(Ảnh minh họa: Vinokurov Kirill/Shutterstock)
Gần đây, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã ký ban hành “Đạo luật Lớn và Đẹp” (One Big Beautiful Bill Act) bổ sung quy định mới, theo đó tất cả những người xin thị thực không định cư để đến Hoa Kỳ phải nộp thêm một khoản “phí liêm chính thị thực” (visa integrity fee), số tiền ít nhất là 250 USD.
Khoản phí này áp dụng cho tất cả các đối tượng cần xin thị thực không định cư như du lịch, thương mại và du học. Theo quy định, khoản phí này phải nộp vào thời điểm thị thực được cấp; nếu đơn xin bị từ chối thì không cần nộp.
Đáng chú ý là “phí liêm chính thị thực” không thay thế cho các khoản phí thị thực hiện có, mà là khoản thu thêm. Ví dụ, thị thực H-1B trước đây có mức phí là 205 USD, sau khi thực thi quy định mới, tổng chi phí sẽ tăng lên thành 455 USD. Ngoài ra, đa số du khách còn phải nộp thêm “phí mẫu đơn I-94”, mức phí tăng từ 6 USD lên 24 USD.
Đạo luật cho phép những người tuân thủ quy định có thể xin hoàn trả phí, bao gồm những người không làm việc bất hợp pháp và không lưu trú quá hạn quá 5 ngày. Tuy nhiên, việc hoàn phí chỉ được tiến hành sau khi thị thực hết hạn, và các chi tiết thi hành hiện chưa được công bố.
Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) dự đoán, quy trình hoàn phí có thể cần vài năm để xây dựng, số lượng người thực sự nộp đơn xin hoàn sẽ rất hạn chế. Nhìn chung, điều khoản này dự kiến sẽ giúp chính phủ liên bang tăng thêm 28,9 tỷ USD thu nhập từ năm 2025 đến 2034, đồng thời giảm thâm hụt ngân sách.
Theo CNBC đưa tin, luật sư di trú Steven A. Brown nhắc nhở người xin thị thực rằng nên coi khoản phí này là “không hoàn trả”; nếu thực sự được hoàn lại, thì nên xem đó là “khoản thưởng thêm”.
Khoản thu này hiện vẫn chưa chính thức bắt đầu. Ông Brown cho biết, việc thu phí vẫn cần phải được công bố trên Công báo Liên bang, thậm chí cần thiết lập các quy tắc thực thi cụ thể. Hiệp hội Du lịch Hoa Kỳ (U.S. Travel Association) thì đặt nghi vấn, đạo luật quy định Bộ trưởng An ninh Nội địa thu “phí liêm chính thị thực”, nhưng việc cấp thị thực là quyền hạn của Bộ Ngoại giao, cho nên vẫn chưa rõ Bộ An ninh Nội địa (DHS) sẽ thực hiện việc thu phí như thế nào.
Bộ An ninh Nội địa phản hồi rằng việc thu “phí liêm chính thị thực” cần có sự phối hợp giữa các cơ quan liên ngành, đồng thời nhấn mạnh đạo luật này nhằm “khôi phục sự trung thực của hệ thống nhập cư”.
Theo luật sư Paul Saluja của công ty luật Saluja Law chuyên về nhập cư, phí có thể bắt đầu từ ngày 1/10/2025, tức ngày bắt đầu năm tài chính mới của Mỹ.
Theo dữ liệu của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội, trong giai đoạn từ năm 2016 đến 2022, chỉ có 1% đến 2% người mang thị thực không định cư lưu trú quá hạn tại Hoa Kỳ, nhưng ước tính khoảng 42% số người nhập cư bất hợp pháp tại Hoa Kỳ thực chất là những người đã nhập cảnh hợp pháp nhưng ở lại quá hạn, do đó chính quyền hy vọng thông qua đạo luật này sẽ tăng cường các quy định và hiệu lực thực thi đối với thị thực.
Khoản phí không áp dụng với du khách đến từ các quốc gia không cần visa để nhập cảnh Mỹ, bao gồm công dân các nước thuộc chương trình miễn visa của Mỹ, cũng như phần lớn khách từ Canada và Bermuda.
Có tổng cộng 42 quốc gia và vùng lãnh thổ tự trị nằm trong chương trình miễn visa, nghĩa là công dân các nước này không phải trả khoản phí 250 USD nếu đến Mỹ trong vòng 90 ngày với mục đích du lịch hoặc công tác miễn visa. Các nước miễn phí gồm:
Andorra, Australia, Áo, Bỉ, Brunei, Chile, Croatia, Cộng hòa Séc, Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Pháp, Đức, Hy Lạp, Hungary, Iceland, Ireland, Israel, Ý, Nhật Bản, Latvia, Liechtenstein, Lithuania, Luxembourg, Malta, Monaco, Hà Lan, New Zealand, Na Uy, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Qatar, San Marino, Singapore, Slovakia, Slovenia, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Đài Loan, Vương quốc Anh.
Lén lút vứt lợn bệnh xuống mương nước, thu mua cho cơ sở sản xuất…
Xã Thanh Tùng (Cà Mau) ghi nhận 23 vụ sạt lở đất từ đầu năm…
Ông Trần Văn Tâm, Hiệu trưởng Trường THCS Tam Giang Tây (Cà Mau), bị cáo…
Một trong 6 con sếu đầu đỏ chuyển từ Thái Lan về Vườn quốc gia…
Thủ tướng Canada Mark Carney tuyên bố sẽ áp đặt mức thuế quan cao hơn…
Cựu Tổng Thống Barack Obama cùng phe nhóm đã đặt nền móng cho một “cuộc…