BOT Cai Lậy vẫn đang nóng.

Trạm thu phí BOT Cai Lậy (Tiền Giang) có 8 làn xe cơ giới, mỗi chiều có một làn thu phí tự động, mức phí trước ngày 21/8 từ 35.000 đến 180.000 đồng/lượt. (Ảnh: Khánh Minh)

Giải pháp giảm phí do Bộ GTVT, lãnh đạo tỉnh Tiền Giang, chủ đầu tư BOT Cai Lậy đưa ra hôm 16/8 như một đáp án “lạc đề” cho bài toán vị trí đặt trạm. Tiếp đến ngày 17/8, cuộc họp báo của Bộ GTVT cho thấy rõ quan điểm của Bộ khi khẳng định không có lý do phải thay đổi vị trí đặt trạm – đáng chú ý hơn, sau giảm phí, trạm BOT Cai Lậy có thể kéo dài thời gian thu phí từ 6 năm 5 tháng lên 12 – 14 năm. Đó không chỉ là thu ít nhưng lâu hơn, mà là bòn rút dần dần, thay vì rút nhanh thì rút từ từ, rút nhiều hơn. Giảm trung bình 30% mức phí, song tăng thời gian thu lên trên dưới 2 lần.

Một tài xế cho hay theo điều tra của CSGT, trung bình có hơn 50.000 lượt ô tô các loại lưu thông trên QL1 qua địa phận Tiền Giang mỗi ngày đêm. Với mức phí thấp nhất là 35.000 đồng/lượt (ô tô dưới 12 chỗ ngồi) thì mỗi ngày trạm thu phí sẽ thu được ít nhất là 1,75 tỷ đồng. Nhân với thời gian thu phí là 6 năm 5 tháng thì chủ đầu tư sẽ thu được ít nhất hơn 4.000 tỷ đồng.

Với mức phí thấp nhất vừa giảm là 25.000 đồng/lượt (ô tô dưới 12 chỗ ngồi), sau 6 năm 5 tháng, chủ đầu tư thu được ít nhất gần 3.000 tỷ đồng; nếu sau 12-14 năm thu được ít nhất hơn 5.400 – 6.300 tỷ đồng.

Trong khi đó, tổng đầu tư cho tuyến đường tránh và cả tăng cường mặt đường quốc lộ 1 chỉ gần 1.400 tỷ đồng.

Trên Báo Tiền Phong (21/8/2017), đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa cho biết theo chuyên gia kinh tế tính toán, với mức thu phí tối thiểu hiện nay thì chỉ cần 3 tháng, chủ đầu tư tuyến Cai Lậy đã thu đủ hơn 300 tỷ đồng tiền rải thảm nhựa 26,5 km trên QL 1A.

Cũng cần nhớ rằng, hơn 300 tỷ đồng này vốn dĩ không thể thu của người dân, khi họ đã đóng Quỹ bảo trì đường bộ hàng năm để chi trả cho kinh phí bảo trì, quản lý quốc lộ và đường bộ địa phương (Nghị định số 18/2012/NĐ-CP ngày 13/3/2012 của Chính phủ).

Vì sao cần làm đường tránh quốc lộ? Cung đường vòng (bypass) này để luồng giao thông trên quốc lộ không bị xung đột với các luồng giao thông trong đô thị, giảm tắc nghẽn, đảm bảo an toàn giao thông, giảm ô nhiễm tiếng ồn do xe trọng tải lớn gây ra cho đô thị.

Ngoài ra, dự án được đầu tư theo hình thức BOT, tức theo nguyên tắc đảm bảo người dân có quyền lựa chọn đi đường BOT (phải trả phí) hay đường quốc lộ (do NN đầu tư).

Nhưng với việc đặt trạm thu phí dù ở đầu tuyến tránh song lại chặn trên QL 1, người dân xét về lợi ích thì dù đi quốc lộ hay tuyến tránh (dài hơn) đều phải đóng phí. Một tuyến tránh được đầu tư tới 1.000 tỷ đồng nhưng chức năng tuyến tránh lại không được đảm bảo.

