Một tòa án nhân dân độc lập tại London, Anh Quốc đã tổ chức buổi làm chứng công khai trong hai ngày 6 và 7/4, nghe lời chứng liên quan tới nạn giết người hàng loạt tù nhân lương tâm để thu hoạch nội tạng tại Trung Quốc.
Tham gia buổi làm chứng công khai tại tòa án độc lập có hơn 20 nhân chứng, trong đó có các nhà nghiên cứu, các chuyên gia y tế, các nhà báo và những người sống sót từ khắp nơi trên thế giới. Những người làm chứng đưa ra lời khai chứng trước tòa án độc lập về cáo buộc thu hoạch nội tạng cưỡng bức nhắm vào các nhóm bị bức hại tại Trung Quốc, trong đó có nhóm Pháp Luân Công và người thiểu số Duy Ngô Nhĩ.
Phiên làm chứng lần này là phần tiếp nối của một buổi làm chứng ba ngày đã diễn ra từ cuối tháng Mười Hai năm ngoái. Khi đó, các thành viên bồi thẩm đoàn của tòa án độc lập đã thông qua tuyên bố tuyên án tạm thời (draft interim judgment), kết luận rằng thu hoạch nội tạng cưỡng bức của các tù nhân lương tâm đã đang diễn ra tại Trung Quốc “với quy mô đáng kể.”
Chủ tọa buổi làm chứng công khai lần này là ngài Geoffrey Nice, người đã từng chỉ đạo truy tố cựu Tổng thống Nam Tư Slobodan Milosevic tại Tòa Hình sự Quốc tế. Chủ tọa Geoffrey Nice cùng 6 thành viên khác trong bồi thẩm đoàn có nhiệm vụ lần đầu tiên trên phạm vi thế giới tiến hành phân tích độc lập nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức tại Trung Quốc.
Theo luật sư Hamid Sabim, tòa án độc lập đã gửi giấy mời tới các đại diện của chế độ Trung Quốc, trong đó có các quan chức y tế cấp cao và các quan chức sứ quán Trung Quốc ở London tham gia vào buổi làm chứng công khai lần này, nhưng không nhận được phản hồi.
Những người tị nạn trốn thoát khỏi bức hại ở Trung Quốc đã đưa ra lời khai chứng tại tòa án độc lập. Họ kể lại rằng họ đã bị xét nghiệm máu và kiểm tra y tế trong suốt thời gian bị giam giữ.
Mihrigul Tursun, người Duy Ngô Nhĩ đã nói với tòa án độc lập qua video hôm 7/4 rằng những người bị giam trong trại đã phải trải qua các cuộc kiểm tra sức khỏe chi tiết, trong đó có xét nghiệm máu và siêu âm. Mihrigul Tursun năm ngoái cũng đã làm chứng trước một ủy ban quốc hội Mỹ về việc bị tra tấn và lạm dụng tại một trại cải tạo ở Tân Cương, miền tây bắc Trung Quốc.
Bộ Ngoại giao Mỹ và các chuyên gia quốc tế khác ước tính rằng chế độ cộng sản Trung Quốc đang giam giữ hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ, người Kazakh và các dân tộc thiểu số Hồi giáo khác trong một mạng lưới lớn các trại cải tạo ở Tân Cương. Đây được cho là một phần trong chiến dịch có mục đích của chế độ Trung Quốc nhằm đấu tranh với cái mà họ gọi là “các mối đe dọa cực đoan.”
Mihrigul Tursun nói rằng cô đã bị tra tấn trong thời gian bị thẩm vấn 3 ngày vào tháng 4/2017. Sau đó cô Tursun trong tình trạng bị trùm đầu, còng tay và xiềng xích đã bị chuyển tới một phòng kiểm tra sức khỏe tại một bệnh viện.
“Tôi biết rằng họ đã lấy máu từ cách tay tôi hai lần, nhưng tôi không biết họ lấy đi bao nhiêu máu,” cô Tursun nói qua một thông dịch viên.
Cô Tursun nói cô cũng được đo huyết áp và xét nghiệm y tế để kiểm tra tình trạng tim của mình.
Tursun nói rằng sau đó cô được đưa tới một phòng tối, nơi cô nghi ngờ là tầng hầm của bệnh viện. Trong phòng này, những người xử lý đã bỏ mũ trùm và các hạn chế khác và sau đó cởi bỏ hết quần áo của cô. Họ sau đó đã gắn thiết bị lên vùng ngực của cô và sử dụng một chiếc máy để kiểm tra cơ thể cô.
Cô Tursun nói rằng sau đó người ta đã đổ chất lỏng lên trán, vai và ngay dưới tim và cả hai chân của cô, rồi đặt cô vào trong một chiếc máy thủy tinh. Cô Tursun nằm gọn bên trong chiếc máy thủy tinh trong khi được yêu cầu đếm số từ 1 tới 10.
Cô Tursun cho biết khi ở trong máy thủy tinh cô không thể nghe được bất cứ âm thanh nào.
“Tôi trở nên hoảng loạn sau khi bị đặt vào trong chiếc máy đó. Tôi nghĩ họ có thể sẽ lấy nội tạng của tôi và ngày hôm đó tôi có thể chết,” cô Tursun nói qua thông dịch viên.
Ông Ethan Gutmann, chuyên gia phân tích và nhà điều tra về Trung Quốc hôm 7/4 cũng đã tham gia làm chứng về cuộc khủng hoảng Tân Cương.
“Quý vị có lẽ có 1,5 triệu người, tất cả họ đều bị xét nghiệm máu và họ đang bị giam giữ, và gia đình của họ đã mất liên lạc với họ,” ông Gutmann nói trước tòa án độc lập.
