Blog

Blog: Khủng hoảng tự do báo chí từ lịch sử sai sót của tờ New York Times

Trong xã hội dân chủ đương đại, truyền thông được ca ngợi là “quyền lực thứ tư”, có vai trò giám sát chính phủ, phơi bày sự thật, bảo vệ lợi ích công cộng. Tuy nhiên, khi quyền lực này trở thành công cụ độc quyền ngôn luận hoặc cộng sinh với thế lực chính trị nhất định, tự do báo chí lại có thể trở thành lá chắn cho việc thao túng dư luận. Là một trong những cơ quan truyền thông có ảnh hưởng nhất thế giới, The New York Times (NYT) trong hơn 20 năm qua không chỉ một lần bị cuốn vào các bê bối “tin giả” do đưa tin sai sự thật, trích dẫn thông tin giả, hoặc kể chuyện có chọn lọc. Trong thời đại bùng nổ thông tin và phân cực tư tưởng hiện nay, những sai lầm như vậy không còn đơn thuần là lỗi của truyền thông mà là cuộc đối đầu giữa “quyền lực và sự thật”.

(Ảnh: Shutterstock)

1. Từ chiến tranh Iraq đến podcast Caliphate — Sai lầm liên tục xảy ra

Ví dụ tai tiếng nhất là vào năm 2002, NYT dẫn thông tin cho rằng Iraq sở hữu ống nhôm và vật liệu hạt nhân, góp phần thúc đẩy chính quyền Bush tấn công Iraq, sau này bị phát hiện là thông tin sai lệch. Trước đó, phóng viên Jayson Blair gây chấn động nước Mỹ vì bê bối làm giả tin tức trong thời gian dài, dẫn đến việc hai biên tập viên cấp cao từ chức xin lỗi. Năm 2018, podcast “Caliphate” tự sản xuất của NYT cũng bị gỡ bỏ sau khi nhân vật chính bị vạch trần là bịa đặt về kinh nghiệm trong ISIS, thậm chí trả lại giải Peabody.

Đây không phải là lỗi nhận định đơn lẻ của phóng viên, mà là sự đổ vỡ của cơ chế nội bộ, lỏng lẻo trong tiêu chuẩn xác minh, quá dễ dãi với “đúng đắn chính trị” hoặc cuộc đua giật tít. Một sai sót tạm thời có thể không làm lung lay vị thế truyền thông, nhưng đủ để dẫn đến chiến tranh, khiến một quốc gia khốn đốn.

2. Giới hạn mơ hồ giữa tự do và thành kiến

Những năm gần đây, NYT liên tiếp vướng vào các tranh cãi liên quan đến ý thức hệ chính trị. Năm 2020, tờ báo đăng bài viết của Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Tom Cotton trong mục ý kiến, đề xuất sử dụng quân đội trấn áp bạo loạn [trong bối cảnh các cuộc biểu tình lớn diễn ra trên toàn nước Mỹ sau cái chết của George Floyd vào tháng 6/2020], đã gây phản ứng dữ dội trong nội bộ tòa soạn NYT, cuối cùng NYT quyết định gỡ bài và tổng biên tập từ chức. Sự việc cho thấy khi nhà báo không phân biệt được giữa việc [cá nhân họ] “bất đồng quan điểm” [với ý kiến của TNS. Tom Cotton] và việc “không thể đưa tin” [bắt gỡ bài của ông Cotton], tự do báo chí có thể bị thực thi một cách có chọn lọc.

Logic tương tự cũng xuất hiện trong vụ tấn công bệnh viện ở Gaza năm 2023. NYT đưa tin nhanh chóng rằng Israel không kích bệnh viện khi chưa xác minh, sau đó dù đã đính chính nhưng cơn giận dữ và thù hận với Israel đã lan rộng toàn cầu. Việc lựa chọn từ ngữ có chủ ý và giật tít theo lập trường đã khiến nhiều độc giả đặt câu hỏi: NYT rốt cuộc là một cơ quan báo chí hay là phần mở rộng của giới bình luận chính trị cánh tả?

