Categories: Thời sựViệt Nam

29 người dân Đồng Tâm bị truy tố: Cáo trạng còn nhiều mâu thuẫn

Hôm 25/6, truyền thông nhà nước đưa tin VKSND Hà Nội đã ra cáo trạng truy tố 29 người liên quan đến “biến cố Đồng Tâm”. Nhưng trong cáo trạng còn nhiều mâu thuẫn.

Lực lượng cảnh sát cơ động dựng rào chắn tại xã Đồng Tâm sáng ngày 9/1. (Ảnh cắt từ clip/FB Trân Khanhduy)

Chính quyền Hà Nội cho biết đây là án điểm (vụ án trọng điểm) nên phiên tòa xét xử sẽ sớm được mở.

Trong 29 người, có 25 người bị truy tố về tội Giết người vì cho rằng đã gây ra cái chết đối với 3 công an. Bốn người còn lại bị truy tố về tội Chống người thi hành công vụ.

Tuy nhiên, cáo trạng từ VKSND Hà Nội còn nhiều điều mâu thuẫn.

Theo cáo trạng, khoảng 3h sáng hôm 9/1, khi công an triển khai lực lượng ở Đồng Tâm, thì bị các bị can dùng Facebook phát trực tiếp thông báo kêu gọi dân làng cùng chống đối. Nhóm đã dùng gạch đá, bom xăng, dao bầu tấn công lực lượng công an,… Tổ công tác đã nhiều lần dùng loa kêu gọi các bị can chấm dứt hành vi song sự chống đối càng quyết liệt,… Công an tại các địa điểm khác được điều động đến để ngăn chặn hành vi phạm tội, bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân,…

Về chi tiết này, báo RFA đã dẫn lời chị Nguyễn Thị Duyên (cháu dâu của cụ Lê Đình Kình) cho biết thời điểm xảy ra vụ án, người dân làng Đồng Tâm đang ngủ ngon, không có ai gây rối và cũng không ai cần được bảo vệ lúc đó cả.

“Họ nói lý do tấn công vào lúc nửa đêm là để cứu người dân kịp thời khỏi khủng bố. Nhưng thực tế là gia đình tôi đang ngủ rất ngon. Mà tất cả dân làng đang ngủ chứ không có hoành hành gì ở trong làng khiến họ phải bảo vệ lúc nửa đêm, để cứu người dân cả. Và chẳng có người dân nào cần họ phải cứu cả”, chị Duyên nói.

Tiếp theo, cáo trạng của VKSND cho rằng, tổ công tác phá khóa cửa ngách nhà cụ Kình thì phát hiện cụ đang cầm 1 quả lựu đạn và hô hào chống đối nên đã nổ súng 2 lần tiêu diệt,…

Với chi tiết này, chị Duyên cho hay trên thực tế, có rất nhiều vỏ đạn được tìm thấy trong nhà. Trên tường, trên cửa còn lưu lại rất nhiều dấu vết đạn bắn, chứ không phải công an chỉ nổ súng 2 phát. Hơn nữa việc công an mô tả việc cụ di chuyển trong phòng, trong nhà, đứng nép cửa ra vào phòng ngủ… là không đúng. Bởi vì, sức khỏe cụ rất yếu, phải ngồi xe lăn từ năm 2017 đến nay.

“Nói cụ đi tới đi lui và cầm dao để chọc vào tay chiến sĩ, thì tôi nhận định hoàn toàn là sai trái. Bởi vì, cụ hoàn toàn phải di chuyển bằng xe lăn chứ không đi lại được bình thường. Cụ di chuyển bằng xe lăn từ năm 2017, sau khi bị công an lừa ra ngoài cánh đồng và đánh gãy chân”, chị Duyên nói trên trang RFA.

Nhiều vết đạn tại phòng ngủ cụ Kình, chứ không phải chỉ có 2 vết như công an nói. (Ảnh từ giáo sư Hoàng Xuân Phú).

VKSND Hà Nội còn miêu tả trong bản cáo trạng rằng 3 công an tên Thịnh, Huy và Quân đột kích vào nhà cụ Kình thì bị nhiều người ném bom xăng, gạch đá khiến cả 3 người rơi xuống hố sâu (giếng trời) 4 mét, tử vong do ngạt khí và cháy than hóa toàn thân.

