Ngày 29/7 vừa qua, tờ Fox News đưa tin, các nhà hoạt động nhân quyền đang tích cực thúc giục cộng đồng quốc tế điều tra về việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cưỡng bức thu hoạch nội tạng của người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương.
Trong tháng 7/2020, hai tổ chức của người Duy Ngô Nhĩ là Phong trào Thức tỉnh Quốc gia Đông Turkistan (East Turkistan National Awakening Movement) và Chính phủ Đông Turkistan lưu vong (East Turkistan Government in Exile) đã đệ đơn khiếu nại lên Tòa án Hình sự Quốc tế, cáo buộc chế độ Trung Quốc phạm tội ác diệt chủng và tội ác chống lại loài người đối với người Duy Ngô Nhĩ, bao gồm cả việc thu hoạch nội tạng của nhóm dân tộc thiểu số này.
Động thái này diễn ra sau khi tòa án Nhân dân độc lập tại London đưa ra kết luận, xác nhận tội ác thu hoạch nội tạng của chính quyền ĐCSTQ trên quy mô lớn đối với các tù nhân lương tâm, trong đó nạn nhân chủ yếu là người tập Pháp Luân Công và hiện đang lan sang người Duy Ngô Nhĩ bị bắt giữ trong các trại tập trung ở Tân Cương. Uy tín của tòa án độc lập được đảm bảo bởi 7 thành viên giàu kinh nghiệm trong các lĩnh vực khác nhau, trong đó đứng đầu là ngài Geoffrey Nice, một luật sư Anh quốc nổi tiếng từng phụ trách truy tố cựu Tổng thống Nam Tư Slobodan Milosevic vì tội ác chiến tranh tại Tóa án Hình sự Quốc tế.
Trong nhiều thập kỷ, chính quyền Trung Quốc đã bị cáo buộc sử dụng tử tù để làm nguồn cung cấp nội tạng trong hoạt động cấy ghép tạng. Sau đó, cùng với các cuộc đàn áp tín ngưỡng xuất hiện vào cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21, chế độ đã chuyển sang sử dụng nội tạng từ những nhóm tù nhân lương tâm bị bắt giữ chỉ vì đức tin của họ. Hoạt động cưỡng bức thu hoạch tạng này đã phát triển thành một ngành công nghiệp cấy ghép tạng trị giá 1 tỷ USD mỗi năm tại Trung Quốc. Các nạn nhân bị thu hoạch nội tạng khi còn sống, bao gồm phổi, gan, thận, tim và các bộ phận khác của cơ thể, từ đó bị giết hại và hỏa thiêu.
Kể từ năm 2017, chính quyền ĐCSTQ đã bắt đầu xây dựng nhiều nhà hỏa thiêu tại Tân Cương. Cộng đồng Duy Ngô Nhĩ lưu vong lo ngại rằng những lò hỏa thiêu này được sử dụng để phi tang chứng cứ về vấn đề tra tấn, hành quyết và thu hoạch nội tạng từ người Duy Ngô Nhĩ (Xem bài: Đại diện người Duy Ngô Nhĩ báo động về tội ác thu hoạch nội tạng).
Dù ĐCSTQ liên tục tuyên bố rằng toàn bộ nội tạng sử dụng trong ngành công nghiệp này là từ người hiến tạng tự nguyện, nhưng bản thân chế độ đã nhiều lần mâu thuẫn với chính phát ngôn của mình (Xem mục 3 bài viết: WHO vẫn tiếp tục ca ngợi ngành công nghiệp ghép tạng của Trung Quốc). Sau khi các báo cáo điều tra uy tín cho thấy có hàng chục nghìn tới hàng trăm nghìn nội tạng không rõ nguồn gốc được sử dụng hàng năm trong ngành công nghiệp ghép tạng tại Trung Quốc, nhiều chính phủ thế giới đã lên án và có động thái lập pháp để tránh không cho công dân nước mình đồng lõa với tội ác này (Xem mục 2 bài: WHO vẫn tiếp tục ca ngợi ngành công nghiệp ghép tạng của Trung Quốc). Ngoài ra, các nhà hoạt động nhân quyền và các nhà điều tra độc lập vẫn đang thu thập chứng cứ để xác định quy mô của việc thu hoạch nội tạng tại Tân Cương.
