Các quan chức và nhà phân tích Đài Loan cho biết, cuộc chiến của Ukraine chống quân xâm lược Nga đã mang lại cho Đài Loan nhiều bài học về xây dựng khả năng bất đối xứng hiệu quả để bảo vệ trước một cuộc tấn công từ Trung Quốc đại lục.
Khi quân đội Nga xâm lược Ukraine vào ngày 24/2, nhiều người nghĩ rằng chỉ trong vài ngày đội quân hùng mạnh hơn nhiều sẽ đánh bại lực lượng Ukraine. Tuy nhiên, cuộc chiến đã bước sang tuần thứ tư và người Ukraine vẫn chống trả vững vàng.
Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan Chiu Kuo-cheng cho biết, “Bài học chúng ta có thể rút ra từ cuộc chiến tranh Nga – Ukraine là, dù cho những bất lợi về quân sự, Ukraine vẫn có khả năng sử dụng tính độc nhất của chiến trường trong nước và những khả năng bất đối xứng để kháng cự với một kẻ thù khổng lồ như Nga.”
Phát biểu tại một phiên họp lập pháp tuần trước về yếu tố an ninh của cuộc chiến tranh ở Ukraine đối với eo biển Đài Loan, ông Chiu cho biết Đài Loan đang nghiên cứu cách người Ukraine chống trả cuộc xâm lược của Nga bằng chiến lược phi đối xứng, liên quan đến việc sử dụng các loại vũ khí dễ di chuyển và dễ vận chuyển.
Bắc Kinh coi Đài Loan tự trị như lãnh thổ ly khai đang chờ thống nhất, có thể bằng vũ lực nếu cần thiết. Căng thẳng đã leo thang trong những năm gần đây với việc Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) điều máy bay chiến đấu vào khu vực phòng không của Đài Loan và dàn dựng những trò chơi chiến tranh gần đó, khi Bắc Kinh đang cố gia tăng sức ép lên nhà lãnh đạo Thái Anh Văn, người đã bác bỏ nguyên tắc ‘một Trung Quốc.’
Phỏng đoán đang lan tràn khắp nơi kể từ cuộc xâm lược Ukraine rằng Bắc Kinh có thể bị thôi thúc thực hiện cuộc tấn công xuyên eo biển Đài Loan, dù cả hai bên đều nhấn mạnh rằng không thể so sánh hai vấn đề này.
Tuy nhiên, Đài Loan đã nâng mức cảnh báo của họ kể từ khi chiến tranh bùng nổ ở Ukraine. Đài Loan đã từ lâu ủng hộ việc nâng cấp các nền tảng vũ khí chủ lực đắt tiền hơn, bao gồm máy bay chiến đấu tiên tiến và tàu chiến lớn. Trong những năm qua, hòn đảo cũng tập trung phát triển các khả năng chiến tranh bất đối xứng theo yêu cầu của Washington, vốn coi Bắc Kinh là đối thủ địa chính trị và quân sự chính của họ.
Tại phiên điều trần của Thượng viện Hoa Kỳ hôm 10/3, trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về chiến lược, kế hoạch và năng lực, Mara Karlin, nói rằng Đài Loan nên gia tăng khả năng bất đối xứng của họ để bảo vệ chống cuộc tấn công của PLA.
Jessica Lewis, trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao về các vấn đề chính trị-quân sự, cũng nói rằng cuộc khủng hoảng Ukraine cho thấy sự cần thiết tập trung vào cuộc chiến tranh bất đối xứng, mà bà định nghĩa là “các hệ thống tấn công hiệu quả, linh hoạt, có năng lực ứng phó và phân tán.”
Thay vì nhiều vũ khí thông thường hơn, bà Lewis nói rằng các loại vũ khí như hệ thống phòng không tầm ngắn, thuỷ lôi, tên lửa bảo vệ bờ biển và tên lửa hành trình “đã được sử dụng rất hiệu quả tại Ukraine.”
Các loại tên lửa phòng không và chống tăng cầm tay hay vác vai, bao gồm FGM-148 Javelin và FIM-92 Stinger do Mỹ cung cấp, được báo cáo là đã giúp đỡ quân đội Ukraine phá huỷ hàng trăm xe thiết giáp và một số trực thăng Nga.
Trong khi Javelin đánh vào các mục tiêu từ trên cao – nơi phần bọc sắt kém hơn, Stinger là một loại tên lửa vác vai nặng khoảng 15kg sử dụng một cảm biến hồng ngoại để định vị máy bay bằng nhiệt.
