“Tôi không có tư túi, lợi ích nhóm trong dự án BOT Cai Lậy, không bẻ cong sự thật. Còn phán quyết thế nào thì TTCP, KTNN, UBKTTƯ sắp tới công bố thanh tra sẽ biết”. Đây là giải thích của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khi báo chí đề cập tới trách nhiệm của ông trong việc ký quyết định tại dự án BOT Cai Lậy.
Chiều ngày 18/1, Bộ GTVT tổ chức buổi họp báo “Triển khai nhiệm vụ công tác năm 2018 của ngành giao thông vận tải và một số nội dung liên quan đến dự án BOT”.
Tại buổi họp báo, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết tại giai đoạn trước tháng 10/2017, khi chưa có nghị quyết của Quốc hội, Bộ vẫn thực hiện các dự án BOT trên tuyến đường có sẵn. Tuy nhiên, từ tháng 10/2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có nghị quyết nêu rõ sẽ không làm dự án BOT trên các tuyến đường cũ.
Gần đây, nhiều trạm đặt trên tuyến đường cũ khiến người dân, tài xế phản ứng, thậm chí có cả ý kiến phản ứng chưa hợp lý. “Việc phản ứng này là tất nhiên. Bởi khi triển khai thu giá đồng loạt các trạm vận hành, trạm thu phí BOT trải đều cả nước, một số khu vực mật độ cao, sức chịu đựng nền kinh tế bị ảnh hưởng nên người dân phản đối” – Bộ trưởng cho hay.
Cũng tại buổi họp báo, liên quan tới việc Chính phủ đề nghị Bộ GTVT trong một tháng phải đưa ra phương án giải quyết trạm BOT Cai Lậy, nhưng đến nay đã quá thời hạn mà vẫn chưa có giải pháp cụ thể nào – Bộ trưởng Thể lý giải dự án khi xử lý phải xem xét tổng thể, Bộ GTVT đã làm nghiêm túc việc này. Còn phương án nào thì hiện chưa thể cung cấp, vì chưa biết Thủ tướng quyết định phương án nào.
“Phương án thì có nhiều nhưng chúng tôi chưa biết Thủ tướng quyết phương án nào. Khi Thủ tướng quyết định Bộ sẽ có thông báo chính thức“, ông Thể nói.
Bên cạnh đó, trả lời câu hỏi báo chí về trách nhiệm của Bộ trưởng trong việc ký hợp đồng BOT Cai Lậy, Bộ trưởng khẳng định “Tôi không có tư túi, lợi ích nhóm trong dự án BOT Cai Lậy, không bẻ cong sự thật. Phán quyết như thế nào thì Kiểm toán, UBKTTƯ đã vào cuộc với toàn bộ các dự án BOT, trong đó có BOT Cai Lậy. Cơ quan chức năng sẽ công bố đúng sai“.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng cho rằng đa số dự án BOT do địa phương đề xuất, Bộ GTVT thấy phù hợp mới triển khai. Do đó, trách nhiệm của các địa phương là rất lớn, còn Bộ GTVT chịu trách nhiệm về mức đầu tư, phương án,…
“Dự án BOT có 7 bộ ngành chịu trách nhiệm. Một số dự án BOT nóng, không chỉ có trách nhiệm của Bộ GTVT mà trách nhiệm của cả địa phương vì các địa phương đã đồng ý. Với một số dự án địa phương đề xuất di dời trạm BOT, Bộ không đủ thẩm quyền vì chúng tôi cũng chỉ là một trong các bên nên sẽ báo cáo Chính phủ tính toán. Trách nhiệm như thế nào Chính phủ sẽ cho kết luận” – ông Thể nói.
Các điểm nóng BOT tiếp tục lan rộng
Cung cấp thông tin tại buổi họp báo, ông Trần Sơn Hà – Cục trưởng Cục CSGT đường bộ, đường thuỷ (Bộ Công an) cho biết 43/63 địa phương trong cả nước có trạm BOT. Hiện còn 24 dự án BOT có vấn đề về an ninh trật tự.
Theo báo cáo của Bộ GTVT, điểm nóng BOT đang lan rộng tại phía Nam bắt đầu từ Cai Lậy (Tiền Giang), Biên Hoà đến Sóc Trăng. Phản ứng cánh tài xế ngày càng dữ dội, kể cả trạm không đầu tư xây dựng tuyến tránh như Sông Phan, Ninh An, trạm phía Bắc Khánh Hòa,…
Bộ GTVT cũng thừa nhận việc lựa chọn vị trí đặt trạm và chính sách phí tại một số dự án còn bất cập, cũng như chất lượng dịch vụ kém, đường hư hỏng, xuống cấp không kịp thời sửa chữa.
“Việc các trạm BOT hiện nay trải đều, hàng chục trạm cùng hoạt động, vượt quá sức chịu đựng của nền kinh tế”, ông Thể lo ngại nếu vấn đề BOT tiếp tục nóng lên, sắp tới sẽ rất khó kêu gọi đầu tư vào dự án đường cao tốc Bắc – Nam.
Trần Tâm
Xem thêm:
Moskva đã bổ sung căn cứ phòng thủ tên lửa mới mở của Hoa Kỳ…
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…