Sau 2 năm dừng hoạt động, BOT Cai Lậy – điểm nóng BOT năm 2017 được giới hữu trách công bố sẽ hoạt động trở lại vào đầu năm 2021, sau khi trạm thu phí thứ 2 trên tuyến tránh hoàn thành.
Sở GTVT tỉnh Tiền Giang ngày 23/1 cho biết trạm thu phí trên tuyến tránh đang được xây dựng để để cùng thu phí hoàn vốn cho Dự án đầu tư xây dựng công trình Quốc lộ 1 đoạn tránh thị xã Cai Lậy và nâng cấp đoạn Quốc lộ 1 đoạn Km1987+560 – Km2014+000 theo hình thức hợp đồng BOT (thường gọi BOT Cai Lậy).
Việc xây trạm thu phí này do Bộ GTVT chấp thuận hôm 26/2/2020. Sau khi hoàn thành, việc thu phí phương tiện lưu thông sẽ tiến hành song song cùng với trạm thu phí hiện hữu trên quốc lộ 1.
Hiện việc xây dựng trạm thu phí trên tuyến tránh đã được khoảng 60% khối lượng công việc. Dự kiến cả 2 trạm BOT Cai Lậy sẽ thu phí ngay trong quý 1/2021 sau khi trạm thu phí mới hoàn thành xây dựng, lắp đặt thiết bị, công nghệ và các thủ tục pháp lý liên quan.
Xe đi qua hai đường sẽ được phân luồng theo quyết định trước đó của Tổng cục đường bộ Việt Nam. Cụ thể, xe từ 29 ghế ngồi và xe từ 3 trục trở lên phải đi vào tuyến tránh, nhằm chia sẻ lưu lượng và tránh gây ùn tắc và ô nhiễm khi xe tập trung đi vào một đường.
Dự án BOT Cai Lậy gồm hai hạng mục là xây mới tuyến tránh thị xã Cai Lậy và sửa mặt đường quốc lộ 1 (tỉnh Tiền Giang), tổng mức đầu tư 1.398,18 tỷ đồng. Dự án được khởi công năm 2014 và hoàn thành năm 2017, bắt đầu thu phí hoàn vốn từ ngày 1/8/2017.
Tuy nhiên, việc trạm thu phí được đặt trên đường quốc lộ gây nên phản ứng dữ dội khi dân chúng cho rằng đã đóng phí bảo trì đường bộ, không đi đường đầu tư BOT nên không phải nộp tiền phí BOT, chưa kể mức phí quá cao (thấp nhất là 35.000 đồng/lượt cho 12 km đường tránh).
Làn sóng tài xế phản đối bằng cách dùng tiền lẻ mua vé nhanh chóng lan rộng ra nhiều trạm BOT bị coi là bất hợp lý trên cả nước. Trạm BOT Cai Lậy phải dừng thu phí từ tháng 12/2017 đến nay.
Sau hai năm đình trệ, tháng 10/2019, Sở GTVT tỉnh Tiền Giang công bố sẽ xây dựng thêm trạm thu phí mới trên tuyến tránh Cai Lậy và thực hiện thu phí đồng thời cả hai trạm, trạm nào hoàn vốn xong sẽ dỡ trạm đó, tức về lý thuyết, doanh thu ghi nhận ở trạm nào sẽ sử dụng để quyết toán hoàn vốn cho hợp phần đầu tư ở trạm đó.
Bộ GTVT cho biết phần vốn đầu tư dự án sau khi tính toán lại (có cập nhật kết luận của thanh tra, kiểm toán) là 1.380 tỷ đồng. Trong đó, tuyến tránh có vốn đầu tư hơn 680 tỷ đồng và phần sửa mặt đường quốc lộ 1 là hơn 379 tỷ đồng; xây trạm thu phí trên quốc lộ 1 là trên 100 tỉ đồng và 219 tỷ đồng giải phóng mặt bằng.
Hiện chi phí xây dựng trạm thu phí trên tuyến tránh cũng như mức thu phí tại mỗi trạm chưa được công bố. Tuy nhiên, ý kiến công luận cho rằng nếu không công khai, minh bạch khoản thu thì ngay cả khi phân ra hai trạm thu phí theo loại đường sử dụng, rất có thể xảy ra sự phản ứng như đã từng diễn ra.
Nguyễn Sơn
Xem thêm:
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…
Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…
Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…
Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…
Đề xuất của Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu Google phải bán trình duyệt Chrome…