Hôm thứ Tư 24/5, Tổng thống Donald Trump đã diện kiến Đức Giáo hoàng Francis khoảng 30 phút tại Tòa thánh Vatican, Roma, Ý.
Theo Washington Times, trong cuộc trao đổi ngắn với Tổng thống Hoa Kỳ, Đức Giáo hoàng Francis và các quan chức Vatican đã đưa ra thảo luận các vấn đề về biến đổi khí hậu, chống khủng bố và đói nghèo.
Trong một tuyên bố sau cuộc gặp, phía Tòa thánh Vatican nói rằng Giáo hoàng và Tổng thống Trump đã thảo luận về “thúc đẩy hòa bình thế giới thông qua đàm phán chính trị và đối thoại với các tôn giáo khác nhau” và đề cập đến tính bức thiết của việc bảo vệ cộng đồng Cơ đốc giáo tại Trung Đông.
Nhà Trắng nói rằng ông Trump “khẳng định Hoa Kỳ và Tòa thánh chia sẻ nhiều giá trị cơ bản chung và mong muốn thực hiện các nỗ lực toàn cầu nhằm thúc đẩy nhân quyền, chống đói nghèo, khổ đau và bảo vệ tự do tôn giáo”.
Phát biểu trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Ý, ông Paolo Gentiloni, Tổng thống Trump chia sẻ về cuộc gặp với Giáo hoàng rằng: “Chúng tôi đã có một cuộc gặp gỡ tuyệt vời…rất vinh dự được diện kiến Giáo hoàng”.
Theo một số ít các phóng viên được phép chứng kiến cuộc gặp diễn ra tại Cung điện Giáo hoàng, ban đầu cả Tổng thống Trump và Giáo hoàng Francis đều tiếp cận khá thận trọng. Nhưng sau đó, không khí cuộc gặp đã trở nên thoải mái hơn khi hai bên tiến hành tặng quà.
Đức Giáo hoàng tặng tổng thống Trump ba cuốn sách mà Tòa Thánh thường tặng cho các nguyên thủ quốc gia, trong đó có bản thông điệp của Giáo hoàng về môi trường, kêu gọi cắt giảm đáng kể lượng khí thải từ nhiên liệu hóa thạch – một chủ đề mà Tổng thống Mỹ luôn phản đối.
Ba cuốn sách mà Giáo hoàng tặng Tổng thống Mỹ có tựa là: “Niềm vui của tình yêu”, “Niềm vui tin mừng” và “Ca tụng Chúa”.
Người đứng đầu Tòa Thánh Vatican cũng tặng ông Trump một thông điệp hòa bình và huy hiệu mang biểu tượng hòa bình có chữ ký của Giáo hoàng.
Đáp lại, Tổng thống Hoa Kỳ tặng Giáo hoàng các cuốn sách của Mục sư Martin Luther King và nói: “Tôi hy vọng ngài sẽ thích [món quà này]”.
Nhà Trắng thông tin rằng bộ sách của Mục sư Luther King là bộ được in lần 1 có chữ ký của nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng nước Mỹ. Món quà này nhấn mạnh thông điệp về tình thương, sự thấu hiểu và hòa bình. Bộ sách bao gồm các cuốn có tựa đề: “Tiến bước tới Tự do” (1958), “Thước đo một con người” (1959), “Sức mạnh để yêu thương” (1963), “Tại sao chúng ta không thể đợi” (1964) và “Chúng ta sẽ đi về đâu: Hỗn loạn hay Gắn kết” (1967).
Tổng thống Trump cũng tặng Giáo hoàng một miếng đá granit lấy từ bức tượng “Phiến đá Hy vọng” tại đài tưởng niệm Martin Luther King tại Thủ đô Washington DC.
Món quà cuối cùng mà ông Trump tặng Giáo hoàng là một bức phù điêu đồng do nghệ sĩ Geoffrey Smith làm thủ công có tên “Rising Above” mô tả một đoá hoa sen đang khai nở. Nhà Trắng nói rằng bức phù điêu truyền tải thông điệp “khả năng vươn lên và chiến thắng khi đối mặt với các thời khắc khó khăn thử thách”.
Theo tờ Washington Times, trước khi gặp Tổng thống Trump, Giáo hoàng cũng đã giành ít phút để gặp Ngoại trưởng Tillerson, Cố vấn An ninh Quốc gia H.R. McMaster và các trợ lý của tổng thống như Jared Kushner (con rể ông Trump), Hope Hicks, Keith Schiller và Dan Scavino, cùng phu nhân và con gái ông Trump. Giáo hoàng Francis nói đùa với bà Melania Trump rằng: “Phu nhân đã bao giờ cho ông nhà ăn potizza chưa? Potizza là một món ăn của người Slovenia, thường được phục vụ vào lễ Phục Sinh. Bà Trump là một người Slovenia, chỉ biết cười trừ khi nhận được câu hỏi ý nhị và rất thấu hiểu người giao tiếp với mình của Đức Giáo hoàng.
