Thế Giới

Tòa án châu Âu phán quyết Nga chịu trách nhiệm về chiến tranh Ukraine và MH17

Hội đồng Tòa án Nhân quyền hàng đầu châu Âu hôm thứ Tư (9/7) đã đưa ra hai phán quyết chống lại Nga. Trong phán quyết thứ nhất, tòa án này tuyên bố là Nga đã vi phạm luật pháp quốc tế trong cuộc xung đột tại Ukraine. Tòa án trong phán quyết thứ hai cho rằng Nga đứng sau vụ bắn hạ chuyến bay MH17.

Mảnh vỡ của chuyến bay MH17 của Malaysia Airlines vào ngày 19 tháng 7 năm 2014 gần Rossipne, khu vực Donetsk, Ukraine, (Ảnh: Shutterstock)

Đây là lần đầu tiên một tòa án quốc tế khẳng định chính quyền Moskva chịu trách nhiệm về các hoạt động vi phạm nhân quyền trong cuộc chiến tranh Nga-Ukraine leo thang từ cuối tháng 2/2022. 

Đây cũng là lần đầu tiên Nga bị một tòa án quốc tế chỉ đích danh là bên chịu trách nhiệm cho thảm kịch máy bay MH17 năm 2014 khiến 298 người thiệt mạng. 

Tại Tòa án Nhân quyền châu Âu ở Strasbourg, các thẩm phán đang ra phán quyết đối với bốn vụ kiện do Ukraine và Hà Lan đệ trình chống lại Nga, bao gồm nhiều cáo buộc vi phạm nhân quyền trong cuộc chiến tranh với Ukraine, vụ bắn hạ chuyến bay MH17 của Hãng hàng không Malaysia và vụ bắt cóc trẻ em Ukraine. 

Tuy nhiên, bất kỳ phán quyết nào được Tòa án Nhân quyền châu Âu đưa ra sẽ chủ yếu mang tính tượng trưng vì các đơn kiện được đệ trình trước khi cơ quan điều hành của tòa án này khai trừ Moskva vào năm 2022.

Gia đình của các nạn nhân trong thảm kịch trên chuyến bay MH17 coi phán quyết của Tòa án Nhân quyền châu Âu là một cột mốc quan trọng trong hành trình đi tìm công lý kéo dài suốt 11 năm qua.

“Đây là một bước tiến thực sự quan trọng để làm sáng tỏ ai là người thực sự chịu trách nhiệm trong vụ việc này”, ông Thomas Schansman – người đã mất con trai 18 tuổi, Quinn, trong thảm kịch MH17 – chia sẻ với hãng tin AP. 

Chiếc Boeing 777 bay từ Amsterdam tới Kuala Lumpur với mã số chuyến bay đã bị bắn hạ vào ngày 17 tháng 7 năm 2014 bằng tên lửa Buk do Nga sản xuất, được phóng từ khu vực phía đông Ukraine do lực lượng ly khai kiểm soát. Toàn bộ 298 hành khách và thành viên phi hành đoàn đều thiệt mạng, trong đó có 196 công dân Hà Lan. 

Vào tháng Năm vừa qua, cơ quan hàng không của Liên Hiệp Quốc (ICAO) đã kết luận Nga chịu trách nhiệm cho thảm kịch này. 

Công ước châu Âu về Nhân quyền (ECHR) là một phần quan trọng của Hội đồng châu Âu. ECHR là cơ quan nhân quyền hàng đầu của châu Âu. Nga đã bị khai trừ khỏi hội đồng này sau khi phát động cuộc chiến tranh ở Ukraine. Tuy nhiên, tòa án vẫn có thẩm quyền xem xét các vụ kiện chống lại Nga nếu thời điểm xảy ra trước khi Moskva bị khai trừ. 

