Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 15/9, thế giới ghi nhận thêm khoảng 500.631 ca mắc COVID-19 mới và 9.293 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên khoảng 219.520.653 ca, trong đó có khoảng 4.446.179 người thiệt mạng.
Đại dịch sau gần 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngày 15/9, thế giới có 104 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 84 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch.
Mỹ vẫn là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất với 42.433.211 ca mắc và 684.576 ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với trên 33 triệu ca mắc và trên 443.900 ca tử vong. Đứng thứ ba là Brazil với trên 21 triệu ca bệnh, trong đó trên 588.000 ca tử vong.
Mỹ đang xây dựng hệ thống mới cho du lịch quốc tế
Ngày 15/9, Điều phối viên COVID-19 của Nhà Trắng Jeff Zient thông báo Mỹ đang xây dựng một “hệ thống mới cho du lịch quốc tế”, trong đó sẽ giảm thiểu việc truy dấu vết tiếp xúc.
Trong thông báo, ông Zient cho biết: “Mỹ hiện đang làm việc để sẵn sàng thay thế các hạn chế hiện tại bằng một hệ thống đi lại quốc tế an toàn hơn, mạnh mẽ hơn và bền vững hơn”. Tuy nhiên, theo ông Zient, chính quyền Tổng thống Joe Biden không có kế hoạch nới lỏng ngay lập tức bất kỳ hạn chế đi lại nào vì sự lây nhiễm của biến thể delta và đang xem xét các yêu cầu về tiêm chủng đối với công dân nước ngoài du lịch đến Mỹ.
Trước đó vào tháng 8, Nhà Trắng đã đưa ra các yêu cầu tiêm vắc-xin đối với hầu hết du khách nước ngoài. Các hạn chế đi lại đặc biệt của Mỹ lần đầu tiên được áp dụng đối với Trung Quốc vào tháng 1/2020 nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19, và sau đó là với một số quốc gia khác như Ấn Độ vào tháng 5/2021.
Mỹ hiện cấm nhập cảnh vào quốc gia này đối với các công dân không phải là công dân Mỹ ở Anh trong vòng 14 ngày và từ 26 quốc gia Schengen ở Châu Âu không có kiểm soát biên giới, Ireland, Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Phi, Iran và Brazil. Mỹ cũng tiếp tục hạn chế hoạt động đi lại không thiết yếu đối với những người không phải là công dân Mỹ qua biên giới giữa Mỹ với Canada và Mexico.
Úc: Sydney gỡ bỏ lệnh giới nghiêm tại các điểm nóng
Giới chức thành phố Sydney, thuộc bang New South Wales, đã gỡ bỏ lệnh giới nghiêm tại các điểm nóng dịch COVID-19 ở thành phố này. Theo đó, lệnh giới nghiêm từ 21h tối hôm trước đến 5h sáng hôm sau sẽ được gỡ bỏ tại các điểm nóng kể từ ngày 15/9. Người dân Sydney hy vọng đây là dấu hiệu bắt đầu chấm dứt tình trạng phong tỏa kéo dài. Dự kiến, chính quyền bang New South Wales sẽ nới lỏng thêm nhiều biện pháp khác khi 70% người dân tiêm đủ liều vắc-xin, nhiều khả năng vào tháng 10 tới.
Pháp: Hàng chục nghìn nhân viên y tế vẫn chưa tiêm chủng
Kể từ ngày 15/9, nhân viên bệnh viện, tài xế xe cứu thương, nhân viên viện dưỡng lão, bác sĩ tư nhân, lính cứu hoả và những người chăm sóc người già hoặc người ốm tại nhà – tổng cộng khoảng 2,7 triệu người – phải có chứng nhận đã tiêm ít nhất 1 liều vắc-xin COVID-19 hoặc sẽ bị tạm thời phải nghỉ việc hoặc không được trả lương.
Trước đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đưa ra tối hậu thư từ 2 tháng trước, song hàng chục nghìn người trong diện này vẫn chưa tiêm chủng. Một trong những công đoàn khu vực công lớn nhất của Pháp, CGT, đã cảnh báo về hậu quả nghiêm trọng nếu chính phủ đình chỉ một số lượng lớn nhân viên y tế và cấm các bác sĩ khu vực tư nhân hành nghề.
