Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 14/9, thế giới ghi nhận thêm khoảng 460.000 ca mắc COVID-19 mới và 8.333 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên khoảng 219.020.022 ca, trong đó có khoảng 4.436.886 người thiệt mạng.

COVID-19
(Ảnh minh họa: Par Timothy Lau/Shutterstock)

Trong 24 giờ qua, Mỹ dẫn đầu thế giới với 110.122 ca nhiễm mới; tiếp theo là Thổ Nhĩ Kỳ (27.802 ca) và Ấn Độ (27.429 ca). Mỹ cũng đứng đầu về số ca tử vong mới với 1.672 người, tăng gần gấp đôi so với ca tử vong ghi nhận trong ngày 13/9 là 843 ca; tiếp theo là Nga (781 ca) và Brazil (659 ca).

Mỹ, Ấn Độ và Brazil vẫn là 3 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Số ca nhiễm tại Mỹ  đến nay là 42.248.276 người, trong đó có 682.077 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 33.315.450 ca nhiễm, bao gồm 443.527 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ 3 với 21.019.830 ca bệnh và 587.797 ca tử vong.

Ý và Anh tiêm liều vắc-xin COVID-19 thứ 3 cho người dễ nhiễm bệnh

Ý sẽ triển khai tiêm liều vắc-xin COVID-19 thứ 3 từ ngày 20/9 tới, bắt đầu từ những người dễ bị nhiễm bệnh nhất, ví dụ như những bệnh nhân ung thư.

Thông tin trên được công bố đêm 13/9 sau cuộc họp giữa Bộ trưởng Y tế Roberto Speranza và quan chức phụ trách chiến dịch phòng chống COVID-19 của Ý Francesco Paolo Figliuolo. Đợt thứ 3 của chiến dịch tiêm vắc-xin tại Ý sẽ tập trung vào khoảng 3 triệu người có hệ miễn dịch yếu nhất.

Đến nay, hơn 40 triệu người dân Ý đã tiêm vắc-xin đầy đủ, tương đương với 74% dân số trên 12 tuổi, trong bối cảnh chính phủ gần đạt mục tiêu 80% vào cuối tháng 9.

Tại Anh, hôm 14/9, Bộ trưởng Y tế Sajid Javid cho biết chính phủ nước này đã chấp thuận khuyến nghị từ giới chức y tế rằng những người dễ bị nhiễm bệnh và người trên 50 tuổi cần được tiêm liều vắc-xin bổ sung.

Đến nay, Anh đã ghi nhận hơn 7 triệu ca nhiễm, trong đó khoảng 134.000 ca tử vong do COVID-19. Khoảng 44 triệu người tại nước này đã tiêm đủ 2 liều, chiếm 81% tổng số người từ 16 tuổi trở lên. Ngày 13/9, Chính phủ Anh cho biết cũng sẽ tiêm chủng cho trẻ em ở độ tuổi từ 12-15 .

Úc gia hạn phong tỏa tại thủ đô Canberra

Ngày 14/9, giới chức Úc tuyên bố gia hạn lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn dịch bệnh đối với thủ đô Canberra cho đến giữa tháng 10 tới, đồng thời nhấn mạnh đây là biện pháp cần thiết trong khi chiến dịch tiêm vắc-xin COVID-19 đang được đẩy mạnh.

Thống đốc Vùng lãnh thổ thủ đô (ACT) của Úc, ông Andrew Barr nêu rõ nhà chức trách mong muốn hạn chế số ca lây nhiễm trong khi đảm bảo rằng thủ đô Canberra có tỷ lệ người dân được tiêm phòng ở mức cao.

Gần 50% trong 25 triệu dân tại Úc đang phải tuân thủ lệnh phong tỏa khi quốc gia châu Đại Dương này đang trải qua làn sóng lây nhiễm thứ 3 chủ yếu do biến thể Delta có khả năng lây lan cao. Tuy nhiên, cho đến nay, số ca mắc COVID-19 ở Úc vẫn thấp hơn nhiều so với các quốc gia, với khoảng 77.000 ca, trong đó có 1.102 ca tử vong.

Malaysia mở cửa trở lại nền kinh tế

Ngày 14/9, Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob cho biết chính phủ không còn coi việc phong tỏa là một biện pháp thích hợp để kiềm chế sự gia tăng của dịch bệnh COVID-19, đồng thời cho rằng những hành động như vậy có thể dẫn đến những hệ lụy khác. Do vậy, chính phủ đã quyết định mở cửa trở lại một số lĩnh vực nhất định của nền kinh tế. Theo đó, Giai đoạn 1 của Kế hoạch Phục hồi Quốc gia (NRP) gồm 4 giai đoạn, sẽ có 11 lĩnh vực kinh doanh ở các bang được mở cửa trở lại.