Sau khi trao quà, cuộc trò chuyện gữa Giáo hoàng và Tổng thống Trump đã cởi mở hơn.
Ông Trump thông báo với Giáo hoàng rằng Hoa Kỳ sẽ chi 300 triệu USD trong nỗ lực chống nạn đói tại Yemen, Sudan, Somalia và Nigeria.
Giáo hoàng gửi ông Trump thông điệp của mình về vấn đề môi trường là có ý tinh tế nhắc tổng thống Mỹ không nên quyết định rút khỏi Hiệp định Paris về đói phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.
Trong khi đó, khi đề cập đến việc các quan chức Vatican có đưa ra vấn đề biến đổi khí hậu trong cuộc gặp hai bên, Ngoại trưởng Rex Tillerson nói rằng tổng thống “chưa đưa ra quyết định cuối cùng” và có lẽ ông sẽ không quyết định gì cho đến “sau khi chúng tôi trở về Washington”.
Nhìn chung, cuộc gặp gỡ ngắn giữa Giáo hoàng Francis và Tổng thống Trump đã kết thúc tốt đẹp. Trước khi tạm biệt người đứng đầu Tòa Thánh, Tổng thống Trump nói rằng: “Cảm ơn ngài, tôi sẽ không quên những gì ngài đã nói”. Ông Trump sau đó cũng gọi cuộc gặp gỡ này là “vĩ đại”.
Có lẽ cả Tổng thống Mỹ và Đức Giáo hoàng đều hài lòng về lần tiếp xúc trực tiếp đầu tiên này vì họ đã phần nào hóa giải được một số hiểu nhầm, xung đột qua việc “đấu khẩu” giữa hai người thông qua mạng xã hội hồi năm ngoái.
Hai người đã có thời điểm căng thẳng trong quá trình ông Trump tranh cử Tổng thống. Giáo hoàng Francis phê bình lời hứa của ông Trump trước cử tri Mỹ về việc xây dựng một bức tường dọc theo biên giới với Mexico để ngăn chặn dòng người nhập cư bất hợp pháp và kế hoạch tạm không cho công dân đến từ một số nước Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ.
Giáo hoàng Francis khi đó đã nói rằng: “Một người đàn ông chỉ nghĩ về xây các bức tường, dù họ ở bất cứ nơi đâu, nếu không nghĩ tới xây những cái cầu, thì không phải là người Cơ đốc giáo”.
Ông Trump phản bác gay gắt bằng cách bảo Giáo hoàng Francis “thật đáng hổ thẹn” và chỉ ra rằng chính Giáo hoàng cũng đang sống sau những bức tường khổng lồ tại Vatican.
Chuyến công du tới Roma lần này, ông Trump đã hoàn thành đi qua ba trung tâm tôn giáo lớn nhất thế giới từ Riyadh (Ả rập Saudi), tới Jerusalem (Israel) và Vatican, Ý – một nỗ lực mang tính tượng trưng để đoàn kết nhân dân có đức tin chống lại chủ nghĩa cực đoan.
Một quan chức chính quyền Mỹ nói: “Chúng tôi nghĩ rằng chuyến công du này [của tổng thống] là cần thiết để gắn kết đức tin Hồi giáo, Do Thái giáo và Cơ đốc giáo. Khi chúng ta đoàn kết bên nhau, chúng ta sẽ thấy rằng vấn đề chủ nghĩa cực đoan thực sự là một trong những vấn đề lớn của thời đại chúng ta. Bằng cách kéo mọi người cùng nhau, chúng ta có thể thực sự xây dựng một liên minh và chỉ ra rằng đó không phải chỉ là vấn đề Hồi giáo, đó không chỉ là vấn đề Do Thái giáo, đó không chỉ là vấn đề Công giáo, đó không chỉ là vấn đề Cơ đốc giáo, mà đó thực sự là vấn đề của toàn thế giới”.
Ông Trump là Tổng thống thứ 13 của Hoa Kỳ tới thăm Vatican. Sau khi đến thăm nhà nguyện Sistine và Nhà thờ Thánh Phêrô, Tổng thống Trump rời khỏi Vatican để tiếp kiến tổng thống Ý, Sergio Mattarella và hội đàm với Thủ tướng Ý, Paolo Gentiloni. Ông Trump sẽ đến Brussels, Bỉ tham dự Hội nghị thượng định NATO vào thứ Năm 25/5 và sẽ trở lại Sicily, Ý vào thứ Sáu và thứ Bảy để tham dự Hội nghị nhóm G7.
Tân Bình
Xem thêm:
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…
Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…
Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…
Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…
Đề xuất của Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu Google phải bán trình duyệt Chrome…