây liệt nửa người, gãy xương cột sống cổ, bộ phận sinh dục bị sốc điện lở loét, mưng mủ, toàn thân tê liệt, phù nề, nhiều vết rách, phải mổ banh khí quản và phải thở bằng máy, nhiều vấn đề về thận nên phải chèn một cái ống thông tiểu vào trong bọng đái,…

Sau đó, anh Khúc Huy nằm trên giường bệnh và chiến đấu với nỗi đau suốt 13 năm. Anh qua đời vào ngày 19/2/2014 ở tuổi 45.

Vào tối ngày 23/9/2014, vợ của anh là là cô Lưu Tân Dĩnh (một y tá tại Bệnh viện Phụ sản Đại Liên) bị bắt cóc lần thứ 5, sáu ngày sau cô bị đưa ra toàn và bị kết án 5 năm rưỡi.

Một số bệnh viện ở Đại Liên bị nghi ngờ tham gia mổ cướp nội tạng sống

Theo các cuộc điều tra do Tổ chức Thế giới Điều tra Cuộc Đàn áp Pháp Luân Công (WOIPFG) tiến hành, một số bệnh viện ở khu vực Đại Liên bị nghi ngờ tham gia mổ cướp nội tạng học viên Pháp Luân Công để cấy ghép nội tạng.

Các bệnh viện này là: Bệnh viện Tân Hoa trực thuộc Đại học Đại Liên; Bệnh viện Trung Sơn trực thuộc Đại học Đại Liên; Bệnh viện Nhân dân số 1 trực thuộc Đại học Y Đại Liên; Bệnh viện Nhân dân số 2 trực thuộc Đại học Y Đại Liên; Bệnh viện Trung ương Đại Liên, Bệnh viện Hữu nghị Đại Liên; Bệnh viện nhân dân số 1 Khu Kim Châu, Đại Liên.

Nhà máy xử lý tử thi Đại Liên

Ngay từ tháng 8/1999, Bạc Hy Lai, lúc đó là thị trưởng kiêm bí thư thành ủy thành phố Đại Liên, đã phê chuẩn thành lập một doanh nghiệp do nước ngoài tài trợ: Công ty TNHH Nhựa hóa Von Hagens (Đại Liên). Gunther Von Hagens, một người Đức, đã phát minh ra công nghệ nhựa hóa thi thể, chất lỏng được hút ra từ thi thể người và được thay thế bằng silicon cứng thành mẫu vật người để bán hoặc triển lãm. Hagens đã thu lợi hơn hàng trăm triệu USD từ công nghệ này.

Hagens cũng tự hào khoe với các phóng viên Trung Quốc và nước ngoài rằng lý do chọn Đại Liên để xây dựng nhà máy rất đơn giản: sự hỗ trợ của chính phủ, các chính sách ưu đãi và đủ nguồn tử thi…

Năm 2004, giảng viên Đại học Y Đại Liên Tùy Hồng Cẩm thành lập công ty Nhựa hóa Đại học Y Đại Liên với số vốn là 1 triệu Nhân dân tệ vào ngày 21/6/2002 (Theo danh sách công ty Đại Liên – Dalian Enterprises Directory.) Hưởng lợi khủng từ các cuộc triển lãm mẫu vật người và mua bán thi thể người Trung Quốc, Tùy Hồng Cẩm từ một giáo viên bình thường bỗng phất lên thành doanh nhân tỷ phú nắm trong tay ba công ty.

Cuộc điều tra của WOIPFG đã chứng minh rằng những xác người được sử dụng để nhựa hóa không phải đến từ những xác chết hiến tặng, những xác chết vô thừa nhận hay “tử tù”. Ngành công nghiệp này rất có thể dựa vào cuộc đàn áp Pháp Luân Công của chế độ ĐCSTQ. Các học viên Pháp Luân Công bị bắt bất hợp pháp và từ chối khai báo tên tuổi (để tránh liên lụy người thân) rất có thể trở thành “nguồn thi thể tươi chủ yếu”.

Quả báo trừng phạt cho 200 kẻ bức hại ở Đại Liên

Lưới trời lồng lộng, tuy thưa mà khó lọt. Trong cuốn sách “Thái thượng cảm ứng Thiên” có nói: “Họa phúc vô môn, duy nhân tự triệu; thiện ác chi báo, như ảnh tùy hình” (Tạm dịch: Họa và phúc đều không có cửa mà là do lòng người tự gây. Thiện ác đều có hồi báo, như hình đi với bóng.)

Mạng Minh Huệ (minghui.org) đưa tin, trong 19 năm từ tháng 8/1999 đến tháng 7/2018, đã có 20.784 người gặp quả báo do tham gia vào cuộc đàn áp Pháp Luân Công. Đây chỉ là một phần thông tin có thể được thu thập khi ĐCSTQ cố gắng che đậy sự thật.

Tính đến ngày 1/2/2019, chỉ riêng tại Đại Liên, ít nhất 185 người tham gia cuộc đàn áp Pháp Luân Công đã gặp quả báo do những hành động vô nhân tính trước đó, chẳng hạn như:

Bạc Hy Lai, cựu tỉnh trưởng Liêu Ninh và là cựu thị trưởng Đại Liên, bị kết án tù chung thân vào ngày 22/9/2013.

Kim Trình, cựu Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Đại Liên, bị kết án 13 năm tù giam và phạt 2 triệu Nhân dân tệ vào năm 2016. Ông ta từng đi theo Bạc Hy Lai đàn áp Pháp Luân Công.

Vương Khánh Quốc, Phó Giám đốc Sở Công an tỉnh Liêu Ninh, bị ung thư tuyến tụy và chết trong đau đớn vào ngày 30/9/2014 khi mới 49 tuổi.

Hồ Gia Cảnh, Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật của quận Trung Sơn, Đại Liên, đột tử vào ngày 25/7/2014 khi mới 50 tuổi.

Lý Uy, Chánh án Tòa án Trung cấp Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, dính vào “vi phạm kỷ luật” nghiêm trọng và bị xử khai trừ đảng và truất chức vụ vào ngày 15/1/2015.

Theo Lý Khiết Tư, Cao Tĩnh, Epoch Times

Epoch Times

Published by
Epoch Times

Recent Posts

Thượng nghị sĩ Mike Rounds giới thiệu dự luật xóa bỏ Bộ Giáo dục Hoa Kỳ

Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Rounds đại diện tiểu bang Nam Dakota đã…

54 giây ago

Bộ Tài chính Mỹ nhắm mục tiêu vào Gazprombank của Nga với các lệnh trừng phạt mới

Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới…

17 phút ago

Một trường tiểu học tồn hơn 185,5 triệu đồng tiền “nước uống” của học sinh

Với mức thu từ 18.000-20.000 đồng/tháng, số tiền thu hộ, chi hộ "nước uống của…

26 phút ago

Tổng thống Zelensky thừa nhận Ukraine không thể giành lại Crimea bằng vũ lực

Tổng thống Ukraine Zelensky đã thừa nhận rằng Kiev không có khả năng thực hiện…

31 phút ago

Nga thông báo mục tiêu tấn công “ưu tiên” mới ở Ba Lan

Moskva đã bổ sung căn cứ phòng thủ tên lửa mới mở của Hoa Kỳ…

54 phút ago

Nhật Bản phát lệnh bắt cậu bé 14 tuổi người Trung Quốc vẽ bậy tại Đền Yasukuni

Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…

2 giờ ago