Đài Loan đã có cả hai loại tên lửa này từ Mỹ. Hai năm trước, quân đội Đài Loan cũng đã mua thêm 42 hệ thống Javelin và 400 tên lửa với giá 3,43 triệu Đài tệ (120,9 triệu đôla).
“Không giống Nga có thể đưa quân đội của họ tới Ukraine theo đường bộ, vị trí địa lý và Đài Loan và Đại lục có khác biệt – bị chia cắt bởi eo biển Đài Loan. Vì thế, cuộc chiến tranh bất đối xứng của Đài Loan có thể tập trung vào trên biển và trên không,” Chieh Chung, nhà nghiên cứu an ninh tại Quỹ Chính sách Quốc gia, cho biết.
Ông nói Đài Loan có thể dễ dàng triển khai ‘đội quân’ Javelin và Stringer của họ dọc bờ biển để tấn công quân đổ bộ của PLA và nhằm vào những mục tiêu trên không của chúng nếu chúng cố đổ bộ lên hòn đảo.
Chieh nói các loại vũ khí phòng không được dẫn hướng chính xác, có giá cả hợp lý của Đài Loan, cũng như các tên lửa phóng từ tàu và đặt trên đất liền, cũng hiệu quả trong việc thúc đẩy các năng lực bất đối xứng của hòn đảo và cắt đứt con đường hậu cần và vật tư cho lực lượng PLA.
Su Tzu-yun, nhà nghiên cứu tại Học viện Nghiên cứu an ninh và quốc phòng quốc gia, một cơ quan nghiên cứu của chính phủ tại Đài Bắc, nói rằng Mỹ đã bán 18 lô vũ khí cho Đài Loan từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump còn tại nhiệm.
Trong số đó, 16 lô “có liên quan tới thúc đẩy năng lực bất đối xứng của chúng tôi,” ông nói.
“Điều này cho thấy rằng có một sự hiểu biết ngầm giữa hai bên là việc nâng cao khả năng bất đối xứng của chúng tôi có thể đạt tới hiệu quả phòng thủ lớn nhất.”
Bên cạnh việc mua nhiều loại tên lửa của Mỹ, Đài Loan đang phát triển tên lửa của chính họ, bao gồm tên lửa đất đối không Tien Kung-3, tên lửa không đối đất Wan Chien, và tên lửa hành trình Hsiung Sheng, một phiên bản nâng cấp của tên lửa tấn công mặt đất hành trình dài Hsiung Feng 2E, mà các chuyên gia quân sự nói có thể đánh tới các mục tiêu xa hơn trong đất liền ở Trung Quốc đại lục.
“Ý tưởng là xây dựng Đài Loan như một con nhím để ngăn chặn các cuộc tấn công tiềm tàng từ Trung Quốc,” Wang Ting-yu, một nhà lập pháp thuộc Đảng Dân chủ Tiến bộ cầm quyền, thành viên của Ủy ban các vấn đề đối ngoại và quốc phòng của cơ quan lập pháp, nói.
Nội các của Đài Loan đã phê chuẩn 230.000 Đài tệ chi tiêu thêm cho 5 năm tới để mua các loại vũ khí phát triển trong nước, chủ yếu là tên lửa, và tàu chiến cỡ nhỏ hơn. Một báo cáo gần đây của quân đội đệ trình lên cơ quan lập pháp hé lộ kế hoạch tăng gấp đôi năng lực sản xuất tên lửa hàng năm từ 207 hiện tại lên 497.
Các nhà phân tích cho biết ngoài chiến lược chiến tranh bất đối xứng đang đóng vai trò ấn tượng trong cuộc chiến tranh Ukraine, Đài Loan cũng nên tính đến tầm quan trọng của hậu cần, lệnh tổng động viên, internet và mạng truyền thông xã hội cho thời chiến.
“Truyền thông xã hội và giao tiếp trực tuyến đã trở thành một phần của chiến tranh hiện đại,” Alexander Huang Chieh-cheng, giáo sư về quan hệ quốc tế và nghiên cứu chiến lược tại Đại học Tamkang tại thành phố Đài Bắc mới, nói.
Các video được chia sẻ thường xuyên trên các mạng xã hội của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, người đã quyết định ở lại thủ đô Kyiv trong bối cảnh Nga pháo kích dữ dội, đã tập hợp hầu hết thế giới đứng về phía ông và thúc đẩy người dân Ukraine tham gia quân đội đấu tranh chống quân xâm lược Nga.
Ngân Hà (theo SCMP)
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…
Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Rounds đại diện tiểu bang Nam Dakota đã…