Categories: Thời sựViệt Nam

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH: Vì làm thủ công nên “phát nhầm”, “nhận nhầm” tiền hỗ trợ COVID-19

Công bố 26.390 tỷ đồng đã được giải ngân, chi hỗ trợ cho 26,98 triệu lượt người và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19), Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) – ông Đào Ngọc Dung cho rằng do việc phát tiền hỗ trợ chủ yếu tiến hành thủ công nên xảy ra tình trạng “phát nhầm”, “nhận nhầm” ở một số địa phương. 

Chiều nay, 10/11, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung sẽ trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV. Trong báo cáo gửi Quốc hội trước đó, bộ này đưa ra những số liệu, nhận định xoay quanh vấn đề thực hiện các gói hỗ trợ cho người bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung. (Ảnh: quochoi.vn)

Giải ngân tới 26.390 tỷ đồng hỗ trợ nhưng chưa đầy 1% doanh nghiệp được vay vốn

Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, tính đến ngày 7/11, tổng kinh phí phê duyệt thực hiện Nghị quyết 68, Quyết định 23 trên toàn quốc về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 là 26.390 tỷ đồng (gói hỗ trợ dự kiến ban đầu là 26.000 tỷ đồng).

Trong 26,98 triệu lượt đối tượng được nhận hỗ trợ, có 377.225 lượt đơn vị sử dụng lao động (sau đây gọi chung là doanh nghiệp); 26,6 triệu lượt người lao động và các nhóm người khác được hỗ trợ.

Chính sách hỗ trợ bằng tiền mặt với kinh phí 20.280 tỷ đồng đã hỗ trợ cho 15,01 triệu đối tượng, chủ yếu cho 23 tỉnh thành phía Nam khi khu vực này chiếm tới 89,4% số đối tượng và 90,5% tổng kinh phí đã hỗ trợ.

Về việc hỗ trợ cho doanh nghiệp vay vốn, theo Bộ LĐ-TB&XH, Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân 745,9 tỷ đồng, hỗ trợ 1.433 lượt doanh nghiệp để trả lương cho 208.352 lượt người lao động. Báo cáo cho hay một số tỉnh thành có tổng kinh phí giải ngân cao trong gói này là Bắc Giang, Bắc Ninh, TP.HCM, Hà Nội, Cần Thơ, Hưng Yên, Đồng Nai, Bình Định…

Tuy nhiên, cần lưu ý, gói hỗ trợ cho doanh nghiệp vay 0% lãi suất để trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất có quy mô 7.500 tỷ đồng [nằm trong gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng – chú thích], được triển khai từ đầu tháng 7/2021. Theo đó, mức giải ngân 745,9 tỷ đồng mới chỉ đạt chưa đầy 1%, dù đầu tháng 10 vừa qua, điều kiện để doanh nghiệp được vay hỗ trợ đã được “nới lỏng”, theo quyết định bỏ yêu cầu “doanh nghiệp phải không có nợ xấu” do Thủ tướng Lê Minh Khái ký ban hành.

“Phát nhầm”, “nhận nhầm” do việc chi trả chủ yếu làm thủ công

Tại báo cáo gửi Quốc hội, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho hay do diễn biến của dịch bệnh rất phức tạp, nhất là các địa phương thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội, số người cần được hỗ trợ quá lớn, đến hàng chục triệu người cùng một thời điểm, nên việc triển khai gói hỗ trợ gặp rất nhiều khó khăn. Một số đơn vị còn cứng nhắc, yêu cầu thủ tục rườm rà khi chi hỗ trợ.

Giải thích về tình trạng “phát nhầm”, “nhận nhầm” tiền ở một số địa phương, ông Dung cho hay là do phương thức quản lý thủ công nên dẫn đến sai sót.

“Ở nhiều địa phương vẫn chủ yếu tiến hành thủ công, chưa quan tâm đúng mức sử dụng cơ sở dữ liệu, ứng dụng công nghệ thông tin vào chi trả hỗ trợ, nên tình trạng “phát nhầm”, “nhận nhầm” xảy ra ở một số địa phương”, theo nội dung báo cáo.

Bộ này thừa nhận việc làm thủ tục hồ sơ khó khăn, trong khi người lao động không đi lại được để hoàn thiện thủ tục, nên gây ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ chi hỗ trợ.

Ngoài ra, Bộ LĐ-TB&XH nhận định một số chính sách được quy định tại Nghị quyết 68 và Quyết định 23 “vẫn chưa thực sự phù hợp với thực tiễn (do quy định pháp luật), không hấp dẫn và người sử dụng lao động khó tiếp cận, hiệu quả hỗ trợ thấp, như: chính sách cho doanh nghiệp vay trả lương và phục hồi sản xuất từ nguồn tái cấp vốn qua Ngân hàng Chính sách xã hội; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo và đào tạo lại từ quỹ Bảo hiểm thất nghiệp”. 

