Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Myanmar nói với Hội đồng Bảo an hôm thứ Sáu (30/4) rằng nếu quốc tế không đưa ra phản ứng chung trước cuộc đảo chính tại đây, bạo lực sẽ tiếp tục gia tăng và đất nước này có nguy cơ rơi vào tình trạng bế tắc, Reuters đưa tin.
Từ Thái Lan, bà Christine Schraner Burgener đã tóm tắt tình hình về Myanmar trước Hội đồng Bảo an gồm 15 thành viên. Trong chuyến công du Đông Nam Á, bà đã gặp các nhà lãnh đạo khu vực, và vẫn đang hy vọng sẽ được cho phép vào Myanmar, nơi xảy ra cuộc đảo chính quân sự vào ngày 1 tháng 2 lật đổ chính phủ dân cử do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo. Tuy vậy, chính quyền quân đội vẫn chưa chấp thuận chuyến thăm của bà.
Các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ đã diễn ra ở các thành phố và thị trấn trên khắp đất nước kể từ sau cuộc đảo chính.
Bà Schraner Burgener cho biết: “Việc điều hành đất nước có thể đi vào bế tắc khi phong trào ủng hộ dân chủ tiếp tục diễn ra bất chấp [quân đội] sử dụng vũ lực gây chết người, bắt giữ và tra tấn tùy tiện.”
Bà Schraner Burgener cho biết có nhiều báo cáo về việc dân thường, chủ yếu là sinh viên từ các khu vực thành thị, đang được các tổ chức vũ trang dân tộc huấn luyện cách sử dụng vũ khí.
“Trong trường hợp không có phản ứng quốc tế chung, bạo lực đã gia tăng và đã có những báo cáo về việc sử dụng các thiết bị nổ tự chế. Lời kêu gọi các bên kiềm chế tối đa đã bị một số người biểu tình đặt câu hỏi, họ hỏi rằng sao có thể đổ lỗi cho họ nếu họ muốn tự vệ,” bà nói.
Bà nói với các nhà ngoại giao rằng các báo cáo về những cuộc đàn áp đang tiếp diễn có nguy cơ làm suy yếu “đồng thuận” về việc chấm dứt cuộc khủng hoảng sau cuộc họp của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gồm 10 thành viên vào thứ Bảy tuần trước với sự tham dự của lãnh đạo quân đội, Thống tướng Min Aung Hlaing.
Trong một tuyên bố sau cuộc họp, Hội đồng Bảo an nhấn mạnh “tầm quan trọng của ASEAN trong việc kêu gọi chấm dứt bạo lực ngay lập tức và kêu gọi [quân đội Myanmar] thực hiện “5 điểm đồng thuận” không chậm trễ như bước đầu tiên hướng tới một giải pháp hòa bình và bền vững thông qua đối thoại mang tính xây dựng.”
5 điểm đồng thuận bao gồm: chấm dứt bạo lực, đối thoại mang tính xây dựng giữa các bên, việc bổ nhiệm một đặc phái viên ASEAN để tạo điều kiện cho đối thoại, cung cấp hỗ trợ nhân đạo và chuyến thăm của đặc phái viên đến Myanmar.
Nhóm vận động Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (AAPP) cho biết hơn 3.400 người đã bị giam giữ vì phản đối cuộc đảo chính và lực lượng an ninh đã giết chết ít nhất 759 người biểu tình.
Hội đồng Bảo an nhắc lại “mối quan tâm sâu sắc” đối với tình hình ở Myanmar và sự ủng hộ đối với quá trình chuyển đổi dân chủ của Myanmar.
Tuy vậy, một số nhà ngoại giao nói rằng Nga và Trung Quốc có khả năng sẽ ngăn chặn bất kỳ hành động hội đồng nào mạnh mẽ hơn chống lại Myanmar ngoài việc “quan ngại.”
Lê Xuân (theo Reuters)
Xem thêm:
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…