Ý nghĩa gì đằng sau chuyến thăm đầu tiên của tàu sân bay Mỹ tới Việt Nam?

Tàu sân bay USS Carl Vinson của Mỹ cùng các tàu khu trục và tuần dương hộ tống đã vào Vịnh Đà Nẵng lúc gần 12h trưa nay (5/3). Vậy sự kiện này có ý nghĩa gì trong mối quan hệ song phương Việt Nam – Hoa Kỳ và ảnh hướng ra sao tới tình hình ngoại giao đa phương trong cả khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương rộng lớn?

Ý tưởng về việc tàu sân bay Mỹ ghé thăm Việt Nam đã có từ năm ngoái và thông tin này bắt đầu công khai trong cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc Phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch và người đồng cấp Mỹ James Mattis tại Washington D.C vào tháng 8/2017.

Trước chuyến thăm lịch sử này ít ngày, nhà báo Prashanth Parameswaran của tờ The Diplomat đã đăng bài bình luận nhận định ý nghĩa của sự kiện lịch sử này trên ba phương diện.

Thứ nhất, tàu sân bay Mỹ tới Việt Nam lần này là một trong hàng loạt những hoạt động hợp tác gia tăng nhằm thắt chặt quan hệ quốc phòng song phương Mỹ-Việt, mặc dù chịu nhiều giới hạn, đã có tiến bộ đáng kể trong vài năm qua.

Các đời tổng thống trước, Mỹ cũng đã cử một số tàu chiến tới thăm Việt Nam, nhưng sang tới nhiệm kỳ của ông Donald Trump, cả Mỹ và Việt Nam đã tiếp tục mở rộng nỗ lực hơn nữa để đẩy mạnh quan hệ hợp tác quân sự và kết quả là chuyến thăm của tàu sân bay USS Carl Vinson và hoàng loạt tàu khu trục và tuần dương hộ tống. Đây rõ ràng là sự kiện lớn hơn hẳn những chuyến viếng thăm khác của quân đội Mỹ, minh chứng cho mối quan hệ ngày càng chặt chẽ giữa quân đội hai nước.

Đặt trong bối cảnh chung của quan hệ Mỹ – Việt, cuộc viếng thăm này nên được hiểu không chỉ là một sự kiện một lần rồi thôi, mà còn là một phần của sự tương tác dần dần của những tàu sân bay Mỹ tiếp theo trong quan hệ giữa hai cựu thù chiến tranh. Vào tháng 10 năm ngoái, Thứ trưởng Quốc Phòng Việt Nam, Tướng Nguyễn Chí Vịnh đã lên thăm tàu sân bay USS Carl Vinson, trở thành quan chức cấp cao nhất của Việt Nam đặt chân lên hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ. Và chỉ gần hai tuần trước đây, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, ông Phạm Quang Vinh trong chuyến thăm 2 ngày tới thành phố Norfolk, Virginia, cũng đã lên thăm quan tàu sân bay USS George H.W. Bush.

Việc Việt Nam lần đầu tiếp đón tàu sân bay Mỹ rõ ràng là một bước tiến lớn, đồng thời đây cũng là bằng chứng hiển nhiên cho thấy chính quyền Hà Nội ngày càng thoải mái để đón tiếp các tàu chiến Mỹ, cũng như gia tăng vai trò của mình trong việc ủng hộ nỗ lực hiện diện của Mỹ tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương rộng lớn.

Thứ hai, chuyến thăm của tàu sân bay tới Đà Nẵng, Việt Nam lần này rất có ý nghĩa trong chiến lược quốc phòng khu vực của Mỹ. Thông thường tàu sân bay Mỹ là cách mà Washington củng cố thực tế lâu dài về sự hiện diện của Mỹ trong khu vực, đặc biệt quan trọng trong hoàn cảnh đối mặt với những quan ngại về sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc trên biển. Thật ra, không phải ngẫu nhiên mà chuyến viếng thăm Việt Nam là một phần của một cuộc hải hành rộng lớn của nhóm tàu tấn công USS Carl Vinson, trong đó có cả việc dừng chân ở Philipines và việc hải quân Mỹ cũng đã đưa tàu khu trục có tên lửa dẫn đường vào cảng Kota Kinabalu, Maylaysia trong tuần trước.