3. Rò rỉ, ẩn danh, nguồn tin đơn nhất — Công thức thao túng của “tin giả”

Điều đáng lo nhất với độc giả hiện đại là việc NYT ngày càng thường xuyên trích dẫn các “quan chức ẩn danh” hoặc “người biết chuyện không tiện nêu tên” để tiết lộ các thông tin về an ninh quốc gia hoặc chính sách đối ngoại. Sau cuộc không kích vào Iran của Mỹ hồi tháng 6/2025, NYT dẫn “đánh giá mật sơ bộ từ DIA” (Defense Intelligence Agency – Cơ quan Tình báo Quốc phòng Hoa Kỳ) rằng cuộc tấn công chỉ trì hoãn chương trình hạt nhân của Iran vài tháng, hoàn toàn trái ngược với tuyên bố “chiến thắng vang dội” của Nhà Trắng. Sau đó, Lầu Năm Góc điều chỉnh tuyên bố, xác nhận rằng cuộc tấn công có thể trì hoãn chương trình của Iran 1–2 năm, nhưng thiệt hại do truyền thông gây ra thì không thể khắc phục.

Khi “tin giả” không xuất phát từ mạng xã hội mà lại do một cơ quan truyền thông chính thống có bề dày lịch sử cả trăm năm và hàng triệu người đăng ký toàn cầu đưa ra, liệu ta còn có thể nói đây chỉ là sai sót cá biệt?

4. Tự do báo chí không phải là giấy phép miễn trách nhiệm

NYT sở hữu hệ thống biên tập nội bộ và cơ chế đính chính toàn diện nhất thế giới, cũng thường công khai xin lỗi sau mỗi sai sót. Nhưng vấn đề cốt lõi là: Tại sao các sai lầm tương tự cứ lặp đi lặp lại? Tại sao lối đưa tin thiên lệch theo lập trường chính trị vẫn được che chở bởi hào quang “chính nghĩa đạo đức”?

Trong thời đại chiến tranh thông tin và thao túng dư luận trở thành tiêu chuẩn, truyền thông phải là thành lũy chống lại dối trá chứ không thể là đồng phạm của nghệ thuật đánh tráo. Tự do báo chí không nên là lá bùa miễn trách nhiệm, càng không phải là tấm màn che cho ý thức hệ.

Kết luận: Chỉ có thành thật mới xây được uy tín

Nỗi sợ hãi lớn nhất từ “tin giả” không chỉ là nội dung bịa đặt, mà là nó khoác lên mình chiếc áo “sự thật” khi xuất hiện. Nếu truyền thông không chịu trách nhiệm với chính sự trung thực căn bản nhất, độc giả cuối cùng sẽ quay sang các nền tảng khác để tìm “sự thật”, dù các nền tảng đó có thực sự đáng tin hay không.

NYT không phải là không thể cứu chữa, nhưng không có nghĩa là thiêng liêng hay không thể nghi ngờ. Nó đại diện cho một hệ thống truyền thông hùng mạnh — hệ thống này phải đối diện với sự thật, phản tỉnh về thiên kiến chứ không thể né tránh nghi vấn.

Trong thời đại “tin giả” tràn lan, chúng ta không chỉ phải bảo vệ tự do báo chí, mà còn phải can đảm đặt câu hỏi: Quyền tự do này dành cho ai? Người ta đang nói gì? Người ta đang che giấu điều gì?


Dòng thời gian các sai sót lớn của The New York Times (2002–2025)

Năm Sự kiện Chi tiết
2002 Tin sai về ống nhôm ở Iraq Phóng viên Judith Miller dẫn thông tin tình báo Mỹ nói Iraq có vật liệu chế tạo vũ khí hạt nhân, thúc đẩy cuộc chiến. Sau được xác minh là sai lầm. NYT đã đăng bài xin lỗi.
2003 Bê bối ngụy tạo tin của Jayson Blair Phóng viên làm giả báo cáo và sao chép nội dung trong thời gian dài. Hai tổng biên tập cấp cao từ chức. Một trong các sự cố nội bộ nghiêm trọng nhất lịch sử NYT.
2015 Báo cáo sai sự thật về tiệm nail Chuỗi phóng sự điều tra về bóc lột lao động trong ngành nail ở New York bị tố phóng đại và trích dẫn sai, gây tranh cãi đạo đức nghề báo.
2017 Hình ảnh vụ nổ Manchester không xin phép Trong vụ khủng bố tại Anh, NYT đăng ảnh hiện trường độ phân giải cao mà không được phép, có thể dẫn đến:
  • Ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc điều tra đang diễn ra, vì có thể tiết lộ cách thức phân tích hiện trường.
  • Gây tổn thương cho gia đình nạn nhân, vì hình ảnh chưa được xử lý hoặc giữ bí mật.
  • Vi phạm niềm tin chia sẻ tình báo giữa Anh và Mỹ.