Nhà báo Ethan Gutmann, đồng sáng lập Liên minh Quốc tế chống Lạm dụng Ghép tạng tại Trung Quốc (International Coalition to End Transplant Abuse in China), từng được đề cử giải Nobel Hòa bình 2017, nói với Fox News: “Bằng cách chú trọng vào việc giam cầm một nhóm dân số nhất định, ĐCSTQ đã phát triển về bản chất từ cái mà tôi gọi là ‘thu hoạch tạng 1.0’ – một hệ thống theo khu vực địa lý tùy thuộc vào mật độ người tập Pháp Luân Công – thành ‘thu hoạch tạng 2.0’. Hệ thống 2.0 hiện tại – một hệ thống dùng để lựa chọn những người trẻ tuổi khỏe mạnh để mổ lấy tạng, vận chuyển tạng đến các bệnh viện có quy mô công nghiệp, và ghép cho các bệnh nhân trong và ngoài nước – là nhanh hơn, hiệu quả hơn và che mắt được cộng đồng quốc tế tốt hơn.”
Theo nhiều người tị nạn và các thành viên gia đình của nạn nhân tại Tân Cương, quan chức ĐCSTQ đã bắt đầu tiến hành kiểm tra y tế toàn diện những người dân Tân Cương từ 4 năm trước, trong đó có việc lấy mẫu máu và siêu âm. Việc ĐCSTQ tăng cường đàn áp tại Tân Cương cho thấy chế độ không quan tâm tới số phận của người dân, nên việc lấy mẫu máu và siêu âm chỉ có thể giải thích là để xây dựng một ngân hàng nội tạng sống khỏe mạnh, cung cấp cho ngành công nghiệp ghép tạng.
Ông Ethan Gutmann chỉ ra: “Họ không không kiểm tra y tế người Hán, vốn chiếm một nửa dân số tại Tân Cương.”
Trong một lời chứng đến từ Quốc hội Duy Ngô Nhĩ Thế giới của người Duy Ngô Nhĩ lưu vong có trụ sở tại London, ông Omer Bakari, một nhân chứng thoát khỏi trại tập trung tại Tân Cương cho biết ông đã trải qua việc bị cưỡng ép lấy máu và nước tiểu, trải qua một cuộc kiểm tra mắt và toàn thân tại một đồn cảnh sát Pichan vào cuối tháng 3/2017. Tháng tiếp theo, ông Bakari lại tiếp tục trải qua cuộc xét nghiệm thứ hai tại một bệnh viện, rồi sau đó bị “ném” vào một nhà tù ở Karmay. Ông đã bị đánh đập bằng roi, tất cả những người dân trong đó đều bị giam cầm và còn “bị treo lên như những tảng thịt”. Ông Bakari ngờ rằng mình đã bị kiểm tra y tế để xem có đủ tiêu chuẩn thu hoạch tạng không.
Tương tự, bà Gulbahar Jelilova, 46 tuổi, tuyên bố rằng bà đã bị chính quyền Trung Quốc bắt giữ vào tháng 5/2017 sau khi đi đến Urumqi, thủ phủ của Khu tự trị Tân Cương, để nhận một lô hàng cho doanh nghiệp xuất khẩu. Bà đã bị ép cung và buộc phải khai man rằng bà đã chuyển tiền cho một công ty Thổ Nhĩ Kỳ mà bà chưa bao giờ nghe tên. Bà cũng cam đoan rằng trong suốt 15 tháng bị giam giữ, bà và tất cả phụ nữ khác đều bị cho uống thuốc tránh chu kỳ kinh nguyệt và bị lột trần để kiểm tra y tế.
Luật sư nhân quyền người Canada, ông David Matas, người đã nghiên cứu sâu rộng về vấn đề thu hoạch nội tạng bất hợp pháp tại Trung Quốc, nhấn mạnh rằng tại sân bay Kashgar ở Tân Cương, thậm chí còn có đường băng dành riêng cho việc vận chuyển nội tạng. Ông Enver Tohti, bác sĩ người Duy Ngô Nhĩ lưu vong, đã đặc biệt lưu ý rằng, “Cần có lưu lượng lớn ngần nào, thì mới có thể yêu cầu sân bay dành một lối đi đặc thù và nhanh dành riêng như thế?”
