Tin tức thế giới

Thủ tướng Đức Olaf Scholz mất phiếu tín nhiệm; bầu cử sớm vào 23/2

Quốc hội Đức hôm thứ Hai (16/12) đã bỏ phiếu bất tín nhiệm Thủ tướng Olaf Scholz, mở đường cho cuộc bầu cử bất thường vào đầu năm sau, dự kiến vào ngày 23/2. Kết quả bỏ phiếu này được dự đoán từ trước sau khi liên minh chính phủ của ông Scholz đã sụp đổ vào tháng Mười Một do bất đồng về vấn đề ngân sách.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội Đức vào ngày 16 tháng 12 năm 2024 tại Berlin, Đức. Scholz đã yêu cầu tổ chức bỏ phiếu sau sự sụp đổ của liên minh liên bang ba đảng vào tháng Mười Một. (Ảnh: Maja Hitij/Getty Images)

Trong cuộc bỏ phiếu tại Bundestag (Quốc hội Đức) hôm thứ Hai (16/12), tổng cộng có 394 lá phiếu chống lại ông Scholz, 207 phiếu ủng hộ và 116 phiếu trắng.

Sau khi kết quả bỏ phiếu được công bố, ông Scholz được cho là đã mỉm cười và bắt tay Phó Thủ tướng Robert Habeck.

Ông Scholz đã lãnh đạo chính phủ Đức kể từ tháng 12 năm 2021, đứng đầu liên minh được gọi là ‘đèn giao thông’ giữa Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của ông với Đảng Xanh và Đảng Dân chủ Tự do (FDP). Tuy nhiên, liên minh này đã tan rã vào tháng trước sau khi Thủ tướng Scholz sa thải Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner vì bất đồng về chính sách kinh tế và tài chính.

Thủ tướng Scholz đã triệu tập cuộc bỏ phiếu tín nhiệm ngay sau đó như một bước tiến tới việc đảm bảo tổ chức bầu cử sớm trước thời hạn đã được lên lịch ban đầu vào mùa thu năm 2025. Hiện tại, ông Scholz dự kiến ​​sẽ yêu cầu Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier giải tán quốc hội và cho phép tổ chức tổng tuyển cử. Ngày bầu cử mới đã được ấn định là ngày 23 tháng 2 năm 2025.

Theo các quy tắc được thiết kế để ngăn chặn tình trạng bất ổn vốn đã tạo điều kiện cho chủ nghĩa phát xít trỗi dậy vào những năm 1930, Tổng thống Frank-Walter Steinmeier chỉ có thể giải tán quốc hội và triệu tập một cuộc bầu cử nếu thủ tướng triệu tập và thua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm. Và hiện nay trường hợp đó đã xảy ra với Thủ tướng Scholz.

SPD và Đảng Xanh vẫn là chính phủ thiểu số trên thực tế và sẽ tiếp tục vai trò này cho đến khi một Quốc hội mới được thành lập. Tuy nhiên, liên minh hai đảng này không có đa số trong quốc hội cần thiết để thông qua luật.

Đối thủ chính trị chính của ông Scholz, ông Friedrich Merz, lãnh đạo đảng đối lập lớn nhất của nước Đức – Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo bảo thủ (CDU) và sẽ là ứng cử viên thủ tướng trong cuộc bầu cử tiếp theo, đã hoan nghênh kết quả bỏ phiếu bất tín nhiệm, đồng thời cáo buộc Thủ tướng Scholz lãnh đạo yếu kém. “Thật đáng xấu hổ khi ông hành động như vậy ở Liên minh châu Âu”, ông Merz nói.

Ông Scholz đã bảo vệ thành tích của mình với tư cách là một nhà lãnh đạo khủng hoảng, giải quyết tình trạng khẩn cấp về kinh tế và an ninh do cuộc cuộc chiến tranh Nga – Ukraine bùng phát từ cuối tháng 2/2022 gây ra.

Ông Scholz hứa hẹn, nếu được trao nhiệm kỳ thứ hai, ông sẽ đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng ọp ẹp của Đức thay vì cắt giảm chi tiêu mà ông cho rằng phe bảo thủ muốn.

