Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 3/10, thế giới ghi nhận thêm khoảng 284.000 ca mắc COVID-19 mới và 4.100 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên khoảng 225.575.914 ca, trong đó có khoảng 4.561.238 người thiệt mạng.
Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Anh (30.439 ca), Thổ Nhĩ Kỳ (27.351 ca) và Nga (25.769 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Nga (890 ca), Mexico (614 ca) và Mỹ (241 ca).
Tính từ đầu đại dịch, Mỹ vẫn là quốc gia có số ca mắc và tử vong vì COVID-19 cao nhất thế giới với trên 44,5 triệu ca mắc và khoảng 720.000 ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với trên 33,8 triệu ca mắc, trong đó khoảng 449.000 ca tử vong. Đứng thứ 3 là Brazil với trên 21,4 triệu ca mắc và khoảng 597.000 ca tử vong.
Nga ghi nhận thêm 890 ca tử vong/ngày, mức cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát
Nga ghi nhận thêm 890 trường hợp tử vong do COVID-19 trong 24 giờ qua, sau khi ghi nhận 886 ca ngày trước đó. Đây là số ca tử vong ghi nhận hằng ngày cao nhất tại Nga kể từ khi đại dịch bùng phát. Số ca nhiễm mới cũng lên tới gần 26.000, mức cao nhất kể từ ngày 2/1 vừa qua. Theo đó, tổng số ca nhiễm trên cả nước tăng lên hơn 7,5 triệu người, trong đó 209.918 ca tử vong. Như vậy, tỷ lệ tỷ vong do COVID-19 tại Nga hiện nay khoảng 2,77%.
Trong 24 giờ qua có 15.391 bệnh nhân COVID-19 được chữa khỏi tại Nga, nâng tổng số lên hơn 6,7 triệu, chiếm 88,7% số người nhiễm bệnh.
Ý cho phép tiêm cùng lúc cả vắc-xin phòng COVID-19 và cúm
Ngày 3/10, Bộ Y tế Ý đã bật đèn xanh cho người dân được phép tiêm vắc-xin phòng COVID-19 và vắc-xin phòng cúm cùng một lúc.
Quyết định trên được Bộ Y tế Ý đưa ra sau khi kết quả một nghiên cứu của Anh cho thấy mọi người có thể an toàn khi đồng thời tiêm vắc-xin phòng COVID-19 và vắc-xin phòng cúm bởi vì việc này không ảnh hưởng tiêu cực đến phản ứng miễn dịch do hai loại vắc-xin tạo ra.
Trước đó, Chính phủ Ý cũng đã công nhận tất cả các phiên bản của vắc-xin AstraZeneca, khác với phiên bản đã được Cơ quan dược phẩm châu Âu (EMA) phê duyệt, bao gồm Covishield (Viện Huyết thanh của Ấn Độ), R-CoVI (R-Pharm) và vắc-xin COVID-19 tái tổ hợp (Fiocruz).
Điều này có nghĩa là tất cả những người đã được tiêm phòng COVID-19 bằng 3 phiên bản vắc-xin AstraZeneca trên đây đều được coi là đã được tiêm chủng đầy đủ khi nhập cảnh vào Ý. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Ý cho biết “các giấy chứng nhận được các cơ quan y tế ở Canada, Nhật Bản, Israel, Anh và Mỹ, cũng như các giấy chứng nhận do các cơ quan y tế nước ngoài cấp sau khi được tiêm chủng bằng vắc-xin được EMA phê duyệt, cũng như 3 loại vắc-xin trên được công nhận là tương đương với chứng chỉ xanh kỹ thuật số của Ý và EU”.
Theo số liệu của Bộ Y tế Ý, ngày 3/10, nước này có 2.968 ca mắc COVID-19 mới và 33 ca tử vong. Cho đến nay, Ý đã ghi nhận 131.031 ca tử vong liên quan đến COVID-19, cao thứ 2 ở châu Âu sau Anh và đứng thứ 9 thế giới.
Singapore: Tổng số ca mắc COVID-19 vượt mốc 100.000 ca
Bộ Y tế Singapore thông báo tổng số ca bệnh ở đảo quốc này kể từ khi đại dịch bùng phát đến nay đã vượt mốc 100.000, lên 101.786 ca. Tuy vậy, với thêm 2.356 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua, số ca mắc mới đã lần đầu giảm sau 4 ngày liên tục tăng cao.
Kênh Channel News Asia dẫn thông báo của Bộ Y tế cho biết trong tổng số ca mắc mới, có 1.938 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Ngoài ra, bộ này ghi nhận thêm 4 ca tử vong vì COVID-19, đều là công dân Singapore, từ 55 đến 80 tuổi, chưa tiêm phòng COVID-19 và có các bệnh lý nền. Như vậy, tổng số ca tử vong của Singapore từ đầu dịch hiện tăng lên thành 107 ca. Tỷ lệ tử vong của Singapore hiện thuộc nhóm thấp nhất thế giới.
Cũng theo Bộ Y tế Singapore, hiện có 1.422 bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị tại bệnh viện, trong đó 243 trường hợp bệnh nặng phải thở oxy và 31 trường hợp nguy kịch phải điều trị tích cực (ICU). Đáng lưu ý, trong nhóm bệnh nặng có đến 233 người trên 60 tuổi – nhóm dễ tổn thương. Trong 28 ngày qua, tỷ lệ ca bệnh không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ tại nước này là 98,2%. Trong số các ca cần thở oxy và ca ICU, 50,6% đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin ngừa COVID-19 và 49% chưa tiêm hoặc mới chỉ tiêm 1 mũi. Có thể thấy tỷ lệ người tiêm vắc xin đầy đủ mắc bệnh nặng chỉ chiếm chưa tới 1% tổng số ca nhiễm, và nhỉnh hơn một chút nếu tính cả số người đã tiêm 1 mũi.
Bộ trưởng Tài chính Lawrence Wong – đồng chỉ huy lực lượng đặc trách liên bộ chống COVID của Singapore – kêu gọi người dân không hoang mang, đồng thời nhấn mạnh tỷ lệ tiêm chủng tại nước này cao “nên không cần dồn mọi sự chú ý vào số ca nhiễm”. Ông khẳng định giới chức Singapore “đang dồn lực cho các ca bệnh nặng và đảm bảo hệ thống y tế đủ khả năng chăm sóc họ. Các quy trình và giao thức cần phải thay đổi, cần bổ sung thêm công suất cho bệnh viện. Tất cả cần thời gian nên chúng tôi mới đưa ra các biện pháp giãn cách trong khi chờ mọi thứ sẵn sàng”.
Tính đến ngày 1/10, 85% dân số Singapore đã tiêm ít nhất một mũi vắc-xin ngừa COVID-19, trong đó 82% đã tiêm phòng đầy đủ.
Phan Anh (tổng hợp)
Xem thêm:
Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới…
Với mức thu từ 18.000-20.000 đồng/tháng, số tiền thu hộ, chi hộ "nước uống của…
Tổng thống Ukraine Zelensky đã thừa nhận rằng Kiev không có khả năng thực hiện…
Moskva đã bổ sung căn cứ phòng thủ tên lửa mới mở của Hoa Kỳ…
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…