Xét rộng hơn, cuộc viếng thăm Việt Nam cũng nhắm vào chính vai trò của bản thân tàu USS Carl Vinson trong bối cảnh chung của chương trình quốc phòng Mỹ. Khi Washington gắng sức tăng cường hoạt động cho các tàu chiến của mình và tìm cách giải quyết sự căng thẳng gia tăng – đặc biệt là hàng loạt tai nạn tàu chiến của Hạm đội 7 – một trong những giải pháp chính là sự tham gia nhiều hơn của Hạm đội 3 Tây Thái Bình Dương theo sáng kiến “Hạm đội 3 Tiến lên” từ năm 2016, đem đến sự linh hoạt hơn cho nhiều hoạt động bao gồm cả những hoạt động đảm bảo sự hiện diện của Mỹ. Nhóm tàu tấn công USS Carl Vinson là sự biểu dương rõ ràng cho sáng kiến “Hạm đội 3 Tiến lên”, lần đầu thực hiện nhiệm vào năm ngoái và hoạt động lần hai đã được kích hoạt từ tháng trước, trong đó có bao gồm chuyến thăm Việt Nam lần này.

Thứ ba, vượt ra ngoài khuôn khổ quan hệ song phương  Mỹ – Việt, chuyến thăm của tàu sân bay Mỹ cũng mang ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh ngoại giao khu vực. Các nước Đông Nam Á vẫn đang hiện hữu lo lắng rằng năm 2018 sẽ có những động thái khiêu khích mạnh hơn từ Trung Quốc trên biển Đông sau một năm 2017 tương đối đỡ căng thẳng. Có nhiều lý do cho nhận định này, trong đó quan trọng là chế độ Bắc Kinh đã qua được 1 năm củng cố trong nước với Đại hội Đảng lần thứ 19, đồng thời chính quyền Trump cũng đang dần áp đặt đường lối cứng rắn hơn với Bắc Kinh trên nhiều mặt trận, có thể khiến Trung Quốc thực thị biện pháp trả đũa.

Trong bối cảnh như thế, chuyến thăm của tàu sân bay Mỹ tới Việt Nam đặc biệt không chỉ vì nó củng cố tính xác quyết hiện nay của Washington trong vấn đề biển Đông, mà còn vì những động thái như vậy mở ra khả năng tương lai Bắc Kinh có thể sẽ mượn cớ đó để thực hiện những điều mà chế độ này đã định làm, và vì Trung Quốc vốn vẫn luôn thích làm như vậy trong quá khứ.

Hùng Cường (theo The Diplomat)

Xem thêm:

Hùng Cường

Tôi yêu thích và quan tâm tình hình chính sự và thông tin thời cuộc thế giới, bình luận và phân tích về chính trị Mỹ, Trung và thế giới nói chung. Hiện tại tôi đang đóng góp cho chuyên mục Thế giới của báo trithucvn.org.

Published by
Hùng Cường

Recent Posts

Hungary sẽ triển khai hệ thống phòng không gần biên giới của Ukraine

Trước tình hình căng thẳng, Hungary đang lên kế hoạch triển khai hệ thống phòng…

22 phút ago

Quân đội Mỹ sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần

Chuẩn Đô đốc Thomas Buchanan tuyên bố rằng Mỹ sẵn sàng sử dụng vũ khí…

30 phút ago

Nga bắn tên lửa tầm trung, không phải ICBM — Tổng thống Putin

Putin: Nếu Mỹ muốn chiến thì Nga cũng phải theo, và tên lửa bắn vào…

2 giờ ago

Một ứng viên xin rút công nhận chức danh phó giáo sư năm 2024

HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…

8 giờ ago

Ông Vương Đình Huệ bị kỷ luật cảnh cáo

Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…

9 giờ ago

Ông Musk và ông Ramaswamy viết bài xã luận trên WSJ vạch ra tầm nhìn về DOGE

Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…

9 giờ ago