Bộ trưởng TT&TT Trương Minh Tuấn đã giao các bên liên quan công bố các kênh có nội dung sạch và các kênh có nội dung xấu độc trên YouTube.
Ngày 3/4/2018, phát biểu tại Hội nghị giao ban quản lý Nhà nước Quý I/2018 của Bộ TT&TT, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã giao cho các bên liên quan công bố các kênh có nội dung sạch và các kênh có nội dung xấu độc trên YouTube.
“Trước đây, Bộ TT&TT đã làm việc với YouTube về việc lập danh sách “đen” và danh sách “trắng” trên YouTube, nay cần tiếp tục làm việc với họ để sớm có giải pháp thực hiện. Công tác hậu kiểm thông tin, xử lý các thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam, phối hợp với các nhà cung cấp nước ngoài, phối hợp với Google và Facebook đánh giá kết quả xử lý vi phạm pháp luật Việt Nam trên mạng xã hội cần phải làm sớm”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ TT&TT cũng khuyến khích những tổ chức, cá nhân muốn làm ăn đàng hoàng thì cần đăng ký với Bộ. Theo Bộ TT&TT, hiện tại Việt Nam có nhiều đội ngũ phát triển nội dung trên YouTube, kiếm được nhiều tiền, doanh thu của một nhóm sản xuất nội dung có khi lên tới vài triệu USD nhưng họ không phải đóng thuế và không tuân thủ pháp luật.
Theo lãnh đạo Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT), có một số nhóm phát triển nội dung có sai phạm. Sau khi làm việc với Cục, các nhóm này mong muốn được hoạt động nghiêm túc để kiếm tiền, sẵn sàng tuân thủ pháp luật. Do đó, việc lập ra danh sách kênh sạch cho các nhà phát triển nội dung tự nguyện đăng ký với Bộ TT&TT là cần thiết để tránh việc các nhãn hàng quảng cáo trên các kênh xấu độc. Cục PTTH&TTĐT tin tưởng đây là giải pháp hiệu quả phòng chống thông tin xấu độc, giúp nhà nước thu thuế được từ những người làm nội dung trên YouTube.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng yêu cầu PTTH&TTĐT tăng cường theo dõi, kiểm tra, giám sát việc hoạt động, cung cấp và sử dụng thông tin trên mạng, đặc biệt là công tác hậu kiểm; thực hiện các biện pháp xử lý thông tin không phù hợp với pháp luật Việt Nam được đăng tải bởi các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài; đồng thời phối hợp với các Bộ, ngành xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trên mạng xã hội.
Trước đó vào tháng 11/2017, trong phiên đăng ký chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã khẳng định tại Việt Nam “không có chế độ kiểm duyệt báo chí,” nhưng không được lợi dụng quyền tự do báo chí để xuyên tạc, đưa tin sai sự thật.
Liên quan đến an ninh và an toàn thông tin trên mạng, ngày 4/4/2018, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật An ninh mạng, theo đó sẽ không quy định nội dung “yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài phải đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam” trong dự thảo luật để bảo đảm tính khả thi và thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ vào Việt Nam.
Tuy nhiên, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vẫn đề nghị giữ nội dung yêu cầu đặt cơ quan đại diện và lưu trữ dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam. Theo thống kê của Bộ Công an, tính đến tháng 1/2018, Google đã thuê 1.781 máy chủ, Facebook đã thuê 441 máy chủ của các doanh nghiệp Việt Nam để lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam.
Tuấn Minh (t/h)
Xem thêm:
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…
Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…