Hôm thứ Bảy (23/3) Ý chính thức ủng hộ Sáng kiện cơ sở hạ tầng Vành đai và Con đường (BRI) đầy tham vọng của Trung Quốc. Rome trở thành cường quốc phương Tây đầu tiên gia nhập BRI với hy vọng có thể giúp vực dậy nền kinh tế đang gặp khó khăn.
Thủ tướng Ý Giuseppe Conte (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) chụp ảnh kỷ niệm tại buỗi lễ đón tiếp trọng thị tại Villa Madama, Rome, Ý ngày 23/3/2019. (Ảnh: Christian Minelli/NurPhoto via Getty Images)
Nhân chuyến thăm Ý ba ngày của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hai bên đã tăng cường hợp tác thương mại bằng việc ký kết khoảng 30 thỏa thuận song phương với trị giá ban đầu 2,5 tỷ Euro, nhưng có giá trị tiềm năng khoảng 20 tỷ Euro.
Cách tiếp cận gần gũi của chính phủ Ý với Trung Quốc khiến Mỹ không hài lòng. Một số đồng minh của Rome tại Liên minh Châu Âu cũng bày tỏ lo ngại rằng động thái này của Ý có thể cho phép Bắc Kinh tiếp cận các công nghệ nhạy cảm và các trung tâm giao thông trọng yếu.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng ý Luigi Di Maio đã hạ thấp các lo lắng nêu trên và nói với báo giới rằng mặc dù Rome vẫn hoàn toàn cam kết với các đối tác phương Tây, nhưng đối với các mối quan hệ thương mại họ sẽ đặt nước Ý lên trên hết.
Ông Di Maio, người thay mặt chính phủ Ý ký bản ghi nhớ với đại diện Trung Quốc hôm 23/3 đã nói: “Đây là một ngày rất quan trọng với chúng ta, một ngày mà ‘Sản xuất tại Ý’ đã chiến thắng, nước Ý đã chiến thắng và các công ty Ý đã chiến thắng.”
Với việc ký hàng loạt thỏa thuận với Trung Quốc, Ý đã chính thức gia nhập Sáng kiến Vành đai và Con đường – trung tâm của chiến lược chính sách đối ngoại của chế độ Bắc Kinh, phản ánh tham vọng của Chủ tịch Tập Cận Bình trong việc biến Trung Quốc trở thành cường quốc lãnh đạo toàn cầu.
Bất chấp những cảnh báo của Mỹ và EU, chính phủ dân túy của Ý đã đón tiếp Chủ tịch Trung Quốc một cách trọng thị, theo nghi lễ thảm đỏ thường chỉ dành cho việc đón tiếp các đồng minh thân cận nhất.
Trước đó, một số lãnh đạo EU đã cảnh báo Ý về việc họ vội vàng xa vào vòng tay của Trung Quốc. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 23/3 cho biết mối quan hệ với Bắc Kinh không nên chỉ chủ yếu đặt trên cơ sở thương mại.
Theo Reuters, thậm chí ngay trong nội bộ chính phủ liên minh tại Ý cũng không có được sự đồng thuận về việc ủng hộ BRI của Trung Quốc. Phó Thủ tướng Matteo Salvini – lãnh đạo đảng Liên đoàn cực hữu – đã lên tiếng cảnh báo về rủi ro của việc Trung Quốc “thuộc địa hóa” thị trường Ý.
Ông Salvini không gặp Chủ tịch Tập và đã từ chối tham gia vào buổi quốc yến tối 23/3 được tổ chức để chào mừng chuyến thăm Ý của lãnh đạo Trung Quốc.
Ông Di Maio – lãnh đạo của đảng Phong trào 5 sao – nói rằng Ý chỉ đang thực hiện việc cân bằng thương mại và chỉ ra thực tế rằng Rome xuất khẩu sang Trung Quốc ít hơn nhiều so với sang Đức hay Pháp.
Theo thống kê của chính phủ Ý, năm ngoái Rome thâm hụt thương mại 17,6 tỷ Euro với Bắc Kinh. Ông Di Maio nói rằng mục tiêu của việc hợp tác với Trung Quốc là để xóa bỏ thâm hụt thương mại sớm nhất có thể.
Theo Reuters, sau các cuộc hội đàm với Thủ tướng Giuseppe Conte và Phó Thủ tướng Di Maio vào sáng thứ Bảy, chiều cùng ngày Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến thăm cá nhân tới thành phố Palermo.
Ông Tập sẽ tới Monte Carlo vào Chủ Nhật trước khi kết thúc chuyến công du Châu Âu tại Pháp, nơi ông sẽ hội đàm với Tổng thống Pháp Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Xuân Thành
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…
Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…
Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…
Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…
Đề xuất của Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu Google phải bán trình duyệt Chrome…
Đội hình Phalanx gắn liền với những cuộc chinh phục của Alexander Đại Đế.