Nga không tính việc thắt chặt hơn việc phòng chống dịch COVID-19
Tại Nga ngày 15/9, người phát ngôn của Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định giới chức Nga chưa tính đến phương án thắt chặt hơn các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Ông Peskov cho biết các nhà chức trách chưa thảo luận về khả năng đưa ra các hạn chế mới hoặc các biện pháp mạnh tay hơn như đóng cửa đất nước. Trước đó, tháng 3/2020, nhiều quốc gia, trong đó có Nga, đã áp dụng các biện pháp hạn chế quyết liệt nhằm cắt đứt chuỗi lây nhiễm của virus corona như chuyển sang chế độ làm việc và học tập tại nhà, áp dụng chế độ thẻ đi lại, tạm dừng nhiều hoạt động kinh doanh và dịch vụ…
Nhật Bản: Cố vấn hàng đầu khuyến cáo không nên nới lỏng hạn chế COVID-19
Ông Shigeru Omi, cố vấn hàng đầu Nhật Bản về COVID-19, khuyến cáo không nên vội vàng nới lỏng các biện pháp chống dịch COVID-19, đồng thời cho rằng chỉ nên thực hiện việc nới lỏng sau khi tình trạng khẩn cấp được gỡ bỏ.
Phát biểu tại Ủy ban y tế của Hạ viện, cố vấn Omi một lần nữa nhấn mạnh chỉ nên gỡ bỏ dần các biện pháp hạn chế sau khi tình trạng khẩn cấp hết hiệu lực và số ca mắc COVID-19 giảm xuống một mức nhất định. Ông cho rằng số ca bệnh chắc chắn sẽ tăng nếu các biện pháp hạn chế được nới lỏng đột ngột.
Cố vấn Omi cũng cảnh báo cuộc chiến chống COVID-19 có thể sẽ tiếp diễn trong một thời gian dài “khoảng 2-3 năm cho đến khi người dân không còn phải lo lắng về dịch bệnh”, giống như bệnh cúm hiện đã có vắc-xin và thuốc điều trị.
Đài Loan: Hơn 750 người tử vong sau khi tiêm vắc-xin
Báo Epoch Times đưa tin, sau khi hơn 12,48 triệu liều vắc-xin được dùng để tiêm chủng ở Đài Loan, đã có hơn 3.000 người bị bị nghi ngờ xảy ra tác dụng phụ, trong đó có 766 ca tử vong.
Theo thống kê, tỷ lệ tử vong do tác dụng phụ sau khi tiêm chủng cao nhất ở vắc-xin AstraZeneca, tiếp theo là Modena. Về vấn đề này, ông Trần Thời Trung (Chen Shizhong), Tổng chỉ huy Trung tâm Chỉ huy Dịch tễ Trung ương Đài Loan cho rằng, chỉ riêng việc đánh giá số ca tử vong sau khi tiêm vắc-xin là rất khó để nhìn ra tình hình thực tế, nguyên nhân trong đó cũng có thể liên quan đến thời điểm và thời gian tiêm chủng. Thời gian tiêm chủng càng dài thì càng có nhiều người bị. Ngoài ra, mức độ rủi ro của đối tượng tiêm chủng cao thấp khác nhau cũng sẽ có ảnh hưởng, mọi người đều có thể so sánh, nhưng các yếu tố bên trong thì “rất phức tạp”.
Sau khi tiêm vắc-xin, đã có nhiều trường hợp nghi ngờ bị tác dụng phụ nghiêm trọng khác. Ngày 13/9, có 27 trường hợp tiêm vắc-xin AstraZeneca, độ tuổi từ 18-81, xảy ra trong ngày đến 44 ngày sau khi tiêm; có 7 trường hợp tiêm vắc-xin Modena, độ tuổi từ 42-83, xảy ra từ 1-27 ngày sau khi tiêm; cũng có 1 trường hợp tiêm vắc-xin Medigen, 36 tuổi, xảy ra 1 ngày sau khi tiêm chủng.
Về vấn đề tử vong sau tiêm chủng, ngày 13/9, không có trường hợp nào xảy ra sau khi tiêm vắc-xin AstraZeneca và Medigen, có 2 trường hợp thiệt mạng sau khi tiêm vắc-xin Modena, độ tuổi từ 66-69, xảy ra từ 55-63 ngày sau khi tiêm vắc-xin. Tính tổng cộng cho đến nay, đã có 766 trường hợp tử vong.
Phan Anh (tổng hợp)
Xem thêm:
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Rounds đại diện tiểu bang Nam Dakota đã…
Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới…
Với mức thu từ 18.000-20.000 đồng/tháng, số tiền thu hộ, chi hộ "nước uống của…
Tổng thống Ukraine Zelensky đã thừa nhận rằng Kiev không có khả năng thực hiện…
Moskva đã bổ sung căn cứ phòng thủ tên lửa mới mở của Hoa Kỳ…
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…