Bộ Y tế đề xuất phạt tiền từ 1 triệu đến 2 triệu đồng đối với hành vi chứa chấp, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng; phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định trên đối với hành vi tái phạm.
Bộ Y tế đang dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Theo đó, Bộ Y tế đề xuất phạt tiền từ 1 – 2 triệu đồng đối với hành vi chứa chấp, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Đồng thời, phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định trên đối với hành vi tái phạm.
Ngoài ra, người vi phạm còn chịu hình thức xử phạt bổ sung bao gồm tịch thu thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đối với các hành vi vi phạm quy định trên.
Theo Bộ Y tế, biện pháp khắc phục hậu quả bao gồm buộc tiêu hủy thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng; gửi thông báo xử phạt vi phạm hành chính tới cơ quan, tổ chức người vi phạm làm việc, học tập để cơ quan, tổ chức đó xử lý theo quy định, nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức.
Theo Bộ Y tế, thuốc lá điện tử bao gồm thiết bị điện tử và dung dịch thuốc lá điện tử, được làm nóng khi dùng để tạo ra khí hơi cho người dùng hít vào; có bề ngoài giống sản phẩm thuốc lá điếu hoặc các hình dạng khác, bao gồm loại chứa nicotine hoặc không chứa nicotine, được thiết kế để có thể dùng một lần hoặc tái nạp dung dịch thuốc lá điện tử để dùng nhiều lần.
Thuốc lá nung nóng bao gồm thiết bị điện tử và sản phẩm chứa sợi thuốc lá, bột thuốc lá hoặc các chất liệu khác tẩm nicotine có hình dạng điếu thuốc lá, dạng viên nang hoặc các dạng khác; không đốt cháy trực tiếp như đối với thuốc lá điếu để tạo ra các khí hơi; bao gồm cả sản phẩm lai có chứa dung dịch thuốc lá điện tử.
GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết Việt Nam đang đối mặt với sự gia tăng người sử dụng thuốc lá mới, chủ yếu là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, đặc biệt là trong giới trẻ.
Năm 2019, khoảng 2,6% học sinh Việt Nam từ 13 – 17 tuổi sử dụng thuốc lá điện tử thì năm 2023 kết quả điều tra tại 11 tỉnh, thành đã tăng lên 8,1%… Điều này dẫn đến gánh nặng bệnh không lây nhiễm bao gồm các bệnh chính là tim mạch, ung thư, đái tháo đường, bệnh phổi mạn tính… đang gia tăng nhanh chóng, chiếm tới 81% nguyên nhân tử vong và 73% tổng gánh nặng bệnh tật.
Hút thuốc lá chủ động và thụ động là yếu tố nguy cơ đứng thứ hai gây tử vong và bệnh tật. Ước tính năm 2022, thiệt hại kinh tế đối với xã hội do hút thuốc lá chủ động và thụ động gồm chi phí khám chữa bệnh, tổn thất năng suất lao động do mắc bệnh và tử vong sớm bởi hút thuốc lá chiếm 1,14% GDP (tương đương 108,7 nghìn tỷ đồng). Chi phí này cao gấp 5 lần so với nguồn thu từ thuế thuốc lá mang lại.
Từ ngày 1/1/2025, Việt Nam cấm việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc lá điện tử. Với quyết định này, Việt Nam trở thành quốc gia thứ 6 trong khu vực ASEAN thực hiện chính sách cấm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng, cùng với Brunei, Campuchia, Lào, Singapore và Thái Lan.
Ông Trump dự định sẽ triển khai hành động "thần tốc" nhằm nhanh chóng trục…
Trong “Lễ ký. Đại học” có câu rằng: “Đức giả, bổn dã; tài giả, mạt…
Đầu thế kỷ 20, mặc dù là nước thuộc địa, người Việt vẫn có sản…
Vua Lý Nhân Tông là vị Vua mang đến nhiều điềm lành nhất trong sử…
“Không còn cách nào khác, chúng ta phải vi phạm vì lợi ích lớn hơn,…
Tu dưỡng và tôn quý của một người không thể hiện ở những việc lớn…