Về các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, sớm chi tiền hỗ trợ, Bộ LĐ-TB&XH cho biết đã trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 126 sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 68 và trình Thủ tướng ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 23 theo hướng: mở rộng đối tượng thụ hưởng, tiếp tục đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục xác nhận, phê duyệt để người sử dụng lao động và người lao động được hỗ trợ kịp thời, đặc biệt là chính sách cho vay trả lương từ Ngân hàng Chính sách xã hội.

Trước mắt, bộ này lập 12 đoàn kiểm tra tại 33 tỉnh, thành phố, đôn đốc triển khai giám sát, đánh giá việc rà soát, lập danh sách, phê duyệt và hỗ trợ; kiến nghị xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Bộ này đề nghị các tỉnh thành nhanh lập danh sách, phê duyệt và hỗ trợ, nhất là hỗ trợ tiền mặt cho các nhóm chưa được hỗ trợ, trong đó tiếp nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ của người lao động qua bưu chính, Cổng dịch vụ công quốc gia, trực tiếp, trực tuyến, email,… và linh hoạt trong việc giảm thời gian giải quyết hồ sơ.

Đối với công việc ngang bộ, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị Bộ Tài chính cấp kinh phí kịp thời và hướng dẫn các tỉnh thành chuẩn bị kinh phí để chi trả sớm cho các nhóm hỗ trợ đã được phê duyệt danh sách, tránh tình trạng người dân chờ đợi, dẫn tới bức xúc, phản ánh thông tin trên báo chí, mạng xã hội…

Khoảng 1,3 triệu lao động ‘tháo chạy’ về quê

Bộ LĐ-TB&XH cho hay thống kê từ báo cáo của các địa phương, có khoảng 1,3 triệu lao động từ TP.HCM và các tỉnh trọng điểm phía Nam trở về các địa phương (chiếm khoảng 60% số người dân di chuyển, trong đó khoảng 292.000 người về từ TP.HCM và 450.000 người trở về từ một số tỉnh trọng điểm phía nam).

Một số tỉnh có số lao động lớn trở về là Thanh Hóa (160.000 người), Sóc Trăng (99.700 người), Nghệ An (75.800 người); Đắc Lắc (75.000 người), Cà Mau (58.700 người), An Giang (52.000 người, Hà Tĩnh (36.000 người), Kiên Giang (32.000 người), Hậu Giang (20 nghìn người),…

Bộ LĐ-TB&XH nhận định trong các dòng lao động dịch chuyển, có một bộ phận trong khu công nghiệp, còn lại chủ yếu là lực lượng lao động làm việc ở các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp và lao động tự do về các tỉnh vùng ĐBSCL, Tây Nguyên, miền Trung và các tỉnh phía bắc.

Bộ này đưa ra các giải pháp để người lao động quay lại nơi làm việc, gồm: tiêm phủ 2 mũi vắc-xin COVID-19, kết nối cung – cầu lao động, hỗ trợ tài chính, ổn định cuộc sống, tạo sinh kế cho người lao động tìm việc làm. Các chính sách hỗ trợ giảm chi phí như: giảm giá điện, nước, cước viễn thông, giá nhà trọ, hỗ trợ tiền phòng, tiền quay trở lại nơi làm việc…

Minh Sơn

Xem thêm:

Minh Sơn

Published by
Minh Sơn

Recent Posts

Thượng nghị sĩ Mike Rounds giới thiệu dự luật xóa bỏ Bộ Giáo dục Hoa Kỳ

Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Rounds đại diện tiểu bang Nam Dakota đã…

31 phút ago

Bộ Tài chính Mỹ nhắm mục tiêu vào Gazprombank của Nga với các lệnh trừng phạt mới

Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới…

47 phút ago

Một trường tiểu học tồn hơn 185,5 triệu đồng tiền “nước uống” của học sinh

Với mức thu từ 18.000-20.000 đồng/tháng, số tiền thu hộ, chi hộ "nước uống của…

56 phút ago

Tổng thống Zelensky thừa nhận Ukraine không thể giành lại Crimea bằng vũ lực

Tổng thống Ukraine Zelensky đã thừa nhận rằng Kiev không có khả năng thực hiện…

1 giờ ago

Nga thông báo mục tiêu tấn công “ưu tiên” mới ở Ba Lan

Moskva đã bổ sung căn cứ phòng thủ tên lửa mới mở của Hoa Kỳ…

1 giờ ago

Nhật Bản phát lệnh bắt cậu bé 14 tuổi người Trung Quốc vẽ bậy tại Đền Yasukuni

Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…

2 giờ ago