Ngày 4/5, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr khẳng định, thỏa thuận cho phép Hoa Kỳ tiếp cận nhiều căn cứ quân sự hơn ở nước này không phải vì mục đích sử dụng cho “hành động tấn công” nhằm vào bất kỳ quốc gia nào.
Phát biểu với một nhóm chuyên gia cố vấn của Hoa Kỳ ở Washington, ông Marcos cho hay, ông đã nêu quan điểm đó với các quan chức Trung Quốc trong các cuộc đàm phán gần đây. Ông cũng tiết lộ, Hoa Kỳ không yêu cầu Philippines cung cấp quân đội trong trường hợp chiến tranh giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ về Đài Loan.
Ông Marcos nói với Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Tăng cường (EDCA) năm 2014 cho phép [Hoa Kỳ] tiếp cận các căn cứ ở Philippines đã được hình thành để đối phó với các tác động của biến đổi khí hậu.
“Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc vừa đến thăm tôi… và tôi đã đảm bảo với ông ấy rằng không, đây không phải… là những căn cứ quân sự nhằm mục đích tấn công hay chống lại bất kỳ ai, bất kỳ quốc gia nào – không phải Trung Quốc, cũng không phải bất kỳ quốc gia nào,” ông Marcos cho biết.
Ông nhấn mạnh, việc sử dụng các căn cứ EDCA cho “hành động tấn công” sẽ nằm ngoài các thông số mà Manila đã thảo luận với Hoa Kỳ; trong khi Washington cũng chưa bao giờ đưa ra khả năng chúng sẽ được sử dụng làm “khu vực dàn dựng” cho hành động tấn công chống lại bất kỳ quốc gia nào.
Mối quan hệ của Manila với Washington đã trở nên sâu sắc hơn dưới thời Tổng thống Marcos. Ông đã cho phép quân đội Hoa Kỳ tiếp cận thêm 4 căn cứ vào tháng 2, điều mà Trung Quốc cho là “đổ thêm lửa” vào căng thẳng trong khu vực.
Các chuyên gia nhận định, Hoa Kỳ coi Philippines là một địa điểm tiềm năng cho các hệ thống tên lửa và pháo binh để chống lại cuộc xâm lược của Trung Quốc vào Đài Loan.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin tuyên bố sau cuộc họp giữa các bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao của Hoa Kỳ và Philippines vào tháng trước, còn “quá sớm” để thảo luận về những khí tài mà Hoa Kỳ muốn đặt tại các căn cứ của Philippines.
Ông Marcos đã đến Washington để dự hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Joe Biden, nhằm xác nhận rõ hơn mức độ cam kết của Washington trong việc bảo vệ đất nước của ông theo hiệp ước an ninh năm 1951, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở Biển Đông, nơi Manila có tuyên bố chủ quyền đối địch với Bắc Kinh, cũng như căng thẳng liên quan đến Đài Loan và Bắc Triều Tiên.
Sau cuộc gặp hôm 1/5, ông Biden đưa ra cam kết của Hoa Kỳ đối với việc bảo vệ đồng minh của mình kể cả ở Biển Đông. Sau chuyến thăm của ông Marcos tới Lầu Năm Góc hôm 3/5, hai bên đã ban hành một tài liệu dài sáu trang về “hướng dẫn phòng thủ song phương”, trong đó nêu rõ mức độ cam kết của Hoa Kỳ với Philippines theo hiệp ước phòng thủ chung năm 1951 của họ.
Tổng thống Marcos bày tỏ, quan hệ giữa Washington và Manila đã trở lại “con đường hợp tác bình thường” và cần phát triển thêm nữa để giúp họ phản ứng nhanh hơn trước những thách thức hiện tại và đang nổi lên.
Dưới thời người tiền nhiệm Rodrigo Duterte, quan hệ giữa Philippines với Mỹ trở nên xấu đi khi ông xây dựng quan hệ gần gũi hơn với Bắc Kinh.
Sau khi hé lộ một số chi tiết và hình ảnh vụ Nga đáp trả…
Theo ĐBQH Dương Minh Ánh, biện pháp tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với vàng…
Do có các sai phạm, khuyết điểm trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm…
Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…