Bên ngoài Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ, tại thủ đô Washington DC. Ảnh chụp ngày 7/4/2024. (Nguồn: Adam McCullough / Shutterstock)
Vào thứ Hai (ngày 21/7), Hạ viện Hoa Kỳ đã nhất trí thông qua bằng hình thức biểu quyết miệng “Dự luật Răn đe Xung đột Đài Loan năm 2025” (Taiwan Conflict Deterrence Act of 2025, H.R.1716), một dự luật mang tính lưỡng đảng. Dự luật này yêu cầu rằng, nếu Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phát động tấn công Đài Loan, Chính phủ Mỹ phải lập tức áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với các quan chức cấp cao của ĐCSTQ, đồng thời công khai tài sản tham nhũng và các giao dịch tài chính liên quan mà họ sở hữu tại Mỹ.
Dự luật do Chủ tịch Hội nghị Đảng Cộng hòa tại Hạ viện, bà Lisa McClain, cùng Dân biểu Đảng Dân chủ Brad Sherman, đề xuất vào tháng Hai năm nay.
Dự luật quy định Bộ Tài chính Hoa Kỳ phải áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế nghiêm khắc nếu ĐCSTQ phát động cuộc tấn công quân sự vào Đài Loan, và công bố tài sản phi pháp cũng như thông tin chi tiết về các quan chức cấp cao tham gia hành động tấn công. Các quan chức bị nhắm đến bao gồm: Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị ĐCSTQ, cũng như các thành viên Ủy ban Trung ương có liên quan đến công tác về Đài Loan.
Dự luật cũng yêu cầu Bộ Tài chính trình báo cáo lên Quốc hội, liệt kê chi tiết tài sản của các quan chức ĐCSTQ và những người liên quan tại Mỹ, bao gồm số lượng, loại hình, tên các tổ chức tài chính, đồng thời giải thích nguồn gốc hình thành tài sản, và đánh giá liệu có liên quan đến hành vi phi pháp hoặc tham nhũng hay không.
Ngoài ra, dự luật trao quyền cho Bộ trưởng Tài chính đóng băng các khoản tiền của quan chức ĐCSTQ tại các tổ chức tài chính ở Mỹ, đồng thời dịch tóm tắt báo cáo và một phần nội dung sang tiếng Trung, tiếng Anh và các ngôn ngữ khác để công bố trên trang web và mạng xã hội của Bộ Tài chính.
Dự luật cũng cấm các tổ chức tài chính Mỹ thực hiện các giao dịch tài chính lớn với thân nhân trực hệ của các quan chức bị liệt kê, như: chuyển tiền lớn, chuyển khoản, mua bán đầu tư, mua bất động sản, cổ phần công ty, cho vay tín dụng hay ký kết hợp đồng tài chính…
Mặc dù “Dự luật Răn đe Xung đột Đài Loan” phiên bản năm 2023 (H.R.554) đã được Hạ viện thông qua nhất trí vào ngày 9/9/2024, nhưng không được Thượng viện đưa vào chương trình nghị sự nên không thể hoàn tất quy trình lập pháp. Vì vậy, năm 2025, H.R.1716 được tái đề xuất nhằm tiếp tục thúc đẩy dự luật trở thành luật.
Phiên bản năm 2025 yêu cầu rõ ràng Bộ Tài chính phải báo cáo về nguồn gốc phi pháp hoặc tham nhũng của tài sản quan chức cấp cao của ĐCSTQ, đồng thời công bố các thông tin không mật ra toàn cầu, gia tăng tính minh bạch và ảnh hưởng quốc tế. Đặc biệt, phiên bản năm 2025 quy định phải công bố thông tin liên quan bằng tiếng Trung và tiếng Anh, giúp người dân Trung Quốc nhận thức rõ hành vi tham nhũng của tầng lớp lãnh đạo ĐCSTQ.
Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ vào tháng Ba năm nay đã công bố “Báo cáo về tài sản và hoạt động tham nhũng của lãnh đạo ĐCSTQ”. Báo cáo cho biết, dù có thông tin rằng sau khi lên nắm quyền năm 2012, ông Tập Cận Bình từng kêu gọi gia đình bán tài sản tại Mỹ, nhưng các chứng cứ từ nghiên cứu ngành cho thấy, đến năm 2024, gia đình Tập vẫn giữ nhiều lợi ích thương mại và đầu tư tài chính trị giá hàng triệu USD. Dù những khoản đầu tư này không trực tiếp đứng tên ông Tập, nhưng rất có thể do các trung gian đại diện cho ông ta kiểm soát.
Các phương tiện truyền thông đưa tin, vào thời điểm đó, gia đình các lãnh đạo cấp cao như gia đình ông Tập Cận Bình cũng đã tích lũy khối lượng lớn tài sản. Anh chị em, cháu trai, cháu gái và các cháu gái bên ngoại của ông Tập cũng nắm giữ tài sản đầu tư thương mại và bất động sản trị giá hơn 1 tỷ USD.