Các lĩnh vực kinh doanh được đề cập là dịch vụ rửa xe ô tô; siêu thị điện máy; cửa hàng đồ gia dụng và đồ dùng nhà bếp; cửa hàng nội thất; cửa hàng dụng cụ thể thao; cửa hàng phụ kiện xe hơi; trung tâm phân phối và bán xe ô tô; chợ sáng và chợ nông sản; cửa hàng quần áo, thời trang và phụ kiện; cửa hàng trang sức cũng như tiệm cắt tóc và trung tâm làm đẹp.

Phát biểu tại phiên họp Quốc hội cùng ngày, Thủ tướng Ismail cho biết chính phủ lo ngại rằng việc phong tỏa kéo dài có thể tác động tiêu cực đến người dân, đặc biệt là về vấn đề sức khỏe tâm thần. Ông nhấn mạnh việc mở cửa trở lại một số lĩnh vực kinh tế không chỉ giúp phục hồi nền kinh tế, mà còn cung cấp không gian và cơ hội để người dân cải thiện cuộc sống của họ. Ông cho biết quyết định được đưa ra sau khi Bộ Y tế đã đánh giá rủi ro và cân nhắc về tỷ lệ tiêm chủng. Đến thời điểm hiện tại, 74,7% dân số trưởng thành của Malaysia đã hoàn thành việc tiêm vắc-xin.

Đề cập đến những lưu ý khi quy định giãn cách dần được gỡ bỏ đối với những người đã hoàn thành tiêm chủng, Thủ tướng Ismail cho rằng mặc dù một số lĩnh vực được phép mở cửa trở lại song phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt như bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng, xuất trình chứng nhận tiêm chủng đủ 14 ngày.

Indonesia xây dựng lộ trình chuyển tiếp từ đại dịch sang bệnh đặc hữu

Chính phủ Indonesia đang xây dựng lộ trình chuyển tiếp từ đại dịch COVID-19 sang bệnh đặc hữu để đảm bảo cuộc sống sinh hoạt bình thường cho người dân.

Ngày 14/9, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Johnny Plate cho biết bước đầu tiên trong lộ trình là đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, đảm bảo thực hiện nghiêm các quy định y tế và duy trì lối sống lành mạnh. Theo ông Plate, xuất phát từ nhận định rằng đại dịch sẽ không thể biến mất trong thời gian ngắn, chính phủ khuyến khích người dân thích nghi và áp dụng các thói quen mới nói trên.

Lộ trình trên cũng được xây dựng làm cơ sở đảm bảo cuộc sống mới cho người dân trong quá trình chuyển tiếp từ đại dịch sang bệnh đặc hữu. Không chỉ dùng để tham chiếu nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, lộ trình này cũng cho phép người dân tiến hành các hoạt động như bình thường. Lộ trình này sẽ được điều chỉnh theo diễn biến của dịch bệnh trong nước, với 3 mục tiêu gồm giảm tỷ lệ tử vong xuống khoảng 2%, số bệnh nhân được điều trị tại bệnh viện hoặc tự cách ly dưới ngưỡng 100.000 người và tỷ lệ xét nghiệm dương tính dưới 5%.

Campuchia lo ngại đợt lây nhiễm biến thể mới; Thủ tướng Hun Sen tiêm mũi 3

Ngày 14/9, Quốc vụ khanh Bộ Y tế Campuchia Or Vandine bày tỏ lo ngại về khả năng sẽ xảy ra đợt lây nhiễm biến thể mới nếu không áp dụng các biện pháp y tế phù hợp. Phát biểu trên được đưa ra trong bối cảnh số ca mới vài ngày gần đây tăng trở lại mức gần 700 ca/ngày.

Cùng ngày, Bộ Y tế Campuchia xác nhận có 9 người tử vong và 657 ca mới trong 24 giờ qua, trong đó có 153 ca nhập cảnh và 504 ca lây nhiễm cộng đồng. Như vậy, Campuchia đã có tổng cộng 100.790 ca mắc, trong đó 2.058 người tử vong.

Cũng trong ngày 14/9, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen và phu nhân đã tiêm liều vắc-xin COVID-19 bổ sung vào thời điểm đã có gần 780.000 người sinh sống tại Campuchia đã tiêm liều thứ 3. Ông Hun Sen khẳng định tất cả mọi người sẽ tiêm liều bổ sung. Cuối tuần trước, Thủ tướng Hun Sen cho biết Trung Quốc sẽ viện trợ thêm cho Campuchia 3 triệu liều vắc-xin để tiêm bổ sung cho người dân.

Phan Anh (tổng hợp)

Xem thêm: