Sau đợt áp dụng cách ly xã hội trên toàn quốc, ngày 22/4, Việt Nam chuyển hướng sang phòng ngừa theo tỉnh dựa trên phân loại (nguy cơ cao, nguy cơ và nguy cơ thấp) để tránh lây lan dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19). Tuy nhiên, việc đóng/mở các loại hình dịch vụ tùy thuộc vào quyết định của từng địa phương. Điều này dẫn tới tình trạng có nơi đông nghẹt người như chưa từng xảy ra dịch bệnh, nơi mở lại nhà hàng, khách sạn song cấm bãi biển, nơi đóng hoàn toàn… trong đợt nghỉ 30/4-1/5.
Lâm Đồng là nơi mở lại gần như hầu hết các hoạt động du lịch ngay sau khi yêu cầu cách ly thay đổi. Ngày 23/4, tỉnh Lâm Đồng thông báo cho phép các khu điểm du lịch, di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh được phép mở cửa đón khách. Chợ đêm Đà Lạt, nhà hàng, quán ăn, uống, các loại hình kinh doanh dịch vụ thiết yếu và không thiết yếu được mở cửa. Hoạt động lưu trú du lịch được đón khách bình thường, có yêu cầu du khách khai báo y tế, thực hiện phòng dịch.
Khu trung tâm du lịch – TP Đà Lạt có khoảng 70 khu điểm du lịch, gồm cả các điểm du lịch canh nông, tất cả đều đã mở cửa. Theo thống kê, chỉ trong 3 ngày cuối tuần sau thông báo trên (24 – 26/4), Đà Lạt đã đón gần 16.600 du khách đến tham quan nghỉ dưỡng, trong đó có 618 khách nước ngoài.
Trong đợt 30/4-1/5, khoảng 23.000 du khách (trong đó có 50 du khách nước ngoài) đã đăng ký đặt phòng khách sạn tại đây, bà Trần Thị Vũ Loan – Phó Chủ tịch UBND TP Đà Lạt cho hay. Khách du lịch đến Đà Lạt dịp này đến từ nhiều tỉnh, thành như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Thuận, các tỉnh miền Tây,… Trong chiều tối 30/4, trung tâm TP Đà Lạt đã xảy ra tình trạng kẹt xe nghiêm trọng do tất cả các hướng đổ về trung tâm thành phố đều ùn tắc kéo dài.
Mặc dù UBND TP Đà Lạt cho biết có khuyến cáo du khách đến Đà Lạt nghỉ mát không chủ quan, phải đeo khẩu trang ở nơi công cộng, tất cả du khách lưu trú phải khai báo y tế, phạt nặng các chủ cơ sở lưu trú không khai báo thiếu lượng khách…, những hình ảnh ghi nhận tại khu vực chợ đêm Đà Lạt tối 30/4 cho thấy các giải pháp trên là chưa đủ. Ngàn nghìn người chen vai tại khu vực chợ đêm cho thấy với mật độ tiếp xúc như trên, đeo khẩu trang chỉ là cách phòng ngừa bề mặt.
Tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, trong ngày 30/4, hơn 1.000 người thuộc lực lượng công an, biên phòng, trật tự đô thị… được huy động để chốt chặn, nhắc du khách đeo khẩu trang, không được tắm biển tại bãi biển Thùy Vân. Giải pháp kiểm soát “tốn nhân lực” này được thực hiện sau khi hàng nghìn người tập trung tắm biển, vui chơi tại các bãi biển Vũng Tàu trong hai ngày 25-26/4.
Trước đó, ngày 24/4, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ra công văn thông báo tiếp tục tạm dừng hoạt động như tắm biển, các cơ sở kinh doanh karaoke, quán bar, vũ trường, rạp chiếu phim, các điểm hát với nhau, trung tâm tiệc cưới; massage, cơ sở vật lý trị liệu; các điểm kinh doanh trò chơi điện tử (internet, game online, game offline)…
Đáng lưu ý, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tuy cấm tắm biển nhưng không yêu cầu đóng cửa khách sạn, nhà nghỉ. Ngoài ra, hàng loạt nhà hàng, quán ăn đã mở cửa trở lại. Việc du khách vẫn được đăng ký lưu trú, du lịch… có thể là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng khu vực bãi biển bị mất kiểm soát vào cuối tuần 25-26/4. Người dân địa phương cho hay khách đến các tỉnh, thành lân cận như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Phước, Bình Dương…
Cùng ngày 30/4, các điểm di tích, bảo tàng tại TP.Vũng Tàu đã hoạt động đón khách tham quan.
Tại Thanh Hóa, ngày 28/4, UBND tỉnh cho các khu di tích, danh lam, thắng cảnh, các khu du lịch biển mở cửa đón khách từ ngày 29/4, nhưng vẫn cấm tắm biển ở các bãi tắm công cộng (các bãi biển như Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa…) và không tổ chức lễ hội du lịch biển Sầm Sơn năm 2020. Các khu/điểm du lịch, nhà hàng, khách sạn được mở lại hoạt động.
