Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 4/7, thế giới ghi nhận thêm khoảng 288.000 ca mắc COVID-19 mới và 5.000 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên khoảng 183.828.336 ca, trong đó có khoảng 3.974.596 người thiệt mạng.
Trong 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với COVID-19 nhiều nhất thế giới gồm: Ấn Độ (40.387 ca), Brazil (27.783) và Nga (25.142 ca); Ấn Độ dẫn đầu về số ca tử vong mới (với 743 ca), tiếp theo là Brazil (với 718 ca) và Nga (663 ca).
Mỹ, Ấn Độ và Brazil là 3 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Số ca nhiễm tại Mỹ hiện là 34.592.076 người, trong đó có 621.293 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 30.584.872 ca nhiễm, bao gồm 402.758 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ 3 với 18.769.808 ca bệnh và 524.417 ca tử vong.
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố thế giới đang trong “giai đoạn vô cùng nguy hiểm” của đại dịch COVID-19, do sự xuất hiện biến thể Delta. Người đứng đầu WHO lưu ý biến thể Delta hiện đã có mặt ở ít nhất 98 quốc gia trên thế giới và biến thể này vô cùng nguy hiểm, do nó vẫn biến đổi và đang “thống trị” ở nhiều quốc gia.
Tại Nga, nước này đã công bố thêm 25.142 ca mắc mới trong 24 giờ, mức cao nhất kể từ đầu tháng 1 trong bối cảnh nước này chứng kiến số ca nhiễm biến thể Delta ngày càng gia tăng. Cùng với đó, số ca tử vong do COVID-19 vẫn ở mức rất cao, 663 người trong 24 giờ. Tuần này, Nga đã ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 cao kỷ lục trong 5 ngày liên tiếp, đặc biệt riêng ngày 3/7 có 697 ca tử vong. Theo số liệu chính thức, cho đến nay đã có 137.925 người tử vong trong số 5,6 triệu người mắc COVID-19 ở Nga.
Tại Ấn Độ, Covaxin là vắc-xin COVID-19 bản địa đầu tiên của quốc gia này, đạt hiệu quả tổng thể 77,8% trong việc ngăn ngừa lây nhiễm bệnh COVID-19 và đạt hiệu quả 65,2% đối với biến thể Delta. Công bố kết quả phân tích cuối cùng về quá trình thử nghiệm hiệu quả giai đoạn III được thực hiện đối với 25.800 người tham gia, Bharat Biotech, hãng phát triển Covaxin, cho biết vắc-xin này có hiệu quả 93,4% đối với những trường hợp mắc COVID-19 biểu hiện triệu chứng nghiêm trọng, trong khi có hiệu quả bảo vệ 63,6% đối với những trường hợp COVID-19 không triệu chứng. Công ty cho biết họ đưa ra con số hiệu quả tổng thể là 77,8% sau khi đánh giá 130 ca mắc COVID-19 được xác nhận trong số những người tham gia, trong đó bao gồm 24 người đã tiêm Covaxin và 106 người tiêm giả dược.
Ấn Độ tiếp tục nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội khi cho phép mở cửa trở lại sân vận động và khu liên hợp thể thao không có khán giả từ ngày 5/7. Cơ quan Quản lý Thảm họa Delhi (DDMA) cho biết đây tiếp tục là bước nới lỏng tiếp theo, phù hợp với thực tế trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 ở Delhi xuống dưới mức 100 ca/ngày và số ca tử vong chỉ còn dưới 10 ca/ngày.
Tại Nhật Bản, trong ngày 4/7, nguồn tin Chính phủ Nhật Bản cho biết nước này đang triển khai kế hoạch cấp chứng nhận tiêm chủng còn được gọi là “hộ chiếu vắc-xin” vào cuối tháng 7 tới.
Nếu được các nước, trong đó có Italy, Pháp và Hy Lạp… chấp nhận, những người được cấp chứng nhận sẽ được miễn cách ly hoặc không cần trình kết quả xét nghiệm âm tính đối với COVID-19 khi đi từ Nhật Bản đến các quốc gia đó. Tuy nhiên, Chính phủ Nhật Bản có kế hoạch tiếp tục yêu cầu khách du lịch nhập cảnh vào Nhật Bản, bao gồm cả những người trở về, phải cách ly trong 2 tuần ngay cả khi họ đã được tiêm phòng. Yêu cầu trên đang làm phức tạp các cuộc đàm phán với các quốc gia như Singapore và Israel, những nước đã kêu gọi miễn trừ theo nguyên tắc “có đi có lại”.
Tại Indonesia, trong bối cảnh số ca mắc và tử vong do COVID-19 liên tục tăng cao gây quá tải hệ thống y tế, Chính phủ quốc gia này đã phải đề nghị các công ty sản xuất oxy ưu tiên đáp ứng nhu cầu y tế sau khi xảy ra tình trạng hơn 60 bệnh nhân tại một bệnh viện tử vong do hết nguồn oxy thở chỉ từ ngày 3 đến sáng 4/7.
Quốc gia đông dân thứ tư thế giới này đang vật lộn với đợt bùng phát dịch bệnh tồi tệ nhất châu Á, với 27.913 ca mắc mới được ghi nhận trong ngày 3/7, phá mọi mức đỉnh cao nhất trong hai tuần qua. Trong thông báo mới nhất, Chính phủ Indonesia đã yêu cầu ngành công nghiệp khí đốt tăng sản xuất oxy y tế. Bộ Y tế cũng đề nghị ngành công nghiệp khí đốt ưu tiên sản xuất để đáp ứng nhu cầu y tế ước tính 800 tấn oxy mỗi ngày.
Phan Anh (tổng hợp)
Xem thêm:
Sau khi hé lộ một số chi tiết và hình ảnh vụ Nga đáp trả…
Theo ĐBQH Dương Minh Ánh, biện pháp tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với vàng…
Do có các sai phạm, khuyết điểm trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm…
Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…