Về chi tiết này, FB Trịnh Bá Phương hôm 12/6 trong một video quay lại hiện trường vụ việc nhận định, 3 viên cảnh sát bị thiêu chết dưới giếng trời là vô lý. Bởi, dưới đáy giếng trời các “cót ép” lót giữa hai bức tường (trong lúc xây bị lộ ra ngoài) vẫn còn nguyên, không bị cháy bởi nhiệt, vậy mà kết luận của cơ quan điều tra lại viết “3 cảnh sát bị thiêu cháy đến mức không nhận diện được, xương tay cháy hết, xương sọ bị nổ vì nhiệt”.

Hơn nữa, không thể tin cả 3 cảnh sát cùng rơi xuống hố này được, vì chỉ cần một người rơi xuống hố 4 mét sẽ phát ra tiếng động rất lớn, kèm tiếng la hét khiến những người sau dừng lại,…

Theo cáo trạng thì xác của 3 công an đã hóa than do nhiệt rất cao, nhưng miếng “cót ép” lót giữa hai bức tường, tại gần đáy hố lại còn nguyên, không bị cháy. (Ảnh cắt từ clip)

Trước đó khoảng 20 ngày (hôm 5/6), Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Hà Nội đã đưa ra kết luận điều tra dài 47 trang gửi VKSND đề nghị truy tố 29 người trong vụ việc.

Đọc xong bản kết luận điều tra, Luật sư Ngô Anh Tuấn, người tham gia bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho người dân Đồng Tâm nhận xét trên trang cá nhân:

“Những người thuộc cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Hà Nội ngồi viết bản kết luận điều tra tuổi đời chỉ trên dưới 30, còn cụ Kình trên 80 tuổi. Hai bên cách nhau 2 thế hệ nhưng cách dùng từ trong văn bản này thể hiện thái độ… thiếu văn hoá khi mà họ xưng hô ngang với cụ Kình là Kình, Lê Đình Kình; không có từ nào là ông Kình hay đối tượng tình nghi Lê Đình Kình hay một từ ngữ khác tương tự như vậy.

Bản kết luận điều tra này cũng không khác gì “bản án” đã định sẵn cho người đã chết cũng như số phận pháp lý của 29 người còn lại đang bị giam giữ trong trại giam; nó đi ngược với nguyên tắc suy đoán vô tội của Bộ luật Hình sự Việt nam năm 2015.

Thêm hai chữ “ông, bà” phía trước tên của họ không làm giảm tính uy nghiêm, trịch thượng của người làm văn bản, cũng không làm cho sự việc xoay theo chiều hướng khác đi nhưng nó thể hiện thái độ có văn hoá của người viết ra nó”.

VKSND Hà Nội viết rằng dù biết rõ đất ở cánh đồng Sênh, xã Đồng Tâm là đất Quốc phòng, nhưng từ năm 2013, ông Lê Đình Kình (SN 1936, ở thôn Hoành) đã cùng các bị can khác lập “Tổ đồng thuận”, với mục đích chiếm lại đất đồng Sênh chia nhau.

Thế nhưng, trong một bài viết về “biến cố Đồng Tâm” vào hôm 4/2/2020, nhà văn Nguyên Ngọc cho rằng trong nhiều năm qua, cụ Lê Đình Kình đã kiên trì giữ cánh đồng Sênh mà cha ông đã khai thác, bồi bổ, xây dựng từ ngàn đời, và từ trước đến nay chưa hề có bất cứ lệnh thu hồi của nhà nước cho bất cứ mục đích gì.

Tuy nhiên, chính quyền Hà Nội cùng với một nhóm lợi ích đã không từ thủ đoạn nào để lấy đất của người dân Đồng Tâm. “Năm 2017, họ đã một lần lừa Cụ ra cánh đồng Sênh nhờ đo ranh giới đất rồi bất ngờ đá Cụ gãy chân, gây tàn tật suốt đời. Sau đó là liên tiếp những âm mưu lừa bịp, dụ dỗ, uy hiếp, đe dọa, thậm chí cho cả lưu manh len lỏi luồn sâu làm nội gián… không từ một thủ đoạn nào… Nhưng… Cụ Lê Đình Kình và các bậc cao niên cùng người dân vẫn đứng vững”, nhà văn viết.

