Tiền Giang: Tiếp tục đóng chai tiền lẻ mệnh giá 200, 500 đồng phản đối trạm BOT Cai Lậy
- Trần Tâm
- •
Cho rằng mức phí tại trạm BOT Cai Lậy (Tiền Giang) quá cao, nhiều chủ phương tiện dùng đồng tiền lẻ mệnh giá 200, 500 đồng bỏ vào chai nhựa để trả tiền phí và giăng biểu ngữ “Yêu cầu dời trạm vé vào đường tránh Cai Lậy” để phản đối việc đặt trạm BOT trên Quốc lộ 1.
Từ 15h đến 19h ngày 6/8, khoảng 10 tài xế ô tô 4 chỗ, ô tô tải đã dùng tiền lẻ mệnh giá 500 đồng bỏ trong chai nhựa, bịch nylon trả phí khi qua trạm BOT Cai Lậy (Tiền Giang), đồng thời, các chủ phương tiện còn giăng trên xe biểu ngữ: “Yêu cầu dời trạm vé vào đường tránh Cai Lậy” để phản đối việc đặt trạm BOT trên Quốc lộ 1.
Để thu tiền, các nhân viên tại trạm phải mời chủ phương tiện điều khiển xe tạt vào lề đường gần trạm thu phí để nhận tiền lẻ. Những nhân viên này phải dùng dao để cắt chai, đổ tiền xuống nền đất để đếm tiền. Do tiền được các chủ phương tiện vo tròn, nên mỗi xe mất tới 15-20 phút mới đếm xong.
Theo các chủ phương tiện, mức phí thu tại trạm BOT này không hợp lý. Điểm bất hợp lý nằm ở chỗ hiện nay đường cao tốc Trung Lương – TP.HCM dài 45 km có 4 làn cao tốc cho phép xe lưu thông vận tốc 80 – 100 km/giờ, nhưng chỉ thu phí có 40.000 đồng đối với các loại xe từ 7 chỗ ngồi trở xuống.
Thế nhưng, đường tránh thị xã Cai Lậy chỉ dài 12,02 km, 2 làn đường lưu thông, tốc độ tối đa chỉ bằng quốc lộ 1A mà thu 35.000 đồng/xe từ 7 chỗ ngồi trở xuống. Các chủ phương tiện lưu thông qua đây cho rằng mức phí này là quá đắt. Bên cạnh đó, các chủ phương tiện cũng cho rằng mỗi năm đã đóng cả tiền triệu để bảo trì đường bộ, giờ lại tiếp tục đóng phí cho đoạn sửa Quốc lộ 1 như vậy là vô lý.
Sự việc khiến đoạn đường qua trạm thu phí BOT Cai Lậy bị ùn tắc cục bộ. Lực lượng cảnh sát giao thông phải điều tiết xe cộ nhằm tránh ùn tắc kéo dài.
Đến 19h cùng ngày, giao thông qua trạm thu phí Cai Lậy đã thông thoáng trở lại.
Dự án xây dựng tuyến đường tránh thị xã Cai Lậy (Tiền Giang) được khởi công ngày 20/2/2014 theo hình thức hợp đồng BOT. Dự án có tổng chiều dài 38,52 km, từ Km 1987+560 – Km 2014. Trong đó, chiều dài tuyến tránh là 12,02 km được xây mới với tổng mức đầu tư hơn 1.398 tỷ đồng; 26,5 km còn lại thuộc Quốc lộ 1 được nâng cấp trải thêm lớp nhựa đường gia cố có vốn đầu tư trên 300 tỷ đồng.
Dự án do Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư Xây dựng Bắc Ái, Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Xây dựng Giao thông 1 làm chủ đầu tư. Thời gian thu phí là 6 năm 4 tháng, sau khi hết hạn dự án sẽ được bàn giao lại cho Nhà nước.
Ngày 1/8/2017, Trạm thu phí quốc lộ 1 và tuyến tránh thị xã Cai Lậy chính thức đi vào hoạt động. Mức phí qua trạm BOT từ 35.000 đến 180.000 đồng.
Tuy nhiên, chỉ trong 3 ngày hoạt động (từ ngày 1/8 đến ngày 3/8), có gần 10 phương tiện qua trạm, tài xế đã dùng tiền lẻ mệnh giá 200 đồng, 500 đồng cuộn tròn trong chai nhựa hoặc đưa từng tờ tiền lẻ để trả phí.
Ngày 4/8, ông Nguyễn Phú Hiệp – Giám đốc Công ty TNHH BOT đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang cho biết công ty đã gửi văn bản “kêu cứu” đến lãnh đạo một số ngành, UBND huyện thuộc tỉnh Tiền Giang do nhiều tài xế mua vé bằng tiền lẻ để lưu thông qua trạm.
Giải thích về vị trí đặt trạm BOT, ông Hiệp cho biết việc đặt trạm thu phí không phải do chủ đầu tư quyết định mà phải được UBND tỉnh Tiền Giang, Bộ GTVT, Bộ Tài chính đồng ý. Việc đặt trạm thu phí do một đơn vị tư vấn độc lập của Bộ GTVT thuê, sau khi đo đạc lưu lượng xe, các đơn vị liên quan thống nhất vị trí đặt trạm.
Về mức phí qua trạm cao, ông Hiệp cho hay chủ đầu tư chỉ thu theo thông tư của Bộ Tài chính ban hành. Theo ông Hiệp, vì dự án BOT Cai Lậy thu phí rút ngắn thời gian trong vòng 6 năm, 4 tháng, 29 ngày – ít hơn so với nhiều dự án khác nên giá thu phí cao.
Hiện mức phí của Trạm thu phí tuyến tránh thị xã Cai Lậy được quy định:
|
Trần Tâm
Xem thêm:
Từ khóa BOT trạm thu phí Tiền Giang Cai Lậy