29 người dân Đồng Tâm bị truy tố: Cáo trạng còn nhiều mâu thuẫn
- Hoàng Minh
- •
Hôm 25/6, truyền thông nhà nước đưa tin VKSND Hà Nội đã ra cáo trạng truy tố 29 người liên quan đến “biến cố Đồng Tâm”. Nhưng trong cáo trạng còn nhiều mâu thuẫn.
Chính quyền Hà Nội cho biết đây là án điểm (vụ án trọng điểm) nên phiên tòa xét xử sẽ sớm được mở.
Trong 29 người, có 25 người bị truy tố về tội Giết người vì cho rằng đã gây ra cái chết đối với 3 công an. Bốn người còn lại bị truy tố về tội Chống người thi hành công vụ.
Tuy nhiên, cáo trạng từ VKSND Hà Nội còn nhiều điều mâu thuẫn.
Theo cáo trạng, khoảng 3h sáng hôm 9/1, khi công an triển khai lực lượng ở Đồng Tâm, thì bị các bị can dùng Facebook phát trực tiếp thông báo kêu gọi dân làng cùng chống đối. Nhóm đã dùng gạch đá, bom xăng, dao bầu tấn công lực lượng công an,… Tổ công tác đã nhiều lần dùng loa kêu gọi các bị can chấm dứt hành vi song sự chống đối càng quyết liệt,… Công an tại các địa điểm khác được điều động đến để ngăn chặn hành vi phạm tội, bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân,…
Về chi tiết này, báo RFA đã dẫn lời chị Nguyễn Thị Duyên (cháu dâu của cụ Lê Đình Kình) cho biết thời điểm xảy ra vụ án, người dân làng Đồng Tâm đang ngủ ngon, không có ai gây rối và cũng không ai cần được bảo vệ lúc đó cả.
“Họ nói lý do tấn công vào lúc nửa đêm là để cứu người dân kịp thời khỏi khủng bố. Nhưng thực tế là gia đình tôi đang ngủ rất ngon. Mà tất cả dân làng đang ngủ chứ không có hoành hành gì ở trong làng khiến họ phải bảo vệ lúc nửa đêm, để cứu người dân cả. Và chẳng có người dân nào cần họ phải cứu cả”, chị Duyên nói.
Tiếp theo, cáo trạng của VKSND cho rằng, tổ công tác phá khóa cửa ngách nhà cụ Kình thì phát hiện cụ đang cầm 1 quả lựu đạn và hô hào chống đối nên đã nổ súng 2 lần tiêu diệt,…
Với chi tiết này, chị Duyên cho hay trên thực tế, có rất nhiều vỏ đạn được tìm thấy trong nhà. Trên tường, trên cửa còn lưu lại rất nhiều dấu vết đạn bắn, chứ không phải công an chỉ nổ súng 2 phát. Hơn nữa việc công an mô tả việc cụ di chuyển trong phòng, trong nhà, đứng nép cửa ra vào phòng ngủ… là không đúng. Bởi vì, sức khỏe cụ rất yếu, phải ngồi xe lăn từ năm 2017 đến nay.
“Nói cụ đi tới đi lui và cầm dao để chọc vào tay chiến sĩ, thì tôi nhận định hoàn toàn là sai trái. Bởi vì, cụ hoàn toàn phải di chuyển bằng xe lăn chứ không đi lại được bình thường. Cụ di chuyển bằng xe lăn từ năm 2017, sau khi bị công an lừa ra ngoài cánh đồng và đánh gãy chân”, chị Duyên nói trên trang RFA.
VKSND Hà Nội còn miêu tả trong bản cáo trạng rằng 3 công an tên Thịnh, Huy và Quân đột kích vào nhà cụ Kình thì bị nhiều người ném bom xăng, gạch đá khiến cả 3 người rơi xuống hố sâu (giếng trời) 4 mét, tử vong do ngạt khí và cháy than hóa toàn thân.
Về chi tiết này, FB Trịnh Bá Phương hôm 12/6 trong một video quay lại hiện trường vụ việc nhận định, 3 viên cảnh sát bị thiêu chết dưới giếng trời là vô lý. Bởi, dưới đáy giếng trời các “cót ép” lót giữa hai bức tường (trong lúc xây bị lộ ra ngoài) vẫn còn nguyên, không bị cháy bởi nhiệt, vậy mà kết luận của cơ quan điều tra lại viết “3 cảnh sát bị thiêu cháy đến mức không nhận diện được, xương tay cháy hết, xương sọ bị nổ vì nhiệt”.
Hơn nữa, không thể tin cả 3 cảnh sát cùng rơi xuống hố này được, vì chỉ cần một người rơi xuống hố 4 mét sẽ phát ra tiếng động rất lớn, kèm tiếng la hét khiến những người sau dừng lại,…
Trước đó khoảng 20 ngày (hôm 5/6), Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Hà Nội đã đưa ra kết luận điều tra dài 47 trang gửi VKSND đề nghị truy tố 29 người trong vụ việc.
Đọc xong bản kết luận điều tra, Luật sư Ngô Anh Tuấn, người tham gia bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho người dân Đồng Tâm nhận xét trên trang cá nhân:
“Những người thuộc cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Hà Nội ngồi viết bản kết luận điều tra tuổi đời chỉ trên dưới 30, còn cụ Kình trên 80 tuổi. Hai bên cách nhau 2 thế hệ nhưng cách dùng từ trong văn bản này thể hiện thái độ… thiếu văn hoá khi mà họ xưng hô ngang với cụ Kình là Kình, Lê Đình Kình; không có từ nào là ông Kình hay đối tượng tình nghi Lê Đình Kình hay một từ ngữ khác tương tự như vậy.
Bản kết luận điều tra này cũng không khác gì “bản án” đã định sẵn cho người đã chết cũng như số phận pháp lý của 29 người còn lại đang bị giam giữ trong trại giam; nó đi ngược với nguyên tắc suy đoán vô tội của Bộ luật Hình sự Việt nam năm 2015.
Thêm hai chữ “ông, bà” phía trước tên của họ không làm giảm tính uy nghiêm, trịch thượng của người làm văn bản, cũng không làm cho sự việc xoay theo chiều hướng khác đi nhưng nó thể hiện thái độ có văn hoá của người viết ra nó”.
Hoàng Minh
Từ khóa Hà Nội biến cố Đồng Tâm
