Các đặc phái viên về Afghanistan của Trung Quốc, Nga và Pakistan trong tuần này đã tới Kabul và hội đàm với các đại diện cấp cao của chính phủ Taliban tự phong, theo Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố hôm thứ Tư (22/9).
Ba đặc phái viên của của Trung Quốc, Nga và Pakistan đã tới Kabul vào thứ Ba (21/9) và trong ngày thứ Tư (22/9) đã hội đàm với các quan chức tự phong của Afghanistan gồm Thủ tướng tạm quyền Mohammad Hasan Akhund, Ngoại trưởng Amir Khan Mutaqi, bộ trưởng tài chính và các quan chức khác.
Ba đại diện của Trung Quốc, Nga và Pakistan được Taliban mời đến Kabul đàm phán gồm Đặc phái viên Afghanistan của Nga Zamir Kabulov, Đại diện đặc biệt của Pakistan về Afghanistan Mohammad Sadiq và Đặc phái viên Afghanistan của Trung Quốc Yue Xiaoyong.
Theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga, các quan chức của ba nước nêu trên và Taliban đã thảo luận về việc khuyến khích các mối quan hệ thân thiện giữa chính phủ mới tại Afghanistan với các chính phủ nước ngoài và các quốc gia láng giềng. Họ cũng đề cập đến việc Taliban cần phải xây dựng một chính phủ hòa hợp để đảm bảo toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất đất nước, tôn trọng nhân quyền và cải thiện các mối quan hệ kinh tế và xã hội.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên, trong cuộc họp báo thường nhật tại Bắc Kinh, đã nói với các phóng viên rằng ba đại diện của Trung Quốc, Nga và Pakistan cũng đã họp với cựu Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai và ông Abdullah Abdullah, chủ tịch Hội đồng Hòa giải Quốc gia của chính phủ cũ.
Ông Mansoor Ahmed Khan, Đại sứ Pakistan tại Kabul đã viết trên Twitter cho hay đại diện ba nước Trung Quốc, Nga và Pakistan trong cuộc họp với các quan chức Taliban đã kêu gọi nhóm này phải thiết lập một chính phủ hòa hợp.
“Các đặc phái viên về Afghanistan của Pakistan, Nga và Trung Quốc là ông Amb Sadiq, ông Zamir Kabulov và ông Yue Xiayong đã thăm Kabul và kêu gọi Thủ tướng tạm quyền của Afghanistan, ông M. Hasan AKhund và các lãnh đạo cấp cao khác [của Taliban] hãy thảo luận về hòa bình, ổn định và chính phủ hoàn hợp”, ông Mansoor Ahmed Khan viết.
Taliban tiếp quản Afghanistan từ ngày 15/8 và gần đây họ đã loan báo thành lập chính phủ mới do ông M. Hasan AKhund làm Thủ tướng tạm quyền. Nhóm chiến binh Hồi giáo này nhiều lần công khai hứa hẹn với quốc tế rằng họ sẽ ân xá cho phe đối lập, tôn trọng nhân quyền, đặc biệt là quyền phụ nữ.
Tuy nhiên, Taliban thực tế đang bị chỉ trích vì họ vừa ra lệnh cho các viên chức công của chính quyền Thành phố Kabul không được đi làm và phải ở nhà. Họ cũng cấm các bé gái trung học đến trường.
Những động thái nêu trên của Taliban gợi lại những chính sách quản trị đất nước hà khắc mà họ đã áp dụng khi cầm quyền ở Afghanistan từ năm 1996 đến năm 2001. Khi đó, Taliban đã cấm phụ nữ và bé gái không được đi học, đi làm và tham gia các hoạt động công cộng.
Cho đến nay, chính phủ Afghanistan do Taliban thành lập vẫn chưa được Liên Hiệp Quốc và bất kỳ quốc gia nào công nhận. Taliban mới đây cũng đã bổ nhiệm Đại sứ Afghanistan tại Liên Hiệp Quốc và đề nghị được phát biểu tại phiên họp lần thứ 76 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đang diễn ra tại New York. Đề xuất này của Taliban chưa được xem xét và đại sứ Afghanistan của chính phủ cũ dự kiến vẫn sẽ phát biểu tại Đại hội đồng trong ngày họp cuối cùng, 27/9.
Xuân Thành (Theo The Epoch Times)
Xem thêm:
Tổng thống Ukraine Zelensky đã thừa nhận rằng Kiev không có khả năng thực hiện…
Moskva đã bổ sung căn cứ phòng thủ tên lửa mới mở của Hoa Kỳ…
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…