Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm 12/12 đã ký lệnh hành pháp thành lập hội đồng liên ngành để quản lý các vùng khó khăn trên khắp nước Mỹ được gọi là các Vùng Cơ hội. Lệnh hành pháp này sẽ thúc đẩy đầu tư cho chương trình Vùng Cơ hội – chương trình được thiết kế để đem đến việc làm và đầu tư cho các cộng đồng thu nhập thấp toàn quốc và là một phần trong gói cải cách thuế và việc làm sâu rộng mà ông Trump và Đảng Cộng hòa đã thông qua cuối năm 2017.
Theo Epoch Times, vào ngày 12/12, Tổng thống Trump đã ký lệnh hành pháp thành lập Hội đồng cơ hội và phục hồi Nhà Trắng để “thúc đẩy đầu tư công và tư nhân vào các khu vực khó khăn kinh tế”.
Hội đồng mới này sẽ do Bộ trưởng Nhà ở và Phát triển Đô thị Ben Carson lãnh đạo và tập hợp của 13 cơ quan liên bang.
Trong buổi ký sắc lệnh hành pháp thành lập hội đồng liên ngành nêu trên, Tổng thống Trump đã gọi sáng kiến này là “một điều lớn lao”.
“Với việc thành lập hội đồng này hôm nay, các nguồn lực của toàn bộ chính phủ liên bang sẽ được thúc đẩy để tái thiết các cộng động dân cư thu nhập thấp và nghèo khó, nơi mà nhiều năm qua đã bị [giới lãnh đạo] Washington phớt lờ”, ông Trump nói.
Thượng nghị sĩ Tim Scott, người xuất thân từ khu vực khó khăn và là nhà lập pháp bảo trợ cho Đạo luật Đầu tư vào Vùng Cơ hội từ đầu, cuối cùng ông thành công trong việc đưa luật này vào chung Đạo luật cải cách thuế và việc làm. Phát biểu trong buổi lễ Tổng thống Trump ký lệnh hành pháp về vùng cơ hội, ông Tim Scott cho hay: “Là đứa trẻ lớn lên trong nơi nghèo khó, sống tại một trong những cộng đồng khó khăn này, tôi biết trước giá trị của hy vọng được mang đến cho các cộng đồng”.
“Dưới chính phủ này – Ngài Tổng thống, dưới sự lãnh đạo của ông – những gì diễn ra mà chúng ta đã được thấy trong nhiều tháng gần đây là chưa từng có tiền lệ”, ông Scott nhấn mạnh.
Epoch Times đánh giá mục tiêu của hội đồng vừa được ông Trump thành lập là để điều phối các nỗ lực của chính phủ nhằm tránh sự thiếu hiệu quả. Vì vậy, hội đồng sẽ hợp lý hóa, điều phối và nhắm mục tiêu vào tất cả các chương trình liên bang đang tồn tại tới các khu vực kinh tế khó khăn. Hội đồng này cũng sẽ xem xét các đề xuất luật pháp và tiến hành cải cách các quy định để loại bỏ bất kỳ rào cản nào.
Một quan chức Nhà Trắng nói rằng các cơ quan liên bang đã xác định hơn 150 hành động tiềm năng họ có thể thực hiện để thu hút đầu tư vào các vùng cơ hội. Hội đồng cũng sẽ tìm cách để đo lường thành công của chương trình này.
Dự án vùng cơ hội có tiềm năng trở thành chương trình phát triển kinh tế lớn nhất nước Mỹ. Thông qua các khuyến khích thuế, chương trình này sẽ biến các cộng động nghèo khó này hấp dẫn cho đầu tư và giúp giảm thiểu sự phục hồi kinh tế không cân bằng giữa các khu vực khác nhau trên khắp nước Mỹ kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Những khoản đầu tư được khuyến khích tại các vùng cơ hội gồm bất động sản thương mại và công nghiệp, nhà ở, cơ sở hạ tầng và kinh doanh khởi nghiệp.
Chương trình này cung cấp giảm thuế cho các nhà đầu tư tư nhân. Chương trình cũng cho phép các nhà đầu tư được hoãn thuế với các khoản lãi vốn trong 10 năm nếu khoản lãi này được tái đầu tư vào quỹ cơ hội đủ điều kiện – một phương thức đầu tư được tạo ra để hỗ trợ các vùng cơ hội. Những lợi ích khác bao gồm miễn thuế đối với các khoản lãi đầu tư từ các quỹ cơ hội, nếu khoản đầu tư này được duy trì trong thời gian hơn 10 năm.
Theo Epoch Times, các nhà đầu tư Mỹ đang quan tâm tới việc rót vốn vào các khu vực cơ hội này và nhiều quỹ đã được thiết lập để nhắm mục tiêu vào các loại tài sản mới này.
Bộ Tài chính Mỹ đã chứng nhận 8.700 vùng cơ hội do các thống đốc bang đề xuất. Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin nói rằng các vùng cơ hội có thể thu hút khoảng 100 tỷ USD vốn tư nhân.
Vào tháng Mười, Bộ Tài chính đã ban hành các quy định cho các nhà đầu tư tiềm năng. Những quy định đề xuất này cung cấp hướng dẫn về cách thức các nhà đầu tư có thể đủ điều kiện cho các khoản giảm thuế đặc biệt. Bộ Tài chính sẽ ban hành hướng dẫn bổ sung trước cuối năm nay.
Theo Nhóm Đổi mới Kinh tế – tổ chức phi lợi nhuận, đơn vị đầu tiên đưa ra ý tưởng về chương trình vùng cơ hội – hiện tại nước Mỹ có tới hơn 50 triệu người sống trong các cộng đồng khó khăn về kinh tế. Những cộng đồng này thường tập trung nhiều ở các bang miền nam. Các bang như Alabama, Arkansas, Mississippi, và Tây Virginia có ít nhất khoảng 1/3 dân số sống trong các vùng khó khăn.
Xuân Thành
Xem thêm:
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…
Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…