Ông Gutmann cho biết bằng chứng gần đây chỉ ra rằng chế độ Trung Quốc đang nhắm mục tiêu vào nhóm này để lấy nội tạng. Chuyên gia này đề cập tới việc xét nghiệm DNA đang được thực hiện tại nhà của người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương và việc xây dựng các nhà hỏa táng trong khu vực này và một làn đường chuyên dụng tại một sân bay địa phương để chuyển nội tạng cho phẫu thuật cấy ghép.
Năm 2016, ông Gutmann đồng tác giả cùng với luật sư nhân quyền người Canada David Matas và cựu Quốc vụ khanh Canada (khu vực Châu Á- Thái Bình Dương) David Kilgour viết một báo cáo chuyên sâu trong đó phát hiện có một sự khác biệt lớn giữa các số liệu cấy ghép tạng chính thức của Trung Quốc với số liệu cấy ghép được thực hiện tại các bệnh viện.
Bằng cách phân tích các hồ sơ công khai của 712 bệnh viện Trung Quốc đã thực hiện ghép gan và thận, báo cáo nêu trên đã chỉ ra rằng có xấp xỉ 60.000 tới 100.000 ca ghép tạng đã được thực hiện mỗi năm, vượt xa con số báo cáo chính thức từ 10.000 đến 20.000 ca cấy ghép tạng mỗi năm.
Báo cáo kết luận sự thâm hụt đó được tạo ra bởi nạn thu hoạch nội tạng từ các tù nhân lương tâm, chủ yếu từ nhóm Pháp Luân Công, trong khi người Duy Ngô Nhĩ, Phật giáo Tây Tạng và một số tín đồ Công giáo tại gia cũng đã đang bị nhắm mục tiêu.
Nhiều học viên Pháp Luân Công tham gia khai chứng tại các buổi làm chứng tại tòa án độc lập hồi tháng Mười Hai năm ngoái và trong lần này, đã nói về các trải nghiệm của họ khi bị giam giữ vì đức tin của mình tại Trung Quốc.
Bên cạnh việc nói về trải nghiệm bị tra tấn bên trong các trại lao động cưỡng bức và nhà tù Trung Quốc, tất cả các học viên Pháp Luân Công đều đưa ra lời khai chứng về việc bị kiểm tra y tế trong suốt thời gian bị giam giữ.
Cô Feng Hollis, bị bắt năm 2005, đã nói trong buổi làm chứng tháng Mười Hai năm ngoái rằng tại thời điểm bị giam cô đã tự hỏi tại sao cô lại được đưa đi kiểm tra y tế mặc dù thường xuyên bị tra tấn trong tù.
Hai nhà nghiên cứu, những người thực hiện một cuộc nghiên cứu chưa từng có tiền lệ về dữ liệu hiến tạng chính thức tại Trung Quốc, đã nói trước tòa án độc lập hôm 7/4 rằng theo phân tích của họ, dữ liệu chính thức phù hợp một cách kỳ lạ với một công thức toán học cơ bản và nghi ngờ dữ liệu này là tự tạo.
Ông Matthew Robertson – nghiên cứu sinh tại Đại học Quốc gia Úc, đồng tác giả của nghiên cứu nêu trên nói với tòa rằng: “Chúng tôi đã phát hiện nhiều bất thường. Những điều này rất khó nếu không muốn nói là không thể giải thích nếu không kết luận rằng dữ liệu này đã được thao tác thủ công.”
Trong nghiên cứu của mình, ông Robertson cùng với nhà phân tích dữ liệu Raymond Hinde, cũng là giáo sư phẫu thuật tại Đại học Tel Aviv Jacob Lavee, đã kiểm tra dữ liệu của Hệ thống Phản ứng Ghép Tạng Trung Quốc (COTRS) và số liệu của tổ chức Chữ Thập Đỏ địa phương, và đã phát hiện rằng những số liệu này phù hợp với một phương trình toán học cơ bản.
“Đó là điều xảy ra một cách bất ngờ khi mà các số liệu lại phù hợp với một tỷ lệ mượt như thế,” ông Hinde nói.
Ông Robertson đưa ra ví dụ về dữ liệu bất thường cho thấy có khả năng bị thao túng là tổng số người tình nguyện hiến tạng đã đăng ký do tổ chức Chữ Thập Đỏ Trung Quốc công bố đã tăng chính xác 25.000 trường hợp từ ngày 30/12/2105 tới 31/12/2015.
“Chúng tôi không thể nói nhiều hơn việc điều đó có vẻ hơi đáng ngờ,” ông Robertson nói.
Tòa án độc lập dự kiến sẽ công bố bản tuyên án cuối cùng vào ngày 17/6. Bản tuyên án cuối cùng sẽ xác định xem liệu có tội phạm quốc tế bị kết án hay không và liệu có tiếp tục thực hiện thêm các buổi làm chứng liên quan tới nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức tại Trung Quốc nữa hay không.
Theo NTD News
Xuân Thành dịch
Bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh - Giám đốc kiêm Chủ tịch Công ty Xuyên…
Các cuộc biểu tình chống NATO và ủng hộ Palestine đã nhanh chóng bùng phát…
35 trẻ mẫu giáo và tiểu học hiện phải quay về điểm trường cũ đã…
Iran đã hiện thực cam kết mở rộng chương trình hạt nhân nhằm đáp trả…
Mưa lớn khiến một số nơi ở hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định bị…
Y học cổ truyền Trung Hoa thường nói rằng “nuôi thận là nuôi dưỡng sự…