UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi đến Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc thông qua điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) và tuyến số 2 (Bến Thành – Tham Lương).
UBND TP.HCM kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội thông qua điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) tại kỳ họp sớm nhất. Trong thời gian Quốc hội chưa thông qua, UBND thành phố kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ KH&ĐT hỗ trợ, ưu tiên tạm ứng vốn cho thành phố để tiếp tục thực hiện dự án này và đảm bảo việc thanh toán cho các nhà thầu trong năm 2018.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho hay việc hoàn tất các thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư tuyến metro số 1 là điều kiện tiên quyết để thực hiện kế hoạch vốn trung hạn và các năm tiếp theo giúp dự án hoàn thành vào cuối năm 2020 như dự kiến.
Chủ tịch UBND thành phố cũng cho rằng việc dự án bị chậm trễ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản do phía Việt Nam sử dụng không hiệu quả nguồn vốn tài trợ của Nhật Bản, ảnh hưởng đến khả năng tài trợ của nước này đối với các dự án ODA của Việt Nam trong tương lai.
Theo UBND thành phố, dù thành phố đã nhiều lần tạm ứng ngân sách để chi trả nhưng năng lực có hạn, việc nguồn vốn ODA từ Trung ương chậm rót về khiến ngân sách thanh toán cho các nhà thầu không đảm bảo. Việc này có thể dẫn đến việc giãn tiến độ thi công dự án, thậm chí ngưng thi công trên công trường, có nguy cơ xảy ra kiện tụng, tranh chấp.
UBND TP.HCM cũng kiến nghị Thủ tướng thống nhất trình Quốc hội chấp thuận việc điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư và thời gian hoàn thành dự án tuyến metro số 2. Tuyến metro số 2 (đoạn Bến Thành, Tham Lương) dài khoảng 11 km, được đơn vị tư vấn trong nước thực hiện vào năm 2011, tổng mức đầu tư hơn 26.100 tỷ đồng và đã được UBND TP.HCM phê duyệt. Năm 2012, các bước tiếp theo của dự án được tư vấn bởi liên danh tư vấn IC (đứng đầu là tư vấn Đức). Liên danh tư vấn phát hiện thiết kế cơ sở của dự án có nhiều nội dung thiếu sót, chưa phù hợp nên phải điều chỉnh, tổng mức đầu tư khoảng 40.000 tỷ đồng.
Theo UBND TP.HCM, tổng mức đầu tư của dự án còn tăng do việc cập nhật lại đơn giá cho các hạng mục xây lắp, đơn giá công nhân tăng so với thời điểm được duyệt năm 2010, tăng chi phí dự phòng, tỷ lệ trượt giá, thay đổi giá lãi vay, thay đổi cơ cấu vốn,…
Theo UBND thành phố, nếu không điều chỉnh kịp thời, việc đấu thầu các gói đang thực hiện có nguy cơ bị hủy do không đảm bảo điều kiện ký hợp đồng với các nhà thầu xây dựng, đồng thời việc chậm điều chỉnh vốn và thời gian hoàn thành dự án được cho là cũng làm giảm uy tín của các nhà tài trợ do không thể giải ngân theo các hiệp định đã ký và đang được gia hạn; đồng thời thành phố sẽ tiếp tục phải trả phí cam kết thường niên đối với các khoản chưa giải ngân.
Đăng Nguyên
Xem thêm:
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…
Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…