Phiên tòa xét xử Đoàn Thị Hương (Việt Nam) và Siti Aisyah (Indonesia) bị cáo buộc ám sát ông Kim Jong Nam tại cảng hàng không quốc tế Kuala Lumpur hồi giữa tháng 2/2017 sẽ tiếp tục diễn ra từ thứ Hai (2/10) tại Tòa án Tối cao Shah Alam, Malaysia. Hương và Siti được dự báo sẽ không nhận tội, theo luật sư bào chữa.
Truyền hình Hàn Quốc đưa tin ông Kim Jong Nam bị ám sát tại Malaysia hôm 13/2/2017.
Reuters cho hay Siti Aisyah, 25 tuổi và Đoàn Thị Hương, 28 tuổi bị cáo buộc đã sử dụng chất độc thần kinh VX để ám sát ông Kim Jong Nam – anh trai cùng cha khác mẹ của lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un tại sân bay Kuala Lumpur, hôm 13/2/2017.
Tuy nhiên, trong các phiên toàn diễn ra trước đó, cả Hương và Siti đều nói với luật sư của họ rằng họ không biết họ đang tham gia vào một cuộc tấn công chết người và chỉ nghĩ rằng họ đang thực hiện một trò đùa trong một chương trình truyền hình thực tế. Hai bị can có thể sẽ phải lĩnh án tử hình nếu họ bị tuyên án có tội.
Ông Hisyam Teh, luật sư của Đoàn Thị Hương, trao đổi với Reuters rằng: “Họ (hai người phụ nữ) sẽ vẫn bảo lưu sự vô tội của mình”.
Phiên tòa rất được chú ý này sẽ diễn ra từ thứ Hai (2/10) và dự kiến sẽ kéo dài tới ngày 30/11 tại Tòa án Tối cao Shah Alam, ở ngoại ô thủ đô của Malaysia.
Reuters cho biết công tố viên trưởng Muhamad Iskandar Ahmad đã từ chối bình luận chi tiết về vụ án, nhưng cũng đã nói rằng tòa sẽ triệu tập khoảng từ 30 đến 40 nhân chứng, trong đó có khoảng 10 chuyên gia tham dự phiên xét xử sắp tới.
Luật sư Hisyam nói rằng khả năng các công tố viên sẽ triệu tập các nhân chứng là chuyên gia trong các lĩnh vực bệnh lý học và hóa học.
Vị luật sư bào chữa cho Đoàn Thị Hương từ chối bình luận về chiến lược bào chữa, nhưng tiết lộ với Reuters rằng Hương đang có nhiều lợi thế trong tay.
“Cô ấy (Hương) có cơ sở bão chữa tốt và chúng tôi có bằng chứng để bảo vệ điều đó”, Reuters dẫn lời ông Hisyam. Tuy nhiên luật sư của Hương không nói rõ các bằng chứng mà ông đang có là gì.
Các quan chức của Hàn Quốc và Hoa Kỳ đã nói rằng chính chế độ Kim Jong-un đứng sau vụ ám sát ông Kim Jong Nam.
Theo một số nhà lập pháp Hàn Quốc, ông Kim Jong Nam, sống lưu vong tại Macau nhiều năm, đã từng chỉ trích chế độ độc tài gia đình trị Bắc Hàn và cũng đã bị ông Kim Jong-un ra lệnh xử tử vắng mặt.
Trong vụ việc ông Kim Jong Nam bị ám sát tại sân bay Kuala Lumpur, ngoài Đoàn Thị Hương và Siti, giới chức Malaysia còn phát hiện được 4 nghi can khác, những người này chưa bị bắt và công khai danh tính. Cảnh sát Malaysia đã xác định 4 nghi can đó là người Bắc Hàn và đã rời Kuala Lumpur về Bình Nhưỡng ngay trong ngày diễn ra vụ giết người.