Việc thu hoạch tạng tại Tân Cương ngoài cung cấp cho các nhu cầu cấy ghép tạng thông thường, còn đặc biệt bị nhắm đến để phục vụ nội tạng trên danh nghĩa “hợp giáo”. Theo đó, các khách hàng giàu có ở Ả Rập Xê Út có nhu cầu cấy ghép tạng thường yêu cầu nội tạng từ một người Hồi giáo khác. Loại tạng này được quảng cáo dưới danh nghĩa “halal”, có nghĩa là được tôn giáo cho phép – một điều được xem trọng trong đạo Hồi.
Đầu năm 2020, trong một video phỏng vấn, một nhân chứng là Aili cho biết cô đã chứng kiến việc thu hoạch và cấy ghép tạng này tại Khoa cấy ghép Gan, bệnh viện Thái Đạt, thành phố Thiên Tân, Trung Quốc vào năm 2006. Theo đó, Aili chứng kiến 37 du khách Ả Rập Xê Út đã được cấy ghép tạng của các “người hiến” đều tới từ Tân Cương. (Xem bài: Trung Quốc thu hoạch tạng “hợp giáo” cho người giàu Ả Rập Xê Út)
Nhà báo Ethan Gutmann cho rằng mặc dù không có quảng cáo nào trực tiếp nói về “nội tạng hợp giáo”, một vài năm trước, cổng thông tin điện tử của bệnh viện Thiên Tân – trung tâm cấy ghép tạng lớn nhất thế giới – “đã lịch sự hỏi người truy cập rằng bạn muốn tiếp tục bằng tiếng Anh hay tiếng Ả rập. Và gần đây, ít nhất một bệnh viện ở Trung Quốc đã quảng cáo công khai với thế giới rằng họ có một phòng cầu nguyện Đạo Hồi rất đẹp và có cả nhà hàng hợp tiêu chuẩn Đạo Hồi trong bệnh viện.”
Ông David Matas cho biết, với ngành công nghiệp ghép tạng tại Trung Quốc, “Những khách hàng lớn nhất là những người Trung Quốc giàu có hoặc có mối quan hệ chính trị. Các khách hàng nước ngoài lớn nhất hiện nay là Nhật Bản, Hàn Quốc và Ả Rập Xê Út.”
Trung tâm Nghiên cứu việc Thu hoạch nội tạng tại Trung Quốc (China Organ Harvest Research Center) có trụ sở tại Hoa Kỳ đã thực hiện nhiều nghiên cứu về hàng trăm bệnh viện cấy ghép tại Trung Quốc và doanh thu của họ, số lượng giường, tỷ lệ sử dụng giường, chuyên môn phẫu thuật, chương trình đào tạo, tài trợ của nhà nước, v.v.. Trung tâm này cho biết: “Một hoặc hai trong số các bệnh viện cấy ghép của Trung Quốc có thể đã thực hiện trung bình khoảng 6.000 ca ghép gan hàng năm, số lượng này tương đương với số ca cấy ghép gan hàng năm trên toàn Hoa Kỳ kể từ năm 2000”. “Mặc dù các quan chức Trung Quốc tuyên bố rằng nước này thực hiện khoảng 10.000 ca cấy ghép mỗi năm, chỉ cần vài bệnh viện đã vượt quá con số này, bởi vì, dựa trên yêu cầu năng lực tối thiểu do chính phủ đặt ra, chỉ riêng 164 bệnh viện cấy ghép được phê duyệt có thể đã tiến hành hơn 70.000 ca cấy ghép mỗi năm.”
Trong báo cáo “Thu hoạch đẫm máu – Đại thảm sát – Bản cập nhật” (2017), nhà báo Ethan Gutmann, cựu Quốc vụ khanh Canada phụ trách khu vực Châu Á Thái Bình Dương David Kilgour và luật sư nhân quyền David Matas, đã liệt kê và nghiên cứu 712 bệnh viện cấy ghép tạng ở Trung Quốc (Xem tại đây). Báo cáo đưa ra kết luận có khoảng 60.000 đến 100.000 ca cấy ghép nội tạng mỗi năm được thực hiện tại Trung Quốc, chênh lệch rất lớn so với 10.000 ca cấy ghép được chính quyền thừa nhận.
Bất chấp những quan ngại sâu sắc của cộng đồng quốc tế liên quan việc người Duy Ngô Nhĩ đang bị thu hoạch nội tạng, không có quốc gia hay cơ quan quốc tế nào thực sự tiến hành một quá trình điều tra và truy tố chính thức.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington đều không trả lời các yêu cầu bình luận từ Fox News.
Theo Fox News
Minh Nhật biên tập
Xem thêm:
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…