Trump, G20 và tôn chỉ nước Mỹ trên hết

Nếu như trong chuyến công du quốc tế đầu tiên qua trung tâm của các tôn giáo lớn nhất thế giới, Tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi thế giới phải đứng lên đấu tranh chống lại hệ tư tưởng Hồi giáo cực đoan, thì trong chuyến thăm thứ 2, trước các cường quốc toàn cầu, ông Trump nhấn mạnh chính sách nước Mỹ trước tiên không phải là thứ dễ lung lay như các đồng minh Châu Âu của ông mong tưởng.

Donald Trump và các lãnh đạo G20+ tại hội nghị thượng đỉnh Hamburg, Đức

Trong một loạt các cuộc gặp mặt, song phương, đa phương và tiệc tối trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh G20 vừa diễn ra tại Hamburg, các lãnh đạo thế giới tìm cách “dỗ ngọt” tân Tổng thống Hoa Kỳ để chấp nhận giáo lý chủ nghĩa toàn cầu mà họ ôm ấp, trong đó có cam kết tự do thương mại và các quy định môi trường mà Châu Âu vô cùng sốt ruột vì các tuyên bố khác biệt của ông Trump.

Nhưng trước một hội nghị quốc tế, nơi người ta hay bàn về hợp tác và hữu nghị, ông Trump chẳng hề lung lay. Thay vào đó, ông giữ vững các nguyên tắc quốc gia chủ nghĩa vốn là trung tâm của chiến dịch tranh cử của ông. Theo Wall Street Journal (WSJ), điều này cho thấy nguyên tắc nước Mỹ trên hết của Trump đã được biểu hiện ra thành chính sách ngoại giao cứng rắn, và khó lay chuyển hơn một số đồng minh châu Âu mong đợi.

Hôm thứ Bảy, trước khi bế mạc hội nghị, Thủ tướng Đức Angela Merkel nói: “các cuộc thảo luận về vấn đề khí hậu phản ánh một sự bất đồng – nước Mỹ chống lại cả thế giới. Và các cuộc thảo luận về thương mại đặc biệt khó khăn cũng là vì kết quả của việc nước Mỹ đứng tại lập trường nhất định“.

Dường như vẫn bất bình với quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, một quan chức Pháp nói với WSJ rằng một trong những mục tiêu của việc soạn thảo bản tuyên bố chung là đảm bảo nhấn mạnh nước Mỹ “rõ ràng được xác định đứng một mình“.

Tờ WSJ nhận định rằng nếu có bên nào phải chiều ý của bên còn lại thì là các lãnh đạo Âu châu phải quay lại chiều lòng Tổng thống Mỹ.

Chẳng hạn bản tuyên bố chung G20 có câu nói về việc Hoa Kỳ đang giúp những quốc gia khác “sử dụng nguồn nhiên liệu hoá thạch sạch hơn và hiệu quả hơn“. Một quan chức EU thừa nhận rằng câu này đề cập đến “loại năng lượng mà chúng tôi không thích“.

Nhưng Nhà Trắng chắc chắn thích điều này. Quan chức của chính quyền Trump coi từ ngữ trong bản tuyên bố là một chiến thắng cho vị tổng thống vẫn coi trọng việc khoan dầu khí.

Chúng tôi đã đưa được những từ ngữ vào đó [bản tuyên bố] mà nhất quán với bài phát biểu Tổng thống đưa ra khi ông thông báo quyết định rút khỏi Hiệp định Paris“, quan chức Nhà Trắng nói hôm thứ Bảy.

Điều tương tự cũng xảy ra với thương mại.

Đã từ lâu ông Trump than phiền về việc các thoả thuận thương mại của chính quyền trước là dại dột và thiệt thòi cho người Mỹ như thế nào, hậu quả là thâm hụt mậu dịch lớn đối với Hoa Kỳ. Đoạn tuyên bố của G20 về thương mại cũng khiến người ủng hộ Trump hài lòng, vì nó nhấn mạnh tầm quan trọng của hoạt động thương mại “mang lại lợi ích qua lại cho tất cả các bên”.

Ông Trump rõ ràng hài lòng với điều đó. Sau khi trở về Hoa Kỳ, ông viết: “Hội nghị G20 là một thành công lớn cho nước Mỹ. – Đã giải thích rằng nước Mỹ phải sửa đổi nhiều thoả thuận thương mại tồi tệ trước kia. Sẽ làm được!“.

Nhà Trắng cũng vui mừng với kết quả này. Bộ trưởng Ngân khố Steven Mnuchin nói: “Khi chủ đề thương mại được nói đến vài tháng trước đây tại cuộc gặp bộ trưởng của 20 nền kinh tế đứng đầu đến giới, lần đó giống như kiểu 19 người chống lại 1 người – và tôi là bên 1 người“.

