Làn sóng cướp bóc tiếp tục lan rộng khắp các tỉnh, thành tại Venezuela trong những tuần đầu năm 2018, khiến nhiều cửa hàng phải đóng cửa và các ông chủ phải trang bị vũ khí để tự vệ, theo Reuters.
Nạn cướp bóp hồi hè năm 2017 đang tiếp tục lặp lại ở hầu khắp Venezuela.
Reuters cho biết tình trạng thiếu thực phẩm nghiêm trọng và lạm phát phi mã đã làm bùng phát nạn cướp bóc tại các tỉnh lẻ ở Venezuela từ lễ Giáng sinh. Xung đột nhỏ lẻ đã diễn ra tại nhiều nơi, khiến tổng cộng 7 người tử vong.
Tình trạng bất ổn này bùng phát từ việc người dân thiếu thịt lợn để làm các món ăn truyền thống trong dịp Giáng sinh và năm mới, mặc dù Tổng thống Nicolas Maduro đã hứa hẹn trợ cấp thịt để giảm bớt tình trạng thiếu hụt. Lãnh đạo của Đảng Xã hội Chủ nghĩa đổ lỗi cho chính phủ Bồ Đào Nha đã cản trở việc xuất khẩu thịt lợn sang Venezuela.
>>Dân Venezuela biểu tình vì thiếu thịt lợn, ông Maduro đổ tội cho Bồ Đào Nha
Tiếp đó, nạn cướp bóc, đập phá diễn ra tại hầu hết các tỉnh lẻ. Những người quá khích cướp xe tải chở ngũ cốc, siêu thị, trung tâm cung ứng thực phẩm, các cửa hàng…Đây được coi là một trong những cảnh tượng bạo động tồi tệ nhất thế giới.
Vấn nạn cướp bóc đang gây nhiều khó khăn cho các hộ kinh doanh, dấy lên câu hỏi liệu họ có thể còn duy trì được hoạt động kinh doanh, buôn bán trong bao lâu nữa. Suy thoái kinh tế tại Venezuela đã bước sang năm thứ năm liên tiếp và mức lạm phát, theo số liệu của Quốc hội do phe đối lập kiểm soát cung cấp, lên tới 2.600%.
Tổ chức Quan sát Khủng hoảng Xã hội Venezuela – một nhóm hoạt động nhân quyền thông tin với Reuters rằng tính riêng 11 ngày đầu tiên của năm 2018, trên khắp Venezuela đã xảy ra khoảng 107 vụ cướp phá.
Một trong những cảnh tượng kịch tính nhất được lan truyền trên mạng xã hội là một nhóm thanh niên săn đuổi và đập chết một con bò trên đồng cỏ để mổ lấy thịt chống đói.
>>Venezuela: Người dân thiếu đói, phải giết gia súc, cướp bóc thực phẩm (video)
Theo Reuters, các chủ cửa hàng tại thị trấn Andean, bang Garcia de Hevia không tin tưởng vào khả năng bảo vệ của giới chức và họ tự trang bị vũ khí để tự vệ.
Ông William Roa, chủ tịch hiệp hội chủ cửa hàng địa phương, nói rằng: “Chúng tôi đang tự vũ trang với gậy, dao, mác và vũ khí nóng để bảo vệ tài sản của chúng tôi”.
Ông Roa cho biết thêm rằng ước tính có hơn 2/3 các cửa hàng ở các thị trấn nhỏ gần biên giới Colombia đang phải đóng cửa.
“Mỗi người thay nhau trực đêm tại cửa hàng và chúng tôi liên lạc với nhau qua ứng dụng thoại nhóm WhatsApp, điều phối công việc [trực] 24 giờ mỗi ngày”, ông Roa nói.
Tại Ciudad Guayana, nơi có một nhà máy điện cũ trên sông Orinoco, miền đông Venezuela, nhiều cửa hàng vẫn đang phải đóng cửa sau nhiều vụ bị cướp phá trong đêm.
Thương nhân tại Caracas bây giờ cũng lo sợ nạn cướp bóc sẽ lan từ các tỉnh lẻ, nghèo khó hơn tới thủ đô.
Nhiều chủ cửa hàng ở trung tâm Caracas trong tháng qua đã phải lắp đặt thêm các cửa cuốn thép để chống trộm, cướp. Họ hiện tại chỉ lưu kho các hàng hóa nhu yếu phẩm như đường trong vài ngày và đã tính toán đến việc thuê bảo vệ trông cửa hàng ban đêm.
Ông Sebastian Fallone, một chủ cửa hàng tại Caracas cho hay: “Lỗi lo lắng là hiện hữu. Tôi rời cửa hàng vào buổi tối và không biết liệu sáng hôm sau có còn tìm thấy được gì ở đây nữa không”.
Reuters đã liên hệ với Bộ Thông tin Venezuela đề nghị cung cấp các thông tin chi tiết về quy mô và ảnh hưởng của những vụ cướp phá khắp đất nước vừa qua, nhưng không nhận được câu trả lời.
Chính quyền Maduro vẫn tiếp tục giọng điệu cáo buộc những kẻ phá hoại trong nước với sự hậu thuẫn của Mỹ đã và đang tìm cách gây ra xung đột để hạ bệ ông và làm mất uy tín mô hình thể chế xã hội chủ nghĩa ở Mỹ Latinh.
Xuân Thành
Xem thêm:
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…
Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Rounds đại diện tiểu bang Nam Dakota đã…
Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới…
Với mức thu từ 18.000-20.000 đồng/tháng, số tiền thu hộ, chi hộ "nước uống của…