Cảnh sát Malaysia nói rằng camera an ninh tại sân bay đã ghi được hình ảnh của 4 nghi can nêu trên và họ cũng đã phát đi một thông báo đỏ của Interpol, nhưng chưa phải là lệnh truy nã quốc tế, đối với những người Bắc Hàn này.
Ông Naran Singh, cũng trong đội bào chữa cho Đoàn Thị Hương, đã từng yêu cầu công tố viên phải công khai danh tính của 4 nghi can liên đới trách nhiệm với Hương và Siti.
Ông Gooi Soon Seng, luật sư của Siti Aisyah, không trả lời email phỏng vấn của Reuters. Tuy nhiên, trước đó vị luật sự này đã nói rằng sự có mặt của những nghi can khác sẽ thay đổi hoàn toàn vụ án này.
Ông Gooi từng nói với các phóng viên sau một phiên điều trần tiền xử án hồi tháng 7 rằng: “Chúng tôi tin những nghi can chính trong vụ án này là 4 người Bắc Hàn, đã trốn chạy về nước. Nếu chúng ta có thể bắt họ, mọi thứ sẽ rõ như ánh sáng ban ngày”.
Mối quan hệ từng rất nồng ấm giữa Malaysia và Bắc Hàn đã thực sự căng thẳng khi Bắc Hàn không đồng tình việc Malaysia tiến hành điều tra vụ ám sát ông Kim Jong Nam.
Sau khi vụ ám sát xảy ra, chính phủ Malaysia đã trục xuất đại sứ Bắc Hàn. Đổi lại, Bình Nhưỡng đã cấm tất cả công dân Malaysia không được rời Bắc Hàn. Khủng hoảng ngoại giao chỉ tạm hạ nhiệt khi Kuala Lumpur đồng ý trao trả thi thể ông Kim Jong Nam và cho 3 người Bắc Hàn có liên quan đến vụ án về nước.
Vào thứ Năm (28/9), Malaysia đã ra lệnh cấm công dân của họ tới Bắc Hàn do lo ngại an ninh sau các vụ thử tên lửa và hạt nhân gần đây của Bình Nhưỡng.
Reuters cho biết lệnh cấm di trú của chính phủ Malaysia được đưa ra sau chuyến thăm Washington của Thủ tướng Najib Razak hồi đầu tháng 9. Tại cuộc gặp với Tổng thống Donald Trump, Thủ tướng Razak đã nói rằng Malaysia đã dừng kinh doanh với Bắc Hàn, phù hợp với các chế tài của Liên Hiệp Quốc.
Ngoại giới nhận định chính phủ Malaysia đang muốn Bắc Hàn đưa 4 nghi phạm trong vụ án Kim Jong Nam sang Kuala Lumpur xét xử. Tuy nhiên, yêu cầu này (nếu có) cũng dường như là bất khả thi trong hoàn cảnh hiện nay.
Phó Giáo sư Ahmad Martadha Mohamed của Đại học Utara Malaysia nói rằng Bắc Hàn không phải là thành viên của Interpol, và Bình Nhưỡng gần như chắc chắn sẽ không giải quyết bất cứ yêu cầu nào từ phía Malaysia để trả lại các nghi phạm nếu không có hiệp định dẫn độ giữa hai nước.
Ông Mohamed cho hay: “Chỉ theo cách gián tiếp, điều đó sẽ khiến Malaysia khó có thể gây áp lực lên Bắc Triều Tiên để đưa các nghi phạm trở lại [Kuala Lumpur]”.
Theo Reuters/Yên Sơn
Xem thêm:
Với mức thu từ 18.000-20.000 đồng/tháng, số tiền thu hộ, chi hộ "nước uống của…
Tổng thống Ukraine Zelensky đã thừa nhận rằng Kiev không có khả năng thực hiện…
Moskva đã bổ sung căn cứ phòng thủ tên lửa mới mở của Hoa Kỳ…
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…