“Ngày 9/1/2020, gần 3.000 quân thuộc lực lượng vũ trang chính quy, trang bị đầy đủ vũ khí hiện đại và các khí tài công nghệ tác chiến tiên tiến đã được huy động, bất ngờ tấn công vào thôn Hoành, lập tức bao vây khống chế tất cả các nhà trong làng bằng cách phun hơi cay, bắt bớ đánh đập tàn bạo tất cả trai gái già trẻ, nhằm không cho ai chi viện để tập trung đột kích vào nhà Cụ Lê Đình Kình và hai con trai Cụ, dùng vũ khí phá cửa nhà Cụ Kình, phun hơi cay, xông thẳng vào giường Cụ Kình, kéo vợ Cụ vất ra bên ngoài, đánh đập tra tấn Cụ máu me lênh láng khắp phòng, chĩa thẳng súng bắn đúng vào tim Cụ, vào đầu Cụ, bắn nát chân Cụ, ngoài ra còn một số vết đạn khác nữa.

… Họ còn bắn nát một tủ sắt và cướp đi một tủ gỗ mà trong đó Cụ Kình vẫn cất giữ chu đáo tất cả giấy tờ bản đồ chính thức về Đồng Tâm và riêng Đồng Sênh.

Theo lời thú nhận công khai của ba vị đại diện bộ công an, trong đó có cả Trung tướng Thứ trưởng Lương Tam Quang, tất cả vụ tấn công quy mô và giết người kinh hoàng ở thôn Hoành, Đồng Tâm được thực hiện mà không có bất cứ một văn bản mệnh lệnh có tính pháp lệnh phê chuẩn của Viện kiểm sát, không có lệnh khám xét bắt bớ của công an, không có lệnh tòa án hay của bất kỳ cơ quan pháp luật nhà nước nào hết.

Xác Cụ Kình,… sau đó không biết đã bị những kẻ giết Cụ mang đi đâu, bị mổ…không biết để lục tìm hay lấy đi những gì trong lục phủ ngũ tạng.

Hình ảnh thi thể cụ Kình sau khi được người nhà nhận từ cơ quan chức năng đã bị mổ và được khâu lại. (Ảnh cắt từ video)

Hôm sau người thân trong gia đình được gọi lên nhận lại xác Cụ với yêu cầu… phải ký xác nhận là Cụ chết trong khi xung đột với lực lượng cưỡng chế ở Đồng Sênh, cách thôn Hoành 3 km.

Một vụ án mạng đặc biệt nghiêm trọng đã diễn ra tại nhà Cụ Lê Đình Kình ở thôn Hoành, giữa thủ đô Hà Nội của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nạn nhân là đại lão gia Lê Đình Kình, đã bị các lực lượng vũ trang của chính quyền Việt Nam xử tử hình… không theo bất cứ quy định và trình tự pháp luật nào.

Cho đến hôm nay, mùng 4/2, nghĩa là gần một tháng sau sự vụ, chưa hay không hề thấy mảy may động thái của toàn bộ hệ thống tư pháp”.

Nhà văn Nguyên Ngọc cũng yêu cầu chính quyền Việt Nam cần lập tức ra lệnh khởi tố vụ án lớn giết cụ Lê Đình Kình một cách minh bạch, công khai, công bằng.

Hoàng Minh

Hoàng Minh

Published by
Hoàng Minh

Recent Posts

Đề xuất đưa vàng mã, túi nilon vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt

Theo ĐBQH Dương Minh Ánh, biện pháp tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với vàng…

27 phút ago

Giám đốc Sở KH&CN Quảng Ngãi bị kỷ luật khiển trách

Do có các sai phạm, khuyết điểm trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm…

1 giờ ago

Tổng thống Biden: Trát ICC đòi bắt Netanyahu là “thái quá”

Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…

2 giờ ago

Nước giải khát có đường dự kiến chịu thuế tiêu thụ đặc biệt 10%

Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…

4 giờ ago

Một huyện của tỉnh Quảng Nam công bố dịch bệnh chó dại

Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…

5 giờ ago

Hiện tượng hiếm: Nước biển dâng cao tràn vào nội thành tại nhiều tỉnh thành ở Trung Quốc

Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…

5 giờ ago