Tuy nhiên, đến chiều 29/4, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành văn bản, giao cho các địa phương có biển tự quyết định việc có cho du khách tắm biển hay không. Trong ngày, UBND TP Sầm Sơn quyết định sẽ đón khách (cả ngoại tỉnh và nội tỉnh) đến biển Sầm Sơn từ ngày 30/4.
Nói về việc phòng ngừa dịch, Phó Chủ tịch UBND TP. Sầm Sơn (Thanh Hóa) – ông Bùi Quốc Đạt cho biết “các du khách phải giữ khoảng cách tối thiểu là 1m và không tập trung quá 20 người tại một chỗ”. Những hình ảnh ghi nhận tại bãi biển Sầm Sơn, Hải Tiến cho thấy quy định trên không thực tế.
Tại TP Hạ Long (Quảng Ninh), ngày 30/4-1/5, khu du lịch Bãi Cháy không một bóng người. Trước đó, Sở Du lịch Quảng Ninh đã thông báo các cơ sở lưu trú tiếp tục tạm dừng đón khách lưu trú du lịch từ ngày 24/4 đến hết ngày 3/5; khu di tích, bảo tàng, khách sạn, nhà hàng… hiện cũng chưa mở cửa.
Các hoạt động ở đây sẽ tiếp tục dừng đến hết ngày 3/5. Từ ngày 4/5, tỉnh Quảng Ninh sẽ bắt đầu đón khách du lịch trở lại. Xe liên tỉnh (xe khách tuyến cố định, xe hợp đồng, xe buýt) trở lại hoạt động bình thường với tần suất tối đa 50% so với trước, chở dưới 50% số ghế/chuyến. Tỉnh cho biết sẽ dừng ngay các hoạt động vận tải hành khách/hàng hóa đến từ/đi qua các địa phương trong trường hợp phát sinh được xác định là địa bàn có nguy cơ cao.
Cũng theo thông báo, từ ngày 4/5, các cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ gồm: bán buôn, bán lẻ, xổ số kiến thiết, khách sạn, cơ sở lưu trú, nhà hàng, quán ăn, quán cà phê, sân golf được hoạt động trở lại; các khu du lịch, điểm du lịch, công viên, các khu di tích, danh lam thắng cảnh, bảo tàng, thư viện được tiếp tục hoạt động. Các hoạt động kinh doanh lữ hành hoạt động bình thường trở lại.
***
Tính đến ngày 30/4, Việt Nam bước sang ngày thứ 14 không ghi nhận ca viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) mới. 10 ca được xác định dương tính trở lại sau khi bình phục, chưa ghi nhận ca lây nhiễm thứ phát và đang tiếp tục được tìm hiểu nguyên nhân.
News Zing, ngày 28/4/2020 dẫn bài phỏng vấn PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, cố vấn cao cấp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 quốc gia trong đó nhiều lần nhắc đến việc không được chủ quan. Ông Phu cho biết Việt Nam chưa có đỉnh dịch, nếu khống chế tốt thì sẽ không có đỉnh dịch. Tuy nhiên, điều kiện để công bố hết dịch là 28 ngày không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới, tính từ ngày trường hợp mắc bệnh gần nhất được cách ly tại cơ sở y tế.
“Nhiều người hay nhắc tới làn sóng thứ hai ở Singapore, được hiểu là hết dịch rồi lại bùng lại. Tôi nghĩ Việt Nam sẽ làm tốt được việc ngăn chặn, phát hiện, khoanh vùng, cách ly, dập dịch, nên khó có nguy cơ này. Sắp tới, chúng ta có thể có những ổ dịch nhưng sẽ không lớn, rải rác và sẽ kiểm soát được.
Tuy nhiên, người dân không nên chủ quan. Nếu không làm tốt, dịch sẽ bùng lên như các nước. Điển hình là Singapore bị vỡ trận, số mắc rất cao, từ một nước từng được đánh giá cao về chống dịch.” – PGS.TS Trần Đắc Phu nói.
Do đó, theo chuyên gia dịch tễ, người dân cần thực hiện triệt để 5 biện pháp: Đeo khẩu trang, tránh giao tiếp gần; Giãn cách xã hội, tránh tụ tập đông người; Hạn chế ra ngoài, nhất là những người già, người có bệnh lý nền; Khử khuẩn, rửa tay xà phòng, sát khuẩn; Khai báo y tế, đặc biết với những người có ho, sốt, triệu chứng nghi vấn hoặc có yếu tố dịch tễ.
“Tôi thấy những ngày gần đây người dân đã rất chủ quan khi đi tắm biển, ngồi ăn gần nhau. Người dân cứ cho rằng dịch đã hết, điều này rất đáng lo ngại.”, theo lời TS Phu.
Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…