Bộ VH-TT&DL đề xuất xây dựng chính sách đối với viên chức lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn thuộc “Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm” được xem xét về hưu sớm theo nguyện vọng.
Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng vừa có báo cáo gửi đại biểu Quốc hội trước phiên chất vấn kỳ họp 7, Quốc hội khoá XV.
Ông Hùng cho biết đặc thù nghệ sĩ, diễn viên được đào tạo trong 7-12 năm, một số bộ môn 15-16 năm. Tuổi đào tạo nghề từ 10 tuổi và phải có năng khiếu. Trong khi đó, thời gian hoạt động biểu diễn bình quân 15-20 năm.
Vì vậy, nữ nghệ sĩ 35-40 tuổi và với nam là 40-45 tuổi, hầu như bị suy giảm khả năng biểu diễn, hoạt động chuyên môn. Việc này dẫn đến thực trạng người làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật “hết tuổi nghề nhưng chưa đủ tuổi hưu”, khó khăn trong chuyển đổi vị trí việc làm.
Theo ông Hùng, đa số những người này không đáp ứng tiêu chuẩn thi, xét tuyển công chức, viên chức nên không thể đảm đương vị trí quản lý, hành chính. Các nghệ sĩ này mong được giải quyết chế độ để nghỉ hưu sớm. Tuy nhiên, quy định hiện hành chỉ cho phép họ nghỉ sớm hơn không quá 5 năm so với quy định (60 tuổi với nam và 55 tuổi với nữ).
Do đó, Bộ đề xuất đưa viên chức lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn vào “Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm”.
“Điều này giúp họ được xem xét về hưu sớm theo nguyện vọng khi đã tham gia Bảo hiểm xã hội đủ 20 năm”, ông Hùng nói. Mức hưởng lương hưu sẽ theo tỷ lệ đóng bảo hiểm.
Bộ cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về chế độ phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp; bồi dưỡng luyện tập, biểu diễn cho viên chức, người lao động lĩnh vực nghệ thuật phù hợp với thực tiễn.
Theo chế độ tiền lương hiện nay, phần lớn viên chức có chức danh nghề nghiệp diễn viên hạng 4 có hệ số lương 1,86-4,06 tương đương 3,35-7,3 triệu đồng. Diễn viên hạng 3 là 2,34-4,98 tương đương 4,2-8,96 triệu đồng. Qua khảo sát, viên chức lĩnh vực nghệ thuật có thâm niên công tác 10 năm (trung bình ở độ tuổi 35) thực nhận chỉ 5 triệu đồng, nhỉnh hơn mức lương tối thiểu vùng (4,68 triệu).
Người lao động vừa được bổ nhiệm vào viên chức, ngạch diễn viên (trung bình ở độ tuổi 25) còn khó khăn hơn. Họ hưởng hệ số lương trung cấp của viên chức loại B bậc 1 là 1,86. Sau trừ 10,5% bảo hiểm xã hội thì thu nhập có nguồn gốc từ lương mà viên chức được nhận chỉ trên dưới 3 triệu đồng, không đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, ăn, ở và đi lại.
Bộ cho biết chế độ bồi dưỡng luyện tập hiện nay của diễn viên là 35.000-80.000 đồng/buổi tập; chế độ biểu diễn là 80.000-200.000 đồng/buổi. Chế độ này đã có tuổi đời gần 10 năm, sau 6 lần tăng lương cơ sở, mức bồi dưỡng vẫn giữ nguyên, không theo kịp nhu cầu của cuộc sống. “Mức bồi dưỡng hiện hành không khích lệ, động viên được viên chức, người lao động chuyên môn trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn”, báo cáo nêu.
Theo Thông tư 11/2020 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm là các công việc có yếu tố gây hại, tổn thương đến sức khỏe, tinh thần hoặc có nguy cơ cao. Thông tư này quy định 1.838 nghề, công việc có yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và chia thành 31 lĩnh vực khác nhau.
Một số lĩnh vực có tên trong danh mục như khai thác khoáng sản; cơ khí, luyện kim; hóa chất; vận tải; điện; bưu chính viễn thông; sản xuất xi măng; sành sứ, thủy tinh, nhựa tạp phẩm, giấy, gỗ; da giày, dệt may. Ngoài ra, phát thanh, truyền hình; y tế và dược; địa chất; vệ sinh môi trường; khí tượng thủy văn; thể dục thể thao, văn hóa thông tin; du lịch; ngân hàng; thủy sản; dầu khí; giáo dục đào tạo; hải quan cũng thuộc danh mục này.
Mỹ sẽ xem xét việc điều chỉnh chiến lược răn đe hạt nhân của nước…
Thượng nghị sĩ Lindsey Graham cho biết Ukraine có khoáng sản đất hiếm trị giá…
Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa được thành lập để tiếp nhận nguồn viện…
Chứng khoán có dấu hiệu hồi phục nhưng thanh khoản vẫn duy trì ở mức…
Bắc Kinh đang chuẩn bị trở thành nước nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân uranium…
Vì đại diện và biện hộ cho nhiều người tập Pháp Luân Công, ông Vương…