Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng ngày 10/6 đã trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị bình luận về phát biểu của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 6/6 về hoạt động của nhóm tàu khảo sát Hướng Dương Hồng 10 (Xiang Yang Hong 10) của Trung Quốc.
Bà Hằng khẳng định: “Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa. Quy chế pháp lý của quần đảo Trường Sa cũng như các thực thể của quần đảo này đã được xác định rõ theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982”.
“Chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển của một quốc gia được xác lập phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 cũng như các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các nước ven biển, trong đó có Việt Nam phải được tôn trọng”.
“Đây chính là thể hiện tinh thần trách nhiệm, xây dựng và đóng góp thiết thực của các nước liên quan vào hòa bình, ổn định, hợp tác và thượng tôn pháp luật ở khu vực, trong đó có khu vực Biển Đông”, bà Hằng nói.
Trước đó, trong cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 6/6, trả lời câu hỏi của Reuters về lý do tàu khảo sát Hướng Dương Hồng 10 rời vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam vào đêm 5/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân nói nước này có quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với cái gọi là “vùng biển liên quan của quần đảo Nam Sa”. Nam Sa là cách Trung Quốc gọi quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Ông Vương Văn Bân cũng tuyên bố “không có việc tàu Trung Quốc tiến vào EEZ của nước khác” và khẳng định hoạt động của tàu Hướng Dương Hồng 10 và các tàu hộ tống là “chính đáng và hợp pháp”.
Tàu khảo sát Hướng Dương Hồng 10 của Trung Quốc và đoàn tàu hộ tống gồm tàu hải cảnh và dân quân biển đã rời vùng biển Việt Nam sau 28 ngày liên tục đi lại trong vùng nước này.
Liên quan đến việc tàu Hướng Dương Hồng 10 xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã ba lần lên tiếng phản đối Trung Quốc. Trong đó, ngày 25/5, bà Phạm Thu Hằng cho biết Việt Nam đã “giao thiệp nhiều lần với phía Trung Quốc”.
“Việt Nam yêu cầu các cơ quan liên quan phía Trung Quốc tuân thủ nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, chấm dứt ngay hoạt động xâm phạm, rút tàu Hướng Dương Hồng 10 và các tàu hải cảnh, tàu cá ra khỏi vùng biển Việt Nam, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, thực hiện nghiêm túc Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông, giữ gìn hòa bình, hợp tác và phát triển ở Biển Đông, đóng góp vào việc phát triển quan hệ hai nước”, bà Hằng nói.
Đội hình Phalanx gắn liền với những cuộc chinh phục của Alexander Đại Đế.
Phát biểu của bà Zakharova vào thứ Năm (21/11) mô tả Estonia và các quốc…
Xinh đẹp là một loại phúc báo, nhưng nhan sắc là yếu tố bên ngoài…
Nhà Hậu Trần giằng co cản bước quân Minh nam tiến sau khi Trương Phụ…
Ba vị đồ đệ trong Tây Du Ký có pháp danh lần lượt là Tôn…
Các sợi lông lỏng lẻo trên bề mặt vải có thể dễ dàng được loại…