Trả lời câu hỏi về việc các nhân viên, công chức, viên chức tại TP.HCM đến chỗ làm thế nào sau ngày 30/9? – đại diện Công an TP.HCM cho hay đang cập nhật thông tin của hơn 7.500 cán bộ, công chức, viên chức vào phần mềm VNEID để kiểm soát lưu thông.
Tại cuộc họp báo thường kỳ cung cấp thông tin xoay quanh tình hình dịch COVID-19 tại TP.HCM, chiều 23/9, thượng tá Huỳnh Quang Tuyến, Phó trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM cho biết có nhận được câu hỏi về tiến độ tiếp nhận, giải quyết giấy phép lưu thông cho người lao động, công chức, viên chức, cán bộ đi làm sau 30/9.
Ông Tuyến cho hay theo thống kê của Công an TP.HCM, đến nay đơn vị đã tiếp nhận danh sách từ 17 sở, ngành của TP, với tổng số trên 7.500 cán bộ, công chức, viên chức.
Lực lượng chức năng của Công an TP đang cập nhật thông tin từ danh sách này vào phần mềm VNEID để quản lý, kiểm soát lưu thông trên đường.
Trước đó, Công an TP đã đề nghị các đơn vị gửi danh sách cán bộ, công chức đăng ký làm việc tại trụ sở về Sở Nội vụ. Sở Nội vụ tập hợp và gửi về Công an TP để cập nhật danh sách quản lý về cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đồng thời các cán bộ, công chức sẽ khai báo y tế trên phần mềm VNEID của Bộ Công an ở nhà trước khi lưu thông.
Công an TP sẽ thực hiện kiểm tra thẻ ngành, thẻ nhân viên và lịch công tác hoặc đối chiếu với danh sách làm việc đã được cung cấp, cập nhật phần mềm.
Trong buổi họp báo chiều 23/9, ông Tuyến cho hay để hạn chế thủ tục cấp đổi giấy đi đường và việc lạm dụng giấy thông hành không đúng mục đích, Công an TP.HCM đề xuất phương án cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được phép đến/rời trụ sở làm việc vào vào 2 khung thời gian: 6h30-8h và 16h30-18h. Tuyến đường được phép lưu thông là từ nơi ở đến trụ sở làm việc.
Những trường hợp ra đường thực hiện nhiệm vụ (ngoài khung giờ và tuyến đường) vẫn sử dụng giấy đi đường đã cấp (trường hợp đổi ca, bị nhiễm nCoV thì đổi giấy). Trong trường hợp đặc biệt do yêu cầu công việc thì Công an TP.HCM xem xét cấp bổ sung giấy đi đường và xem xét giải quyết từng đơn vị.
Ứng dụng VNEID là một app của Bộ Công an, được xây dựng trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thượng tá Lê Mạnh Hà – Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM cho biết, báo Lao Động ngày 19/9 dẫn tin. Theo hướng dẫn của Bộ Công an, ứng dụng VNEID sẽ cung cấp cho người dùng mã QR code để sử dụng cho các nền tảng đang sử dụng phổ biến như Ncovi, Bluezone, VHD, giúp rút ngắn thời gian khai báo y tế trong quá trình tham gia giao thông. VNEID kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để bảo đảm tính chính xác của thông tin công dân, phục vụ công tác truy vết F0, F1, F2. Trước phản ánh rằng người dân phải khai báo trên 3 app để qua các chốt kiểm soát, ông Hà nói: “Hiện nay, tất cả các chốt kiểm soát của Công an TP.HCM chỉ kiểm qua mã QR tại 1 app duy nhất là VNEID”. Trong trường hợp app VNEID bị lỗi, người dân có thể quét mã QR để đăng nhập vào trang Sức khoẻ dân cư quốc gia để khai báo y tế hoặc trình giấy đi đường để công an kiểm tra. |
Cùng ngày 23/9, trong buổi giám sát của ĐBQH TP.HCM về việc việc thực hiện Nghị quyết 42, Nghị quyết 154, Nghị quyết 68 của Chính phủ và Nghị quyết 09 của HĐND TP.HCM về chính sách hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn do tác động của dịch COVID-19, Phó giám đốc Công an TP.HCM – đại tá Nguyễn Sỹ Quang thừa nhận ngành công an TP đang gặp khó khăn trong việc triển khai sử dụng “thẻ xanh COVID-19”.
Ông Quang cho hay TP đang hướng tới “bình thường mới” sau ngày 30/9, nhưng thực tế có nhiều khó khăn về vấn đề dữ liệu. Các dữ liệu về tiêm vắc xin, dữ liệu F0 đã khỏi bệnh, nhất là F0 điều trị tại nhà đã khỏi bệnh, dữ liệu về xét nghiệm… đang tản mát.
Theo ông Quang, khó khăn lớn nhất là dữ liệu về tiêm vắc-xin. Lý do là nhiều đơn vị tiêm vắc-xin nhưng thông tin chưa thấy cập nhật ngay. Công an TP đã nhiều lần đề nghị với ngành y tế để cập nhật vào cơ sở dữ liệu tích hợp dùng chung.
Thứ hai là dữ liệu về F0 khỏi bệnh chưa đủ, nhất là F0 cách ly tại nhà, ở cộng đồng. Thứ ba là dữ liệu về xét nghiệm, dữ liệu này hiện còn khó khăn hơn khi thống nhất đưa thông tin xét nghiệm vào mã QR code để lưu thông mà không cần cầm thêm tờ giấy xét nghiệm.
Ông Quang cho hay đề nghị ngành y tế cần cập nhật kịp thời dữ liệu để sau 30/9 hướng tới sử dụng mã QR tích hợp các dữ liệu này, để triển khai “thẻ xanh COVID-19”.
Ngoài ra, ông Quang đề nghị Sở LĐ-TB-XH TP phối hợp với Công an TP, Cục C06 để cập nhật dữ liệu an sinh, giải quyết vấn đề sót, lọt hỗ trợ; hiện Công an TP chỉ có hơn 1 triệu dữ liệu.
Tại buổi họp báo tối 15/9, Giám đốc Sở TT-TT TP.HCM – ông Lâm Đình Thắng cho biết “thẻ xanh COVID-19” sẽ được thí điểm tại: quận 7, huyện Củ Chi, huyện Cần Giờ; Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp, Ban quản lý KCN cao; triển khai theo lộ trình, trong những nhóm đơn vị cụ thể. Như tại quận 7 sẽ thí điểm tại 150 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thiết yếu; ở huyện Củ Chi, huyện Cần Giờ sẽ thí điểm tại cơ sở cung cấp lương thực, thực phẩm, cung cấp sản phẩm dịch vụ sản xuất nông nghiệp, du lịch tại địa phương…, theo ông Thắng. Sau ngày 30/9, TP.HCM sẽ có đánh giá đầy đủ và có quyết định chính thức về việc triển khai “thẻ xanh COVID-19” tại TP như thế nào. |
Minh Sơn
Xem thêm:
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…