Thời báo Hoàn Cầu hôm 27/8 đã ra một bài xã luận cảnh báo về những hậu quả Việt Nam sẽ có thể phải gánh chịu nếu tiếp tục sử dụng đòn bẩy địa chính trị để giải quyết các tranh chấp trên biển bằng cách gia tăng tương tác với Mỹ. Tờ báo khuyên Việt Nam nên ngăn chặn tình cảm dân tộc chủ nghĩa chống Trung Quốc và giải quyết mâu thuẫn trên biển bằng kênh ngoại giao song phương giữa hai nước.
Mở đầu bài xã luận, Thời báo Hoàn Cầu nhắc lại tuyên bố của Việt Nam khẳng định chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa hôm 26/8 “trùng hợp ngẫu nhiên” với thời điểm Washington công bố lệnh trừng phạt đối với 24 công ty Trung Quốc về hoạt động xây dựng đảo ở Biển Đông, khiến hiệu ứng dư luận của tuyên bố này được nâng cao.
Tờ báo lo ngại rằng khi những lời nói và hành động khiêu khích của Hoa Kỳ về vấn đề Biển Đông trở nên thường xuyên, thì sự “trùng hợp ngẫu nhiên” như vậy chắc chắn sẽ xảy ra thường xuyên hơn.
“Điều này sẽ dẫn đến một hiệu ứng phức tạp trong xã hội Việt Nam. Chủ nghĩa dân tộc của người Việt Nam sẽ tập trung vào các tranh chấp trên biển và Trung Quốc, thậm chí có thể ảnh hưởng đến hệ tư tưởng của Việt Nam,” tờ báo viết.
Thời báo Hoàn Cầu nhấn mạnh rằng việc Việt Nam tiếp tục lặp lại tuyên bố chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa “chỉ gây thêm rắc rối cho chính họ mà không thay đổi thực tế quyền sở hữu quần đảo,” và khẳng định quyền sở hữu khu vực này thuộc về Trung Quốc “mãi mãi.”
Tờ báo còn khẳng định tất cả những người Việt Nam vẫn còn lý trí về vấn đề biển Đông đều hiểu rõ điều này.
Do đó, tờ báo cho rằng việc Việt Nam “cường điệu quá mức về các vấn đề hàng hải,” đặc biệt là mặc sức để cho tâm lý tiêu cực chống Trung Quốc lan rộng trong dư luận “có thể đe dọa an ninh quốc gia của đất nước về lâu dài.”
Tờ báo của Tổng biên tập Hồ Tích Tiến chỉ cho Việt Nam thực tiễn rằng “chủ nghĩa dân tộc cực đoan là công cụ dễ dàng nhất để các lực lượng chống phá hệ thống ở các nước xã hội chủ nghĩa sử dụng,” do đó việc chủ nghĩa dân tộc cực đoan ở Việt Nam hiện đang chĩa vào Trung Quốc chứ không phải Mỹ sẽ “có khả năng bị các lực lượng chống đối hệ thống lợi dụng và sẽ được Mỹ khuyến khích và thúc đẩy.”
“Washington đã biến Đảng Cộng sản Trung Quốc trở thành mục tiêu, gọi trò chơi giữa Trung Quốc và Mỹ là cuộc đối đầu “giữa tự do và chuyên chế.” Điều này sẽ gián tiếp khuyến khích các lực lượng chống Đảng Cộng sản Việt Nam, làm tăng thêm khó khăn cho đất nước trong việc duy trì ổn định chính trị lâu dài,” tờ báo khẳng định.
Thời báo Hoàn Cầu nhắc nhở lại với Việt Nam rằng việc Mỹ phản ứng đối với hệ tư tưởng chính trị ở Trung Quốc cho thấy Washington cũng sẽ không ủng hộ gì với hệ thống chính trị của Hà Nội và “Hà Nội chắc chắn không thể trông cậy vào việc Washington giúp bảo vệ hệ thống của mình.”
> TBT Hoàn cầu Thời báo: Mỹ bị ‘thiểu năng’ không mà bác yêu sách của TQ ở Biển Đông
Tờ báo khuyên Việt Nam nên “khôn ngoan” chống lại một cuộc khủng hoảng tiềm ẩn và cần ngăn chặn tình cảm dân tộc chủ nghĩa chống Trung Quốc bởi điều này “sẽ có ý nghĩa lâu dài đối với Việt Nam.” Tờ báo cũng cho rằng các tranh chấp hàng hải “nên được quản lý bởi các kênh ngoại giao của Trung Quốc và Việt Nam, thay vì một vấn đề nóng về ý thức hệ của Việt Nam.”
“Nếu Việt Nam tiếp tục sử dụng đòn bẩy địa chính trị để giải quyết các tranh chấp trên biển bằng cách gia tăng tương tác với Mỹ, chắc chắn sẽ dẫn đến những hậu quả về ý thức hệ. Trung Quốc và Việt Nam nên giảm bớt căng thẳng hàng hải thông qua các con đường ngoại giao, và ngăn chặn vấn đề gây ra những thay đổi chính trị trong nội bộ hai nước,” tờ báo nêu rõ.
Bài xã luận trên Thời báo Hoàn Cầu được xuất bản trong thời điểm Bắc Kinh đang nỗ lực giành lại cảm tình của các nước láng giềng Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam, trong các vấn đề ngoại giao để ngăn những quốc gia này nghiêng về phía Mỹ khi căng thẳng giữa hai cường quốc đang dần trở nên cực điểm.
Trước đó, Trung Quốc và Việt Nam đã tổ chức lễ kỷ niệm rầm rộ 20 năm thực thi Hiệp ước Biên giới trên đất liền. Hôm 23/8, Ngoại trưởng Vương Nghị thúc giục Việt Nam ngồi vào bàn đàm phán về vấn đề biển Đông, đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng kinh nghiệm giải quyết thành công các vấn đề biên giới trên bộ giữa hai nước sẽ là tiền đề để giải quyết mâu thuẫn trên biển một cách tốt đẹp.
Tuy nhiên, ngay hôm sau 24/8, Trung Quốc đưa quân ra tập trận ở gần quần đảo Hoàng Sa.
Lê Xuân
Xem thêm:
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…
Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…