Đạt được những thành quả này nhưng ông Trump không hề tỏ ra phải nhún nhường ở nguyên tắc nước Mỹ trên hết. Ông đã dùng 3 ngày tại Ba Lan và Đức để tuyên bố trước thế giới tầm nhìn lãnh đạo rõ ràng nhất của nước Mỹ từ trước đến nay: cam kết bảo vệ truyền thống và văn minh phương Tây khỏi bất kỳ mối đe doạ nào.

Địa điểm được ông Trump chọn để phát biểu là thủ đô Vác-sa-va (Warsaw) của Ba Lan, nơi từng là chiến trường khốc liệt của Đức Quốc xã và Liên Xô, cũng là nơi chứng kiến khối xã hội chủ nghĩa do Liên Xô cầm đầu từng nổi lên đe doạ sự sống còn của các giá trị phương Tây.

Câu hỏi căn bản của thời đại chúng ta là liệu phương Tây có đủ ý chí để sống sót?“, ông Trump nói. “Chúng ta có đủ niềm tin vào các giá trị để bảo vệ chúng với bất kỳ giá nào hay không? Chúng ta có đủ sự tôn trọng đối với nhân dân để bảo vệ biên giới của ta hay không?”

Một nhà phân tích nhận định, nêu Châu Âu còn nghi ngờ Trump thì người ủng hộ ông sẽ được an lòng. Trước các lãnh đạo Châu Âu, ông Trump tái lập cam kết với điều 5 trong thoả thuận NATO là sẵn sàng dùng vũ trang bảo vệ đồng minh, nhưng tiếp tục nhấn mạnh rằng thành viên NATO cũng phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính của mình.

Cách tiếp cận của ông Trump đối với Nga cũng không thay đổi so với trước và sau khi tranh cử. Ông Trump từng khẳng định rằng ông muốn quan hệ Nga-Mỹ tốt đẹp hơn, một điều khiến các đồng minh Châu Âu không mấy hài lòng. Tại Hamburg, sau một loạt các bê bối cáo buộc Nga can thiệp bầu cử, và trước lãnh đạo các nước vốn có hiềm khích với Moscow, ông Trump vẫn lặp lại hy vọng hợp tác mang tính xây dựng với người Nga, mặc dù cũng bày tỏ sự không hài lòng rằng chính phủ Nga đã can thiệp cuộc bầu cử 2016.

Ông Trump nói: “Tôi mạnh mẽ thúc ép Tổng thống Putin 2 lần về việc Nga can thiệp bầu cử. Ông ta thẳng thắn phủ nhận. Tôi đã đưa ra ý kiến của mình. Chúng tôi đã đàm phán một thoả thuận ngừng bắn ở một số nơi của Syria, việc này sẽ cứu được nhiều sinh mạng. Bây giờ là lúc chúng ta phải tiến về phía trước, hợp tác mang tính xây dựng với nước Nga!“.

Tất nhiên, có nhiều nước Châu Âu vẫn mong muốn sẽ thuyết phục được nhà lãnh đạo Hoa Kỳ hành động theo chính sách thương mại và khí hậu mà họ cho là tối ưu và phù hợp với thời đại. Chuyến thăm Pháp cuối tuần này sẽ tiếp tục là một thử thách đối với tân tổng thống Hoa Kỳ trong việc củng cố niềm tin đối với người ủng hộ mình. Giới lãnh đạo mới của Pháp vốn thắng cử trên cương lĩnh toàn cầu hoá về thương mại, hoà nhập bền chặt hơn vào khối EU đã gửi thông điệp tới người Mỹ rằng “nếu có các biện pháp đơn phương được thực hiện từ phía Hoa Kỳ thì chúng tôi sẽ có phản ứng và sẽ phản ứng rất nhanh chóng“.

Trọng Đức

Xem thêm:

Published by

Recent Posts

Chém người trong ký túc xá một trường đại học ở Hàng Châu

Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…

13 phút ago

Đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng trong 6 tháng đầu năm 2025

Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…

46 phút ago

BBC: Chuyên gia cảnh báo chiến tuyến Ukraine có thể sụp đổ

Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…

2 giờ ago

Hà Nội: 150 bộ hài cốt được phát hiện khi cải tạo hệ thống thoát nước

Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…

2 giờ ago

Nghiên cứu: Kẽm giúp chống lại tình trạng kháng kháng sinh ở vi khuẩn

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…

3 giờ ago

Tổng thống Putin cảnh báo sẽ trả đũa các quốc gia cung cấp vũ khí tấn công Nga

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…

3 giờ ago