Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã bảo vệ mối quan hệ thân thiết của mình với Trung Quốc, chỉ ra việc Bắc Kinh đã cung cấp nhiều hỗ trợ tài chính cho quốc gia của mình.
Trung Quốc là bên bảo trợ chính trị quan trọng và là nguồn hỗ trợ phát triển lớn nhất của Campuchia, đã giúp đầu tư hàng tỷ đô la cho các dự án cơ sở hạ tầng tại nước này. Điều này đã làm dấy lên những lời chỉ trích rằng Phnom Penh đã trở nên quá phụ thuộc và là một đại diện cho Bắc Kinh.
Tuy nhiên, phát biểu trong Hội nghị trực tuyến Tương lai châu Á của Nikkei hôm thứ Năm (20/5), Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã gọi lời chỉ trích đó là “không công bằng.”
“Không dựa vào Trung Quốc thì tôi sẽ dựa vào ai? Nếu không nhờ Trung Quốc thì tôi nhờ ai?” ông Hun Sen nói với diễn đàn, được tổ chức tại Tokyo và trực tuyến đến hết thứ Sáu.
Trước đó, cũng có nhiều ý kiến cho rằng Campuchia dự định cất giữ các khí tài quân sự của Trung Quốc tại các căn cứ trên đất liền của mình.
Nhưng ông Hun Sen đã phủ nhận thông tin rằng nước này có kế hoạch làm như vậy tại một căn cứ hải quân, nơi chính phủ Trung Quốc đang giúp mở rộng các cơ sở.
Ông chỉ ra hiến pháp của Campuchia cấm các căn cứ quân sự của nước ngoài ở trong nước. Ông nói thêm rằng bất kỳ quốc gia nào cũng được hoan nghênh gửi tàu đến Campuchia, một ý kiến mà ông nhắc đến liên quan đến viện trợ phát triển.
Ông nói: “Chúng tôi không đóng cửa với bất kỳ ai trong việc chấp nhận hỗ trợ xây dựng đất nước.”
Hun Sen vẫn thách thức về các lệnh trừng phạt thương mại của Liên minh châu Âu áp đặt lên nước này vào tháng 8 năm ngoái do các cáo buộc vi phạm nhân quyền.
Brussels đã đình chỉ một phần quyền tiếp cận ưu đãi đối với 20% hàng hóa xuất khẩu của Campuchia vào EU, cáo buộc nước này “vi phạm nhân quyền có hệ thống.” Động thái này là một đòn giáng mạnh vào lĩnh vực sản xuất hàng may mặc trị giá 10 tỷ USD của Campuchia, vốn phụ thuộc vào thị trường châu Âu.
Trong số các mối quan tâm của EU là việc chính quyền hiện hành đã buộc đảng đối lập chính của Campuchia, Đảng Cứu nguy Dân tộc Campuchia, phải giải thế.
Đảng này đã gần giành chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc gia vào năm 2013. Kể từ khi đảng Cứu nguy Dân tộc Campuchia giải thể vào năm 2017, lãnh đạo của đảng này đã bị buộc tội phản quốc và các thành viên cấp cao đã phải bỏ trốn ở nước ngoài để tránh bị vào tù. Hơn 100 người ủng hộ họ đã bị xét xử và kết án.
Ông Hun Sen cho biết đánh giá của EU “không phù hợp với thực tế” và tuyên bố sự tồn tại của hơn 20 đảng chính trị nhỏ là bằng chứng cho thấy Campuchia vẫn dân chủ.
Ông bác bỏ tác động của việc EU trừng phạt, nói rằng nền kinh tế bị ảnh hưởng phần lớn bởi đại dịch, và cho biết Campuchia sẽ không tìm cách lật ngược quyết định.
Ông nói: “Chúng tôi tiếp tục xuất khẩu 20% hàng hóa của mình sang châu Âu bằng cách trả thuế cho họ.”
“Nhưng chúng tôi không thể chấp nhận rằng đất nước của chúng tôi không thể thực hiện luật pháp của riêng mình. Một quốc gia độc lập có chủ quyền phải thực hiện luật pháp của mình.”
Hiện Campuchia đang phải chống chọi với đợt bùng phát virus Vũ Hán tồi tệ nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu, ghi nhận hơn 20.000 ca nhiễm kể từ tháng Hai. Các cơ quan y tế của nước này đang gấp rút triển khai chiến dịch tiêm chủng và đã tiêm ít nhất một mũi cho hơn 2 triệu dân.
Trong khi Campuchia nhận được một số lượng vắc-xin nhỏ của AstraZeneca thông qua chương trình COVAX, thì phần lớn nguồn cung cấp vắc-xin của họ là từ Trung Quốc, ông Hun Sen nhấn mạnh.
Ông nói: “Nếu không có sự trợ giúp từ Trung Quốc, có thể chúng tôi sẽ không có vắc-xin cho người dân của mình”.
Lê Vy (theo Nikkei Asia)
Xem thêm:
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…
Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Rounds đại diện tiểu bang Nam Dakota đã…