Tỉnh Bình Thuận kiến nghị đưa dự án thủy điện La Ngâu (huyện Tánh Linh) ra khỏi quy hoạch điện đã duyệt để nhường chỗ xây hồ thủy lợi La Ngà 3. Theo báo cáo của Viện Quy hoạch thuỷ lợi miền Nam, việc xây hồ thủy lợi La Ngà 3 sẽ gây hậu quả nghiêm trọng, làm 250 ha đất lâm nghiệp (trong đó có 65ha rừng đặc dụng và 100ha rừng sản xuất) sẽ bị “xóa sổ”…
Bà Ngô Thị Thu Lý, Tổng Giám đốc công ty Cổ phần thủy điện La Ngâu cho biết dự án thủy điện La Ngâu nằm trong Quy hoạch điện VII của Chính phủ, được Bộ TN-MT phê duyệt đánh giá tác động môi trường và cấp giấy phép khai thác sử dụng nước mặt, được Bộ Công Thương ban hành quy trình vận hành hồ chứa.
Theo bà Lý, phía doanh nghiệp đã hoàn thành việc giải phóng mặt bằng và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 100% với tổng diện tích đất dự án hơn 300ha.
Thế nhưng, khi dự án đang được triển khai thì năm 2010 phải tạm dừng triển khai để giải quyết chồng lấn quy hoạch với dự án hồ thủy lợi La Ngà 3 nằm trong quy hoạch thủy lợi lưu vực sông La Ngà do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt vào năm 2006. Công trình thủy điện La Ngâu đã bị “treo” hơn 10 năm do chồng lấn quy hoạch.
“Đến nay doanh nghiệp đã bỏ hàng trăm tỷ đồng vào đầu tư dự án. Nếu dự án phải dừng hoạt động sẽ khiến doanh nghiệp thiệt hại rất lớn. Chúng tôi đã có nhiều văn bản kiến nghị tiếp tục triển khai dự án thủy điện La Ngâu”, bà Lý nói.
Phát triển thủy điện nhỏ: Lợi ít, hại nhiều, rừng tiêu điều, dân khốn khó
Trong văn bản vừa gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, giới chức tỉnh Bình Thuận kiến nghị ưu tiên xây dựng hồ thủy lợi La Ngà 3, xem xét điều chỉnh dự án thủy điện La Ngâu trong danh mục các công trình thủy điện tại dự thảo Quy hoạch điện VIII.
Cụ thể, thủy điện La Ngâu từ vị trí trong lòng hồ công trình thủy lợi hồ La Ngà 3 (sử dụng nguồn nước trực tiếp từ suối Đa Mi, xây dựng công trình để phát điện) sang vị trí sau công trình thủy lợi hồ La Ngà 3 (sử dụng nguồn nước thủy từ hồ La Ngà 3 để phát điện) với quy mô công suất từ 35-40 MW.
“Việc điều chỉnh vị trí quy hoạch nêu trên vừa tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh Bình Thuận, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình cấp có thẩm quyền sớm phê duyệt đầu tư dự án thủy lợi hồ La Ngà 3, triển khai thực hiện đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2021-2025, tránh việc chồng lấn quy hoạch phát triển điện và quy hoạch phát triển công trình thuỷ lợi…”, văn bản cho biết.
Cũng theo tỉnh Bình Thuận, khi triển khai xây dựng và đưa công trình thủy lợi hồ La Ngà 3 vào hoạt động, những công trình kiến trúc, xây dựng, nhà cửa… trong khu vực lòng hồ sẽ bị ngập, không tiếp tục hoạt động được và phải thực hiện di dời theo quy định; trong đó có công trình thủy điện La Ngâu sẽ bị ngập hoàn toàn trong lòng hồ.
Hiện tuabin phát điện của nhà máy thủy điện La Ngâu đặt tại cao trình khoảng +130m, trong khi mực nước dâng bình thường của hồ La Ngà 3 là +164,36m nên toàn bộ nhà máy nằm trong lòng hồ La Ngà 3.
Công trình hồ thủy lợi La Ngà 3 dùng ngân sách nhà nước với tổng chi phí gần 10.000 tỷ đồng.
Dự án có tổng diện tích là 6.600 ha, thiết kế dung tích 470 triệu m3 nước, có chức năng tưới cho 77.615 ha đất nông nghiệp khô hạn của Bình Thuận và Đồng Nai; cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất công nghiệp cho các huyện phía nam Bình Thuận và cung cấp nước sinh hoạt (trên 300.000 m3/ngày đêm) cho tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Nguồn nước xả sau hồ thủy lợi còn đủ để xây dựng nhà máy thủy điện công suất 34 MW.
Theo báo cáo đánh giá tác động ảnh hưởng của việc đầu tư xây dựng hồ La Ngà 3 được Viện Quy hoạch thuỷ lợi Miền Nam lập tháng 9/2017, ngoài những tác động tích cực là cấp nước cho Bình Thuận, tác động ảnh hưởng đến môi trường hạ du là rất lớn.
Theo đó, để thực hiện được dự án, tỉnh Bình Thuận cần di gần hơn 600 hộ với gần 3.000 người dân do diện tích bị ngập ảnh hưởng rơi vào khoảng 2.165ha.
Trong đó, xã Đồng Kho ngập 408,4 ha; xã Đức Bình ngập 212,2ha; xã La Dạ ngập 80,4 ha và xã La Ngâu ngập 1.464ha.
Cũng theo báo cáo của Viện Quy hoạch thuỷ lợi miền Nam, nếu làm dự án hồ La Ngà 3 sẽ gây hậu quả nghiêm trọng, làm 250 ha đất lâm nghiệp (trong đó có 65ha rừng đặc dụng và 100ha rừng sản xuất) sẽ bị “xóa sổ”.
Ngoài ra, khi xây dựng hồ La Ngà 3, nước của thượng lưu sông La Ngà (sông nhánh cấp 1 của sông Đồng Nai – tổng diện tích lưu vực khoảng 2.000km2) với tổng lượng dòng chảy/năm khoảng 2,4 tỷ m3 sẽ được chuyển sang lưu vực các sông, suối thuộc tỉnh Bình Thuận, không trả về lưu vực sông Đồng Nai.
Như vậy, dự án hồ La Ngà 3 sẽ ảnh hưởng đến việc khai thác, sử dụng nước của hạ du cũng như yêu cầu nước cho đẩy mặn, giảm ô nhiễm môi trường ở hạ nguồn sông Đồng Nai.
Theo tính toán, trên thượng nguồn sông Đồng Nai hiện có 2 công trình thủy điện thực hiện chuyển nước của sông Đồng Nai sang lưu vực khác, gồm Thủy điện Đa Nhim (chuyển khoảng 710 triệu m3); Thủy điện Đại Ninh (chuyển khoảng 952 triệu m3).
Nếu thực hiện dự án hồ La Ngà 3, tổng lượng nước của sông Đồng Nai chuyển sang lưu vực khác chiếm khoảng 12% tổng lượng dòng chảy trung bình năm của sông Đồng Nai.
Trong khi đó, sông Đồng Nai có vai trò quan trọng đối với 9 tỉnh, thành phố gồm: Lâm Đồng, Đắk Nông, Bình Dương, Bình Phước, Long An, Tây Ninh, Bình Thuận, Đồng Nai và TP.HCM.
Hoàng Minh
Xem thêm:
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…