Thời báo Hoàn Cầu: “Tại sao Việt Nam xâm phạm biển Đông vào lúc này?”
- Lê Vy
- •
Đáp lại phản đối từ Bộ Ngoại giao Việt Nam, cũng như những quan ngại từ phía Mỹ về việc tàu hải cảnh Trung Quốc cố tình đâm chìm tàu cá Việt Nam ở gần quần đảo Hoàng Sa hôm 2/4, Thời báo Hoàn Cầu – cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ đã tung ra bài bình luận chỉ trích Việt Nam dối trá và lợi dụng cơ hội này để chuyển sự chú ý khỏi sự bất lực trong việc xử lý đại dịch sang căng thẳng trong quan hệ Việt – Trung. Bài báo cũng tố cáo Mỹ chính trị hóa một vấn đề đối ngoại để bêu xấu Trung Quốc.
Thông tin từ Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 3/4 cho biết vào đêm ngày 2/4, tàu cá QNg-90617 TS và 08 ngư dân Việt Nam đang hoạt động bình thường tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam thì bị tàu hải cảnh Trung Quốc ngăn cản và đâm chìm.
Việt Nam ngay sau đó đã gửi công hàm phản đối cho Trung Quốc, yêu cầu phía Trung Quốc điều tra làm rõ, xử lý vụ việc, đồng thời bồi thường thỏa đáng các thiệt hại cho ngư dân Việt Nam. Trước đó, ngày 30/3, Việt Nam cũng đã gửi công hàm đến Liên Hợp Quốc bác bỏ yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, một động thái hiếm thấy của chính phủ Việt Nam trong hành xử ngoại giao với Bắc Kinh.
Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đã bày tỏ quan ngại về vụ việc, nói rằng Trung Quốc nên “tập trung hỗ trợ các nỗ lực quốc tế” để chống lại COVID-19 và nên “ngừng khai thác sự mất tập trung hoặc dễ bị tổn thương của các quốc gia khác để mở rộng yêu sách phi pháp của mình ở Biển Đông.”
> Bộ Ngoại giao Mỹ lên án việc tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam
Trước tình hình đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh và người phát ngôn của Cục Hải cảnh Trung Quốc khẳng định tàu cá Việt Nam đã đánh bắt cá trái phép trên vùng biển Trung Quốc, khi bị nhắc nhở thì lao vào đâm tàu hải cảnh rồi bị chìm.
Tiếp đó, một bài bình luận xuất hiện trên Thời báo Hoàn cầu ngày 11/4 với tiêu đề “Tại sao Việt Nam xâm phạm biển Đông vào lúc này?”, không chỉ tái khẳng định lập luận nói trên của Trung Quốc, mà còn tố Mỹ và Việt Nam thông đồng nhau để hạ nhục Trung Quốc và thực hiện các mục tiêu chính trị của mình.
Why Vietnam intrudes the South China Sea at this juncture? It would be reasonable to think that Hanoi intended to shift the spotlight from the recent domestic pressure and its ineptitude in handling #COVID19 to the tension within Vietnam-China relations. https://t.co/yqKGdrMBu0 pic.twitter.com/iV75sH1lT0
— Global Times (@globaltimesnews) April 12, 2020
Bài báo cho biết, “khi Trung Quốc đang chiến đấu gian khổ với COVID-19, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên ban hành lệnh phong tỏa với Trung Quốc và đình chỉ du lịch hàng không trong và ngoài nước, đồng thời di tản công dân Việt Nam khỏi Trung Quốc, những hành động phù hợp với các động thái của Hoa Kỳ. Bằng cách đó, Việt Nam dường như đã thực hiện một số biện pháp phòng chống dịch bệnh, nhưng khi xem xét kỹ hơn, việc này nhằm mục đích đẩy Trung Quốc vào tình thế lúng túng.”