Tác giả của dự luật, bà McClain, nói: “Trước hành vi xâm lược ngày càng nghiêm trọng của Trung Quốc (ĐCSTQ), nước Mỹ không thể lơ là.” Bà nhấn mạnh, dự luật truyền tải một thông điệp rõ ràng và lưỡng đảng: “Nếu ĐCSTQ phát động chiến tranh với Đài Loan, họ sẽ phải trả giá. … Điều chúng tôi nói đến là các biện pháp trừng phạt thực chất đối với tầng lớp lãnh đạo tham nhũng của ĐCSTQ.”
“Hoạt động tài chính và các tài khoản ở nước ngoài của họ sẽ bị phanh phui và công khai, để người dân Trung Quốc thấy được sự thật.” Bà nói, “Chúng tôi không khiêu khích chiến tranh, mà đang nỗ lực ngăn chặn xung đột xảy ra.” Bà nhấn mạnh, hòa bình ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương có ý nghĩa then chốt với kinh tế và việc làm của Mỹ, do đó không thể làm ngơ trước khả năng ĐCSTQ hành động quân sự.
Trong tuyên bố của mình, bà nói: “Hôm nay, Quốc hội đã có một bước đi quan trọng nhằm bảo vệ hòa bình, bảo vệ dân chủ và ngăn chặn hành vi xâm lược đối với đồng minh của chúng ta là Đài Loan. ‘Dự luật Răn đe Xung đột Đài Loan’ gửi đi thông điệp rõ ràng đến ĐCSTQ: Nếu xâm lược Đài Loan, sẽ phải trả giá đắt ngay lập tức. Tôi tự hào khi là người đề xuất dự luật này, thể hiện quyết tâm của chúng ta trong việc bảo vệ hòa bình khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương bằng sức mạnh.”
Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện vào tháng Ba cũng đã thông qua dự luật này với toàn bộ 48 phiếu thuận.
Tuần trước, Hạ viện Hoa Kỳ vừa thông qua bản sửa đổi “Bản đồ trung thực” trong “Dự luật Ủy quyền Quốc phòng năm 2026” (NDAA), cấm Bộ Quốc phòng Mỹ sản xuất hoặc trưng bày bản đồ thể hiện Đài Loan là một phần của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Bản sửa đổi được thông qua bằng hình thức biểu quyết miệng vào ngày 17/7. Nội dung quy định rằng ngân sách liên bang không được sử dụng để “sản xuất, mua sắm và trưng bày các bản đồ mô tả Đài Loan, Kim Môn, Mã Tổ, Bành Hồ, Ô Khâu, Lục Đảo hay Lan Tự là một phần lãnh thổ của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.”
Dân biểu Tom Tiffany (Đảng Cộng hòa, bang Wisconsin), người đề xuất sửa đổi, đã chỉ trích chính sách “Một Trung Quốc” mà Mỹ theo đuổi từ những năm 1970. Ông nói: “Sửa đổi này yêu cầu bản đồ mà chúng ta sử dụng phải phản ánh một sự thật đơn giản: Trung Quốc là Trung Quốc, Đài Loan là Đài Loan.”
Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng hàng năm là văn bản phê chuẩn ngân sách quốc phòng và đặt ra các chính sách quốc phòng của Mỹ. Hạ viện do Đảng Cộng hòa kiểm soát đã thông qua phiên bản năm tài chính 2026 của đạo luật này vào ngày 18/7 với 221 phiếu thuận và 209 phiếu chống. Dự luật bao gồm khoản tài trợ 500 triệu USD cho “Sáng kiến Hợp tác An ninh Đài Loan” (TSCI), cho phép Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, với sự đồng thuận của Ngoại trưởng, hỗ trợ Đài Loan trong việc mua sắm thiết bị quốc phòng, dịch vụ, giáo dục và huấn luyện quân sự mới.
Thượng viện hiện vẫn đang xem xét phiên bản Dự luật Ủy quyền Quốc phòng năm tài chính 2026.
Theo quy trình lập pháp của Mỹ, để một dự luật trở thành luật, nó phải được cả Hạ viện và Thượng viện thông qua toàn thể, sau đó được Tổng thống ký ban hành.
Tổ chức, doanh nghiệp trả cổ tức, thưởng bằng chứng khoán phải khấu trừ thuế…
Một đạo luật lật úp cơ chế độc lập chống tham nhũng, nhưng lại được…
Nếu nghĩ rằng ngủ càng nhiều càng khiến cơ thể sảng khoái và tràn đầy…
Theo xu hướng đi lên của vàng thế giới, vàng trong nước điều chỉnh tăng…
Đê bối khu vực cống Cù Là, xã Hồng Vũ, tỉnh Hưng Yên (Thái Bình…
Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba hôm thứ Tư (23/7) đã phủ nhận việc ông…