237 người đã chết và mất tích, 28.805 tỷ đồng (tương đương hơn 1,24 tỷ USD) thiệt hại kinh tế là những thống kê ban đầu do giới hữu trách Việt Nam đưa ra trong gần một tháng bị ảnh hưởng bão, lũ.
Theo Tổng Cục phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong tháng 10/2020, khu vực miền Trung chịu 4 cơn bão (bão số 6, 7, 8, 9), 1 vùng áp thấp và 1 vùng áp thấp nhiệt đới, 2 đợt mưa lũ lịch sử.
Trong đó, cơn bão số 9 mạnh nhất gần 20 năm qua đổ bộ vào đất liền (tâm bão tại Quảng Ngãi) với sức gió cấp 11-12 giật cấp 14-15. Mưa bão gây ngập lụt trên diện rộng, lúc cao điểm tới 1,2 triệu người bị ảnh hưởng ở các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Nam.
Theo thống kê do chính quyền Việt Nam đưa ra, mưa lũ từ ngày 6-20/10 đã khiến 154 người chết, mất tích, trong đó 138 người chết, 16 người mất tích (65 người chết/mất tích do lũ; 64 người chết/mất tích do sạt lở đất; 25 người chết/mất tích do nguyên nhân khác) và 398 người bị thương.
Trong bão số 9 (từ trưa 27 tới hết ngày 28/10), 83 người chết và mất tích, trong đó 40 người chết, 43 người mất tích (23 người chết/mất tích do bão; 9 người chết/mất tích do lũ; 46 người chết/mất tích do sạt lở đất; 5 người chết/mất tích do nguyên nhân khác) và 140 người bị thương.
Tổng cộng 237 người chết và mất tích, 538 người bị thương; 195.884 căn nhà bị sập đổ, tốc mái, hư hỏng (6.235 căn trong đợt mưa lũ, 189.649 căn trong bão số 9); 409.198 nhà ngập (377.556 lượt nhà trong đợt mưa lũ, 31.642 nhà trong bão số 9).
Hơn 3,3 triệu con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi; 38.496 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; 105.090 tấn lương thực bị ướt, cuốn trôi.
Đáng chú ý, tình trạng sạt lở xảy ra chưa từng thấy, với 13 vụ lở núi. Tổng cộng 831 km đường giao thông và gần 2,5 triệu m3 đất, đá bị sạt lở. Gần 96km bờ sông, bờ biển cùng hàng trăm đê, kênh bị sạt lở.
Tổng thiệt hại kinh tế lên tới 28.805 tỷ đồng (15.469 tỷ đồng trong đợt mưa lũ và 12.536 tỷ đồng trong bão số 9).
9 tỉnh miền Trung, Tây Nguyên bị ảnh hưởng do bão, mưa lũ, sạt lở đất gồm: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum.
Với tổn thất sau đợt mưa bão, hàng chục nghìn người bị cạn kiệt sinh nhai, không nơi cư trú.
Ngoài diễn biến thời tiết cực đoan, về tác nhân trực diện thì hồ thủy điện xả lũ làm trầm trọng hơn các tổn thất do bão, lũ. Trong đợt mưa lũ kéo dài gần một tháng qua, hàng loạt hồ thủy điện tại các tỉnh xả lũ. Tuy nhiên, không có thống kê chính xác nào về số người bị chết hay tài sản bị cuốn trôi, hư hỏng do lũ dâng vì hồ thủy điện xả lũ.
Một sự việc được coi là hy hữu khi chính quyền huyện Nam Giang (Quảng Nam) đang đòi chủ đầu tư Thủy điện Đắk Mi 4 phải đền bù khi xả lũ bất ngờ trong đêm 28/10 khiến hàng trăm ngôi nhà ở xã Cà Dy và ở thị trấn Thạnh Mỹ bị phá hủy, hư hỏng, người dân trắng tay sau khi đi tránh lũ trở về.
Gói hỗ trợ khẩn cấp trị giá 400.000 USD (hơn 9 tỷ đồng) của Liên Hợp Quốc là gói hỗ trợ quốc tế được công bố gần đây nhất, để trợ giúp cho người dân tại miền Trung Việt Nam sau đợt bão lũ. Cộng với 8 khoản hỗ trợ quốc tế trước đó, tổng cộng hơn 5,12 triệu USD đã được chính phủ/các tổ chức quốc tế công bố sẽ hỗ trợ cho Việt Nam.
Nhiều gói hỗ trợ được chuyển thành hiện vật (đồ dùng gia đình, hóa chất khử trùng, thiết bị giám sát và đánh giá bão lụt…). |
Nguyễn Sơn
Xem thêm:
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…
Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…