Trong khi các Hiệp hội và doanh nghiệp tham gia kinh doanh vận tải đề xuất giảm phí BOT thì Bộ GTVT lại kiến nghị Thủ tướng tăng phí.

thu phi BOT
Trạm thu phí BOT Mỹ Lộc. (Ảnh: vetc.com.vn)

Bộ GTVT vừa có công văn gửi Thủ tướng đề xuất biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp BOT.

Theo công văn, Bộ GTVT cho biết qua tổng hợp số liệu thống kê các doanh nghiệp BOT báo cáo (cập nhật đến hết ngày 22/4/2020), có 58/60 dự án doanh thu thực tế thấp hơn so với doanh thu dự báo trong phương án tài chính của hợp đồng BOT, trong đó 17 dự án doanh thu thực tế chưa đạt 50% so với dự báo.

Lý do là từ đầu năm 2020, lưu lượng xe giảm mạnh do ảnh hưởng dịch viêm phổi Vũ Hán và yêu cầu giãn cách xã hội.

Theo đó, Bộ GTVT báo cáo Chính phủ 2 phương án điều chỉnh mức phí sử dụng đường bộ của các dự án BOT.

Phương án 1 là cho phép tăng phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hợp đồng dự án.

Phương án 2 là giữ nguyên mức phí như hiện tại, chỉ thực hiện tăng phí theo lộ trình đã ký trong hợp đồng dự án từ năm 2022. Đổi lại, Nhà nước bố trí khoảng 5.080 tỷ đồng hỗ trợ các dự án do chưa được tăng giá theo hợp đồng BOT đã ký.

Trong hai phương án trên, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng xem xét, chấp thuận phương án 1 vì có nhiều ưu điểm hơn và không phải bố trí ngân sách Nhà nước.

Trước đó, Hiệp hội Taxi TP.HCM và Hiệp hội Vận tải TP. Hà Nội đề xuất Bộ GTVT giảm phí BOT 3%-5% đối với các phương tiện chở hàng từ 5 tấn trở lên và các phương tiện chở khách từ 16 chỗ trở lên để giảm chi phí vận tải trong bối cảnh dịch viêm phổi Vũ Hán diễn biến phức tạp.

Trả lời, Bộ GTVT cho rằng chi phí của các phương tiện vận tải qua trạm thu phí BOT là mức giá được tính toán trong phương án tài chính của hợp đồng dự án.

Thời gian qua, các doanh nghiệp BOT đã gặp nhiều khó khăn do phải giảm phí cho một số loại phương tiện và chưa được tăng phí theo lộ trình trong hợp đồng dự án. Do ảnh hưởng dịch viêm phổi Vũ Hán, lượng xe tiếp tục giảm dẫn đến doanh thu các trạm BOT càng thấp.

Trong khi đó, các ngân hàng đang yêu cầu doanh nghiệp BOT huy động vốn bổ sung cho phần doanh thu thiếu hụt để tránh nguy cơ phải tái cơ cấu nợ, chuyển nhóm nợ.

Do đó, Bộ GTVT đề nghị các doanh nghiệp vận tải chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp BOT. Trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ tiếp tục nghiên cứu và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giảm các loại phí do Nhà nước quản lý để giảm chi phí vận tải, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong và sau dịch viêm phổi Vũ Hán.

Liên quan đến trạm BOT, chiều ngày 8/5, TAND huyện Sóc Sơn (Hà Nội) đã tuyên phạt Đặng Thị Huệ (còn gọi là Huệ Như) và Bùi Mạnh Tiến 33 tháng tù giam với cáo buộc “Gây rối trật tự công cộng”.

Huệ Như bị bắt giam từ tháng 10/2019 vì phản đối việc thu phí tại BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài do công ty cổ phần BOT Vietracimex 8 làm chủ đầu tư, vì trạm này đặt sai vị trí, thu phí sai quy định (đặt tại Hà Nội nhưng lại thu phí cho tuyến đường tránh tại tỉnh Vĩnh Phúc); phản đối trạm BOT Tân Đệ, BOT Mỹ Lộc,… cũng vì đặt sai vị trí, thu phí không đúng,…

Ngoài Huệ Như, năm 2019, nhiều tài xế cũng bị bắt tạm giam vì phản đối các trạm BOT.

Cụ thể, tháng 1/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Quế Võ đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tạm giam 6 tài xế để điều tra hành vi “Gây rối trật tự công cộng” tại trạm BOT Phả Lại, gồm: Nguyễn Quỳnh Phong (SN 1986), Nguyễn Quang Hùng (SN 1993), Nguyễn Tuấn Quân (SN 1984), Lê Văn Khiển (SN 1990), Vũ Văn Hà (SN 1990, cùng ở thị xã Chí Linh, Hải Dương) và Trần Quang Hải (SN 1991, ở Quế Võ).

Ngày 5/3/2019, công an huyện Quế Võ (tỉnh Bắc Ninh) phối hợp công an tại Hà Nội đã bắt tạm giam tài xế Hà Văn Nam (38 tuổi) với cáo buộc “Gây rối trật tự công cộng” theo điều 318 Bộ luật hình sự 2015, vì liên quan vụ án gây rối trật tự công cộng tại Trạm thu phí BOT Phả Lại (xảy ra ngày 31/12/2018 tại xã Đức Long, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh). Quyết định do Viện kiểm sát nhân dân huyện Quế Võ phê chuẩn ngày 4/3.

Kim Long