khiến Chính phủ Anh, cảnh sát Greater Manchester, và các quan chức an ninh cấp cao đều rất giận dữ.

2017 Sai sót khi đưa tin Nga can thiệp bầu cử NYT đưa tin “17 cơ quan tình báo đồng thuận” rằng Nga can thiệp bầu cử Mỹ. Sau được đính chính: chỉ có 4 cơ quan.
2018 Podcast “Caliphate” bị tố giả mạo Nhân vật chính bịa đặt là chiến binh ISIS, NYT rút lại chương trình và trả giải Peabody, thừa nhận kiểm chứng sai.
2020 Lùm xùm bài viết của Thượng nghị sĩ Tom Cotton Bài viết ý kiến kêu gọi đưa quân trấn áp bạo động gây phản ứng trong nội bộ tòa soạn, bị NTY rút và chủ biên từ chức.
2023 Báo sai về vụ nổ bệnh viện ở Gaza Tin chưa xác minh, NYT đưa tin Israel tấn công bệnh viện Palestine, gây phẫn nộ toàn cầu. Sau vài ngày chứng cứ cho thấy có thể là pháo tự phát nổ. NYT chỉnh sửa nhưng không xin lỗi.
2024 Không sửa tin thiên vị về FEMA NYT nói ông Trump “vô lý cáo buộc FEMA phân biệt cứu trợ”, sau chứng minh có lệnh nội bộ. NYT đến nay chưa cải chính.
2025 Sai sót khi trích thông tin DIA về không kích Iran NYT đưa tin không kích chỉ trì hoãn Iran vài tháng. Lầu Năm Góc sau xác nhận là 1–2 năm. Bị chỉ trích làm lệch công luận và giảm hiệu quả truyền thông quân sự.

Tổng kết

Những sai sót này không đơn thuần là “lỗi của phóng viên” mà là kết quả của cơ chế kiểm chứng lỏng lẻo, sự thiên kiến có hệ thống, và sự vắng mặt của việc phản biện nội bộ. Khi truyền thông nắm giữ quyền lực ngôn luận mà không tự giới hạn, tự do báo chí có thể bị biến thành công cụ che đậy trách nhiệm.

Tiêu Tích Huệ
(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của cá nhân tác giả, được đăng trên Epoch Times.)

Tiêu Tích Huệ

Published by
Tiêu Tích Huệ

Recent Posts

Liệu mơ mộng có thực sự tốt cho não bộ?

Khi chúng ta đang trong trạng thái mơ màng, não bộ khi đó thực sự…

3 giờ ago

Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa bị bắt vì sai phạm cấp phép khai thác khoáng sản

Ông Lê Đức Giang cùng ba cán bộ khác bị khởi tố, bắt tạm giam…

4 giờ ago

Thấy chiếc xe trôi tự do, người thợ điện lạnh nhanh trí cạy cửa, kịp cứu tài xế nghi bị đột quỵ

Nghe tiếng hô hoán của hàng xóm, nhìn ra thấy chiếc ô tô con trôi…

4 giờ ago

Bitcoin thiết lập kỷ lục 112 ngàn USD, nhờ đợt tăng mạnh cổ phiếu công nghệ

Bitcoin đã thiết lập kỷ lục mới trong ngày 10/07 khi đợt tăng mạnh các…

4 giờ ago

Ông Trump thay đổi giọng điệu đối với ông Putin và ông Zelensky

Tổng thống Trump đã thay đổi giọng điệu khi đề cập đến lãnh đạo Nga…

5 giờ ago