Thực tế với cách đặt trạm kiểu “đơm đó” kiểu như trên, hàng ngàn xe phải “né” vào đường huyện để tránh trạm. Gần 1.400 tỷ đồng cho một dự án đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, rốt cuộc trở thành điểm thiếu minh bạch nặng nề, còn người dân bị đẩy vào cảnh phí chồng phí.

Nhiều tài liệu do báo chí công bố cho thấy BOT Cai Lậy được Bộ GTVT và các bộ, ngành, địa phương cho phép bổ sung hạng mục tăng cường mặt đường QL 1 vào dự án đầu tư tuyến tránh QL1 đoạn qua thị trấn Cai Lậy, cho di dời trạm thu phí, tự ý đổi hai cây cầu thành cống… Tới nay, Bộ đưa ra giải pháp giảm phí nhưng có thể kéo dài thời gian thu, khẳng định không có lý do di dời trạm. Trong bài toán quản lý, Bộ GTVT chú tâm thể hiện khả năng “hài hòa lợi ích” đến mức bỏ qua năng lực nhận biết đúng – sai. Còn người dân có quyền đặt dấu nghi vấn rằng có vấn nạn thân hữu cùng nhau tham nhũng, tước bỏ quyền lựa chọn của người dân, phủ nhận tiếng nói của người dân.

Cứ vì người dân phản đối, phản ứng mà thay đổi vị trí trạm thu phí là không ổn” – đằng sau câu nói của Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông tại cuộc họp báo hôm 17/8 cho thấy còn nhiều BOT Cai Lậy thay vì chỉ một. Cơ quan quản lý sợ tiếng nói của người dân có thể tạo hiệu ứng dây chuyền, tìm cách đối phó thay vì giải quyết, dù việc giải quyết những bất hợp lý như tại trạm BOT Cai Lậy đơn giản là làm theo đúng quy định.

Theo kết luận thanh tra vừa được Thanh tra Chính phủ ban hành, 100% dự án BOT là chỉ định thầu, nhiều dự án ghép việc cải tạo nâng cấp QL với dự án đầu tư xây dựng đường mới rồi đặt trạm thu phí cả hai, dự án chưa hoàn thành đã thu phí cả tuyến, mập mờ xác định lưu lượng xe, áp giá thu phí cao, tăng nhanh…

Sự việc ở trạm thu phí Cai Lậy là giọt nước tràn ly, nhưng có lẽ không phải là giọt nước cuối cùng trong bối cảnh hàng loạt các trạm thu phí đang bộc lộ quá nhiều bất cập như hiện nay. “Cảnh báo” về hiệu ứng domino mà Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nhắc đến trong hôm 17/8 không phải là không có lý, nếu như Bộ thay vì làm tròn trách nhiệm, lại tiếp tục cố thủ hay thậm chí tô đậm thêm những cái sai của BOT Cai Lậy cùng nhiều dự án BOT khác.

Vĩnh Long

Xem thêm:

Vĩnh Long

Published by
Vĩnh Long

Recent Posts

Hà Nội: 150 bộ hài cốt được phát hiện khi cải tạo hệ thống thoát nước

Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…

12 phút ago

Nghiên cứu: Kẽm giúp chống lại tình trạng kháng kháng sinh ở vi khuẩn

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…

36 phút ago

Tổng thống Putin cảnh báo sẽ trả đũa các quốc gia cung cấp vũ khí tấn công Nga

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…

1 giờ ago

Ông Trump chọn bà Pam Bondi là ứng cử viên mới cho chức tổng chưởng lý Hoa Kỳ

Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…

2 giờ ago

Gia Lai: Hiệu trưởng nhiều ngày không đến trường, giáo viên huyện biên giới bị chậm lương

Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…

2 giờ ago

Tiệm vàng tại Nghệ An mở sổ tiết kiệm như ngân hàng

Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…

2 giờ ago