Bài báo nhận định trong giai đoạn đầu của dịch COVID-19, Việt Nam đã có hành động hiệu quả để ngăn chặn virus lây lan trong nước và được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khen ngợi. Tuy nhiên, các trường hợp nhiễm COVID-19 được xác nhận tại Việt Nam “đã tăng theo cấp số nhân kể từ đầu tháng 3.” Do đó, tại Việt Nam hiện đang xuất hiện mâu thuẫn giữa việc khôi phục lại hoạt động kinh tế hay tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
“Mâu thuẫn này trở nên gay gắt hơn trước áp lực nền kinh tế đang suy thoái đáng kể,” bài báo nhận xét, và dẫn chứng về 300 doanh nghiệp tại Việt Nam đã dừng hoạt động, trong khi những doanh nghiệp khác đã thu hẹp do ảnh hưởng của dịch bệnh; hơn 40.000 nhân viên trong các lĩnh vực giáo dục và đào tạo đang phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp.
Vì thế, bài báo cho rằng trong bối cảnh này, dường như các chiến thuật do chính phủ Việt Nam đang thể hiện đối với Trung Quốc nhằm ý định chuyển sự chú ý khỏi áp lực trong nước và sự bất lực trong việc xử lý đại dịch sang căng thẳng trong quan hệ Việt – Trung.
> Trung Quốc “tổng tấn công”, tuyên truyền Mỹ đưa virus vào Vũ Hán
Bài báo cũng nhắc lại tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa (mà Trung Quốc gọi là Tây Sa) và cáo buộc Việt Nam đã cố gắng đánh bắt cá ở vùng biển này, “đâm làm hỏng một tàu hải cảnh Trung Quốc” và sau đó “tìm cách đòi bồi thường,” “đánh lừa công chúng bằng những tuyên bố sai trái và các cáo buộc chống lại Trung Quốc.”
“Chính phủ Việt Nam không đề cập gì đến 8 ngư dân lành lặn đã được chính tàu Trung Quốc mà họ đâm vào cứu, đây không phải là một cách tiếp cận chủ động và hiệu quả cho việc giải quyết xung đột. Rõ ràng, Việt Nam không có ý định nỗ lực để nhanh chóng giải quyết vụ việc. Tuy nhiên, không khó để phân biệt ai đang nói dối. Bên cạnh đó, Trung Quốc có đủ bằng chứng video về những gì thực sự xảy ra trong vụ va chạm đó để chứng minh sự vô tội của mình,” bài báo cho hay.
Trung Quốc cũng buộc tội Mỹ “một lần nữa đứng về phía với Việt Nam vì những động cơ thầm kín. Sự hợp tác của họ, đặc biệt là với các hành động của Việt Nam trong việc khơi dậy tình cảm chống Trung Quốc, đã phản ánh thực tế về “sự thông đồng” giữa hai quốc gia này.”
“Bằng cách liên kết việc đánh bắt cá bất hợp pháp của Việt Nam với các nỗ lực phòng chống đại dịch, Mỹ một lần nữa cố gắng chính trị hóa một vấn đề đối ngoại để bêu xấu Trung Quốc,” bài báo nhận định, và cho rằng sự “tiếp tay từ Mỹ” sẽ khuyến khích chính phủ và ngư dân Việt Nam “tiếp tục hành vi đánh bắt cá bất hợp pháp, đẩy mạnh hành vi xâm phạm lợi ích và quyền lợi của Trung Quốc,” đồng thời khẳng định “cả Mỹ và Việt Nam đều đang thổi bùng ngọn lửa để đạt được mục tiêu chính trị của mình.”
Hiện đã có một số ý kiến từ các nhà phân tích được đăng tải trên các cơ quan truyền thông quốc tế, cho rằng đây là cơ hội vàng để Việt Nam “thoát” khỏi sự kìm kẹp và cái bóng khổng lồ của Trung Quốc.
Lê Vy
Xem thêm:
Từ khóa tranh chấp biển Đông Hoàng Sa Dòng sự kiện