Sự thiển cận có thể tiết kiệm tiền trong ngắn hạn, nhưng khoản thế chấp cho tương lai của chúng ta là không đủ khả năng chi trả“, ông Scholz cho biết.

Thờ gian qua, Thủ tướng Scholz đã chứng kiến ​​sự sụt giảm về mức độ ủng hộ ông. Các cuộc thăm dò cho thấy phần lớn người Đức không hài lòng với thành tích của ông với tư cách là thủ tướng, khiến một số cơ quan truyền thông gọi ông là “thủ tướng không được ủng hộ nhất mọi thời đại“.

Ông Robert Habeck, ứng cử viên thủ tướng của Đảng Xanh, cho biết kết quả bỏ phiếu bất tín nhiệm ông Scholz là một dấu hiệu đáng lo ngại đối với nền dân chủ Đức, xét đến khả năng ngày càng tăng trong bối cảnh chính trị chia rẽ khiến cho các đảng phái rất khác nhau sẽ lại phải cùng nhau quản trị đất nước.

Rất khó có khả năng chính phủ tiếp theo sẽ dễ dàng hơn”, ông Habeck nói.

Nền kinh tế Đức đã suy thoái trong hai năm qua. Vào thứ Sáu tuần trước (13/12), ngân hàng trung ương của nước này đã cắt giảm dự báo tăng trưởng cho năm tới xuống còn 0,2%, từ mức 1,1% mà họ đã dự đoán vào tháng Sáu, với lý do kinh tế tiếp tục trì trệ. Cơ quan điều tiết tài chính này cho biết hiện họ kỳ vọng nền kinh tế sẽ suy giảm 0,2% trong năm 2024 này, sau khi trước đó dự đoán mức tăng trưởng khiêm tốn là 0,3%.

Đây sẽ là năm thứ hai liên tiếp kinh tế Đức suy giảm, sau khi GDP của nền kinh tế lớn nhất châu Âu này giảm 0,3% vào năm 2023. Sự suy thoái của năm ngoái là do lạm phát dai dẳng, giá năng lượng cao và nhu cầu nước ngoài yếu.

Trong quá khứ, các thủ tướng Đức và các đảng của họ đã sử dụng cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại quốc hội để củng cố vị thế của mình trong một cuộc bầu cử sắp diễn ra. Các cuộc thăm dò ý kiến ​​toàn quốc mới nhất cho thấy sự ủng hộ dành cho CDU/CSU là 32%, Alternative for Germany (Lựa chọn khác cho nước Đức – AfD) là 18%, SPD là 16% và Đảng Xanh là 14%.

Hải Đăng (T/h)

Hải Đăng

Tôi yêu thích và quan tâm tình hình chính sự và thông tin thời cuộc thế giới, bình luận và phân tích về chính trị Mỹ, Trung và thế giới nói chung. Hiện tại tôi đang đóng góp cho chuyên mục Thế giới của báo trithucvn.org.

Published by
Hải Đăng

Recent Posts

Người đàn ông vô gia cư trở thành cảnh sát

Từ một người vô gia cư trở thành cảnh sát - câu chuyện nghe như…

54 phút ago

Ông Putin: Lãnh đạo phương Tây nghĩ họ là đại diện của Chúa trên Trái Đất

Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ trích các quốc gia phương Tây tiếp tục hành động…

1 giờ ago

Nghị sĩ Mỹ Cotton: Không nên cản việc hủy bỏ ‘tối huệ quốc’ đối với Trung Quốc

Ông Tom Cotton đã cảnh báo các nhà vận động hành lang không nên phản…

1 giờ ago

Quan điểm của ông Trump và Nga về tương lai của Syria

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ sẽ “nắm giữ…

3 giờ ago

Chế độ bắt lính của Ukraine là một thất bại — Cựu Tổng thống Poroshenko

“Hãy nhìn các con số thống kê đi! [Ukraine] chúng ta có bao nhiêu lính…

3 giờ ago

Vụ sát hại CEO UnitedHealthcare: Hung thủ được cho là bất bình về chính sách y tế

Liên quan đến vụ án sát hại CEO Brian Thompson của UnitedHealthcare tại Mỹ, hôm…

3 giờ ago