Năm 2023, các thẩm phán đứng về phía Ukraine và Hà Lan trong một vụ kiện liên quan đến quyền tài phán. Các thẩm phán cho rằng đã có đủ bằng chứng cho thấy các khu vực ở miền đông Ukraine do lực lượng ly khai kiểm soát “nằm dưới quyền tài phán của Liên bang Nga”, bao gồm việc cung cấp vũ khí, và hỗ trợ về mặt chính trị và kinh tế.

Các phán quyết đưa ra vào hôm thứ Tư (9/7) sẽ chưa phải là những phán quyết cuối cùng từ Công ước Châu Âu về Nhân quyền (EHCR) liên quan đến cuộc chiến tranh Nga-Ukraine. Phía Kiev vẫn còn những vụ kiện khác chống lại Nga đang chờ xử lý và có khoảng gần 10.000 vụ kiện khác do các cá nhân đệ trình nhằm vào Điện Kremlin. 

Các phán quyết tại Strasbourg là riêng rẽ với vụ truy tố hình sự tại Hà Lan, trong đó hai công dân Nga và một phiến quân Ukraine đã bị kết án vắng mặt về nhiều tội danh giết người liên quan đến vai trò của họ trong thảm kịch MH17. 

Vào năm 2022, Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ), một tòa án hàng đầu của Liên Hiệp Quốc đã ra lệnh cho Nga chấm dứt toàn bộ các chiến dịch quân sự tại Ukraine trong khi vụ kiện đang được xem xét, một quá trình có thể mất nhiều năm. Tuy nhiên, phía Nga đã hoàn toàn phớt lờ phán quyết này. 

Tháng Sáu vừa qua, nhà lãnh đạo Ukraine Volodymyr Zelensky đã chính thức chấp thuận kế hoạch thành lập một tòa án quốc tế mới để khởi tố các quan chức cấp cao Nga trong cuộc chiến tranh ở Ukraine.

Ông Schansman, người đã đệ trình đơn kiện với tư cách cá nhân tới Công ước châu Âu về Nhân quyền (ECHR), không có ý định ngừng theo đuổi công lý sau cái chết của con trai hơn 10 năm qua. “Điều tệ hại nhất mà chúng tôi có thể làm là ngừng đấu tranh vì công lý. Thảm kịch MH17 sẽ không bao giờ là điều mà nước Nga có thể quên lãng”, ông Schansman trả lời hãng tin AP. 

Minh Hoàng

Tôi yêu thích và quan tâm tình hình chính sự và thông tin thời cuộc thế giới, bình luận và phân tích về chính trị Mỹ, Trung và thế giới nói chung. Hiện tại tôi đang đóng góp cho chuyên mục Thế giới của báo trithucvn.org.

Published by
Minh Hoàng

Recent Posts

Liệu mơ mộng có thực sự tốt cho não bộ?

Khi chúng ta đang trong trạng thái mơ màng, não bộ khi đó thực sự…

3 giờ ago

Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa bị bắt vì sai phạm cấp phép khai thác khoáng sản

Ông Lê Đức Giang cùng ba cán bộ khác bị khởi tố, bắt tạm giam…

4 giờ ago

Thấy chiếc xe trôi tự do, người thợ điện lạnh nhanh trí cạy cửa, kịp cứu tài xế nghi bị đột quỵ

Nghe tiếng hô hoán của hàng xóm, nhìn ra thấy chiếc ô tô con trôi…

4 giờ ago

Bitcoin thiết lập kỷ lục 112 ngàn USD, nhờ đợt tăng mạnh cổ phiếu công nghệ

Bitcoin đã thiết lập kỷ lục mới trong ngày 10/07 khi đợt tăng mạnh các…

4 giờ ago

Căng thẳng Hoa Kỳ – Brazil leo thang, Tổng thống Brazil tuyên bố đáp trả tương xứng thuế 50% của Hoa Kỳ

Ngày 9/7, cả Brazil đảo lộn bởi bức thư thông báo mức thuế "có đi…

5 giờ ago

Ông Trump thay đổi giọng điệu đối với ông Putin và ông Zelensky

Tổng thống Trump đã thay đổi giọng điệu khi đề cập đến lãnh đạo Nga…

5 giờ ago